Nông dân lo lắng vì giá mía giảm mạnh

Thứ Năm, 16/11/2023, 07:12

Sau thời gian tăng giá trong niên vụ vừa rồi, giá mía tại một trong những vùng nguyên liệu lớn của ĐBSCL là huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là sau khi Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) thông báo tạm dừng sản xuất 1 vụ nhà máy đường (NMĐ) Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024, thương lái thu mua mía chục (mía làm nước ép) đã ép giá nông dân.

Ông Trương Văn Hiền từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 tấn mía ở Phụng Hiệp (câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha/năm, năng suất cao gần gấp đôi so với những nông dân khác) nhưng nay đã chuyển toàn bộ diện tích trồng mía sang cây trồng khác. Ông Hiền than thở: “Các thành viên trong câu lạc bộ trồng mía không lời nhiều thì cũng lời ít. Tuy nhiên, 3 năm trước tôi đã bỏ mía, chuyển toàn bộ 1,2ha sang trồng chuối. Do giá mía bấp bênh, không ổn định, tuy có lời nhưng không đủ trang trải cuộc sống”.

Theo nông dân Nguyễn Văn Bảy (ngụ xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp), nhiều năm qua, bán mía cho nhà máy giá chỉ 1.000-1.200 đồng/kg thì lời không bao nhiêu nên đã bán mía chục cho thương lái làm nước ép, giá khoảng 2.000 đồng/kg. “Thời gian chăm sóc mía chục chỉ khoảng 6 tháng, trong khi mía bán cho nhà máy từ 10-12 tháng. Tuy nhiên, sau khi Casuco thông báo ngưng chạy NMĐ Phụng Hiệp thì thương lái tìm cớ ép giá nông dân, giờ họ chỉ mua 1.000 đồng/kg”, ông Bảy than.

Nông dân lo lắng vì giá mía giảm mạnh -0
Nhà máy dừng sản xuất khiến nông dân bị thương lái ép giá mía.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho hay, hiện địa phương còn khoảng 900ha/3.100ha mía chưa thu hoạch nhưng giá mía nguyên liệu hiện nay đã giảm một nửa so với đầu vụ, chỉ còn từ 1.000-1.200 đồng/kg. Ông Tuấn thông tin: “Nhà máy thu mua theo hợp đồng cho nông dân là 1.000 đồng/kg. Còn nông dân bán mía cho thương lái để làm nước ép thì trên 2.000 đồng/kg. Bán mía theo hợp đồng với nhà máy mức giá trên thì không lời bao nhiêu vì phải chịu chi phí vận chuyển, thuê ghe, nhân công. Còn nếu bán mía cho lái làm nước thì lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha”.

Vừa qua, Casuco ra thông báo tạm dừng sản xuất 1 vụ NMĐ Phụng Hiệp (đặt tại Hậu Giang) của niên vụ 2023-2024. Theo báo cáo của Casuco, trong niên vụ 2022-2023, công ty ký kết với 992 hộ nông dân và đầu tư vùng nguyên liệu tại Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng với diện tích gần 895ha, kế hoạch sản lượng ép mía nguyên liệu là 80.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng ép mía của công ty chỉ đạt hơn 14.500 tấn (tương đương 130ha). Sản lượng mía còn lại nông dân đã bán mía ép lấy nước (với giá 2.200-2.300 đồng/kg), bán cho lò thủ công (1.600-1.700 đồng/kg)… cao hơn khi bán cho NMĐ.

Theo ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Giám đốc Casuco, niên vụ vừa qua đã kết thúc nhưng NMĐ thiếu nguyên liệu rất nhiều. Công ty hỗ trợ tiền giống, phân bón… từ 35-40 triệu đồng/ha. Mía khi thu hoạch được bao tiêu 1.000 đồng/kg, tăng 1 chữ đường thì tăng thêm 100 đồng/kg nhưng nông dân lại “bẻ kèo”, đem mía bán chục cho thương lái. Trước tình hình này, Casuco đã tạm dừng sản xuất 1 vụ mía NMĐ Phụng Hiệp và chấp nhận mức lỗ hơn 26,5 tỷ đồng.

Casuco sẽ làm việc với chính quyền địa phương ở Hậu Giang về việc tạm dừng sản xuất để cơ cấu lại vùng nguyên liệu, rà soát diện tích thực tế trồng mía nguyên liệu, quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy đáp ứng công suất hoạt động tối thiểu. Công ty cũng kết hợp với lực lượng khuyến nông cấp xã trong tuyên truyền vận động người dân trồng mía nguyên liệu, kết hợp xây dựng, tuyển chọn, phục tráng giống mía phù hợp với thổ nhưỡng vùng nguyên liệu, đạt năng suất và chất lượng cao để nông dân gắn bó với cây mía đạt lợi nhuận cao hơn so với các cây trồng khác.

Trái lại, tại vùng mía huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), diện tích trồng mía đã tăng lên. Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: “Trong niên vụ mía 2023-2024, huyện xuống giống 1.120 ha mía, tăng 100 ha so với niên vụ vừa rồi. Nguyên nhân do vừa qua, giá mía tăng, mía thu mua tại ruộng là 1.200 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha. Nhiều nông dân đã quay lại trồng mía”. Cũng theo ông Thảo, Công ty CP Mía đường Trà Vinh hỗ trợ nông dân 70% chi phí để mua phân, giống… và hai bên có hợp đồng với nhau nhằm giữ ổn định vùng nguyên liệu.

Văn Vĩnh
.
.