Nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường

Thứ Hai, 25/09/2023, 05:08

Theo VSSA, tổng diện tích trồng mía trên toàn quốc trong niên vụ 2022-2023 là 141.906ha, năng suất bình quân 69,3 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 9,5 triệu tấn. So với niên vụ 2021 - 2022 thì diện tích trồng mía tăng 17.151ha (13,75%), năng suất tăng 7,8 tấn/ha (2,5%) và sản lượng mía cũng tăng hơn 1,9 triệu tấn (28,2%).

Đến cuối tháng 6/2023, ngành mía đường Việt Nam (MĐVN) đã kết thúc hoạt động ép mía niên vụ 2022-2023 với tổng sản lượng hơn 9,6 triệu tấn mía, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại. So với vụ ép mía 2021 -2022 thì sản lượng mía ép đạt 128%, sản lượng đường đạt 125%. So với vụ ép mía 2020 – 2021 sản lượng mía ép đạt 143%, sản lượng đường đạt 136%.

mia1.jpg -0
Nông dân huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) chăm sóc ruộng mía.

Một trong những yếu tố tác động sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ ép mía nối tiếp là giá mua mía đã được ngành MĐVN liên tục nâng lên, đến nay mỗi tấn mía đã ở mức 1,1 – 1,3 triệu đồng, tương đương với các nước trong khu vực, diện tích trồng mía cũng gia tăng, ngành mía đường trong nước đã có sự phục hồi đáng kể từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà Nhà nước Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.

Trước bối cảnh giá đường thế giới liên tục tăng trong niên vụ 2022-2023, diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận luôn ở mức thấp nhất. So với mức giá ở Việt Nam trong niên vụ này thì giá đường bình quân ở Philippines 193%, Indonesia 106% Trung Quốc là 107% so với Việt Nam.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường, củng cố và phát triển bền vững chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, VSSA kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn các ngân hàng xem xét hoạt động không hiệu quả của các nhà máy đường chịu sự thiệt hại nghiêm trọng của đường phá giá, trợ cấp từ Thái Lan để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới để phục hồi hoạt động; bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí thường niên cho hoạt động nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía 3 cấp tại các vùng sản xuất mía trọng điểm; chỉ đạo Sở NN & PTTT các tỉnh có vùng trồng mía hỗ trợ các nhà máy đường bảo vệ mía đã được đầu tư, tránh việc tranh mua nguyên liệu từ các nhà máy khác trên cơ sở thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ; cho phép kết nối hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc của VSSA vào hệ thống của Bộ NN&PTNT. Đề xuất Bộ Công thương điều tra, phòng vệ thương mại về nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS; tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh đường; áp dụng một giá điện cho tất cả các dự án điện sinh khối.

VSSA kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần xem xét, chấm dứt việc đấu giá và áp dụng biện pháp tiêu hủy đường nhập lậu, đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ đã bị tịch thu. Giao cho VSSA đề xuất cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng đường để hình thành quỹ hỗ trợ kinh phí tiêu hủy đường nhập lậu bị tịch thu; kiên quyết chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự những vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến gian lận đường thương mại nhập lậu và nhập lậu đường; tổ chức giám sát kiểm tra các cơ sở san chia, đóng gói mặt hàng đường và sản xuất đường phèn bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật...

UBND các tỉnh, thành phố có vùng mía nguyên liệu hoặc nhà máy đường rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá mía tại những vùng có lợi thế; hướng dẫn hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác tại những vùng trồng mía không đạt hiệu quả.

Đồng thời cần xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển mô hình khuyến nông, xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía; ưu tiên nguồn vốn của địa phương để hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường…

Hữu Toàn
.
.