Kỳ vọng gia tăng đầu tư, thương mại Trung Quốc vào Việt Nam

Thứ Ba, 12/12/2023, 13:38

Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc trong thời gian tới, khi lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng như: năng lượng, phát triển xanh, kinh tế số… Trong đó, 11 tháng của năm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có 632 dự án mới đăng ký vào Việt Nam, cao nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ. Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, XNK đi thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan. Trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch XNK của Việt Nam với Trung Quốc đạt hơn 155 tỷ USD. Cũng trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ hai của nước ta. Kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2%. Đây là điểm sáng trong bối cảnh XK sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc là một thị trường XK quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản. Đơn cử với mặt hàng rau quả, XK sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 53,7% lượng hàng xuất ra nước ngoài; Trung Quốc hiện là thị trường thứ 3 của XK thủy sản Việt Nam.

Kỳ vọng gia tăng đầu tư, thương mại Trung Quốc vào Việt Nam  -0
Trung Quốc hiện là thị trường thứ 3 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, việc hàng loạt trái cây được cấp phép XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp ngành rau quả đạt kỷ lục hơn 5 tỷ USD sau 11 tháng. Các DN rau quả kỳ vọng việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện để XK rau quả Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Điển hình như mặt hàng sầu riêng, năm ngoái Việt Nam chỉ xuất được khoảng 300 triệu USD, nhưng từ khi Trung Quốc cho phép XK chính ngạch (tháng 7/2022), XK sầu riêng tăng kỷ lục và dự báo năm nay có thể đạt 2,3 tỷ USD.

Ông Nguyên cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tiếp tục tăng mạnh XK rau quả sang Trung Quốc, như lợi thế gần với Trung Quốc; các chợ đầu mối nông sản lớn của Trung Quốc đều nằm dọc giáp biên giới với Việt Nam. Đặc biệt, nếu các mặt hàng khác như dừa tươi, bơ, bưởi,…được ký nghị định thư cũng sẽ giúp ngành rau quả tăng thêm ít nhất 1 tỷ USD.

Kỳ vọng gia tăng đầu tư, thương mại Trung Quốc vào Việt Nam  -0
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng kỷ lục trong năm 2023.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường XK cho hàng Việt vào Trung Quốc. Trong đó, thực hiện đồng loạt các giải pháp xúc tiến thương mại. Gần đây, tháng 11/2023, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam-Trung Quốc”.

Ngay sau hội nghị, các DN Việt Nam đã thực hiện các hoạt động kết nối giao thương B2B trực tiếp với DN Trung Quốc, ước tính có hơn 150 lượt giao dịch đã diễn ra. Cùng với hoạt động này, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang chủ động phối hợp cùng với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, CCPIT Trung Quốc tại Trung ương và địa phương tổ chức nhiều đoàn DN Việt Nam giao dịch và làm việc tại các địa phương và Hội chợ tại Trung quốc để kết nối giao thương trực tiếp với DN Trung Quốc, cũng như đón nhiều đoàn địa phương và DN Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam. Cùng với đó, để khơi thông dòng chảy thương mại Việt Nam- Trung Quốc trong năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ động, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi XK hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chuyển hướng XK hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch cũng được triển khai đồng bộ, tích cực.

Dẫn đầu về số dự án mới đầu tư vào Việt Nam

Về đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong những quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đầu tư 3,96 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Dự án quy mô lớn, công nghệ cao xuất hiện nhiều hơn. Đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, với những tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn nữa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Dòng vốn đầu tư mới từ Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới với những dự án ở lĩnh vực công nghệ cao, chất lượng. Lợi thế thu hút FDI của Việt Nam là hệ thống chính trị ổn định, độ mở nền kinh tế lớn, ký kết nhiều hiệp định FTA thế hệ mới.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, thời gian gần đây, DN Trung Quốc có xu thế chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam là một điểm đến. Nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng đầu tư vào Việt Nam từ những năm trước và đặc biệt trong năm 2023, Trung Quốc gia tăng đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam. Trong đó, dự án FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự chọn lọc hơn, với 2 luồng đầu tư chính. Luồng thứ nhất từ chính DN Trung Quốc. Luồng thứ 2 từ việc dịch chuyển dòng vốn FDI theo xu hướng “Trung Quốc +1”. Do vậy, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc không thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sang Việt Nam nhằm tận dụng các đối tác XK thuận lợi để giao thương hàng hoá.

Kỳ vọng gia tăng đầu tư, thương mại Trung Quốc vào Việt Nam  -0
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể, đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng…, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may, da giày… Trên thực tế, từ đầu năm 2023, nhiều DN Trung Quốc đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Đồng thời, các địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương… đón nhiều dự án công nghệ cao trong năm nay.

Đặc biệt, cuối tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào TP Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD. Trong đó, 693 dự án cấp mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký mới đạt 415,5 triệu USD; 107 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 135,7 triệu USD; 822 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 10,7 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 2 trong các quốc gia lớn đầu tư tại TP Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2023, TP Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), đồng Chủ tịch điều hành Tập đoàn N&G cho biết, HANSIBA, Tập đoàn N&G vừa ký biên bản ghi nhớ với đoàn DN Thượng Hải (Trung Quốc) về việc hình thành tổ hợp sản xuất Techno Park giữa Việt Nam - Trung Quốc, và trước mắt là Hà Nội - Thượng Hải tại giai đoạn 2 của Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Trong chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, các tập đoàn, DN Trung Quốc, nắm giữ nhiều kinh nghiệm, sở hữu công nghệ, bí quyết để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn. Do vậy, hợp tác về việc hợp tác đầu tư, sản xuất, xúc tiến thương mại, và nguồn vốn, quản trị tài chính DN, cung ứng đào tạo lao động kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ… giúp DN Việt Nam và Trung quốc cùng tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng được cải thiện, lòng tin chính trị được củng cố vững chắc hơn, hợp tác, kết nối kinh tế giữa hai nước đã diễn ra mạnh mẽ. Trung Quốc luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hai nước đang trong quá trình thúc đẩy hoạt động hợp tác vì sự lợi chung trên các lĩnh vực xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy mạnh trao đổi thương mại-đầu tư. Bộ trưởng hy vọng các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ, mở rộng đầu tư tại Việt Nam vào một số lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có tính tương hỗ như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, tài chính, dịch vụ tài chính, tài chính xanh…

Lưu Hiệp
.
.