Xác định nguyên nhân nghêu chết trắng đồng ở Hà Tĩnh

Thứ Tư, 25/04/2018, 08:19
Thời gian qua, nhiều hộ nuôi nghêu ở các huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Hà Tĩnh bỗng chốc rơi vào cảnh trắng tay do nghêu nuôi chết trắng đồng. 

Chuẩn bị đón mùa du lịch hè 2018, người dân nuôi nghêu ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh và Cẩm Lộc huyện Cẩm Xuyên chưa kịp mừng thì đành nuốt nước mắt vào trong khi phải xúc nghêu đem đi đổ. 

Ông Phạm Ngọc Dũng (64 tuổi) ngồi thẫn thờ trước đống nghêu chết cho biết, gia đình vay mượn, chắt bóp được gần 200 triệu đồng để mua thả nuôi hơn 3 tấn nghêu giống trên diện tích gần 3ha ở khu vực Cồn Vạn, bãi bồi Cửa Nhượng. 

Một hộ dân xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh thẫn thờ trước nhiều tấn nghêu đến mùa thu hoạch bị chết.

Vốn lãi, công sức đều đổ vào nghêu nhưng chỉ trong chưa đầy một tuần nghêu bất ngờ chết trắng đồng. Người nông dân lại phải thắt lòng thuê lao động xúc đưa nghêu đi đổ bỏ…

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, hiện tượng nghêu chết xảy ra tại các huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên của tỉnh Hà Tĩnh từ cuối tháng 3-2018 đến nay (chủ yếu nghêu thương phẩm cỡ 50con/kg chết, các loại nghêu giống cỡ 500–600 con/kg và cỡ 300 con/kg chết rải rác và ít). 

Trong đó, tại huyện Thạch Hà, hiện tượng nghêuchết tại các bãi nuôi nghêu thuộc xã Thạch Bàn với diện tích bị thiệt hại 64,98ha/86,38ha diện tích nuôi, với 24 hộ nuôi, mức thiệt hại 40-90%. Số lượng giống thả 261,8 tấn.

Tại huyện Lộc Hà, hiện tượng nghêu chết tại các bãi nuôi nghêu thuộc các xã Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Bằng với diện tích bị thiệt hại trên 40ha/194ha, mức độ thiệt hại trên 50%. 

Tại huyện Cẩm Xuyên, nghêu (sò lát, nghêu trắng) chết hàng loạt tại các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc với diện tích thiệt hại 15,2ha (Cẩm Lĩnh 11ha/21ha diện tích nuôi, Cẩm Lộc 4,2ha/14ha diện tích nuôi), mức độ thiệt hại trên 70%.

Trước hiện tượng nghêu chết trắng đồng làm người nuôi nghêu rơi vào khó khăn, các ngành liên quan và chính quyền địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân nghêu chết. 

Theo đó, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) vừa có báo cáo kết quả quan trắc đột xuất về hiện tượng nghêu nuôi (hay còn gọi là ngao) bị chết tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 

Trung tâm đã tiến hành phân tích các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+, NH3, N-NO2-, P-PO43-, H2S, COD và sắt trong tổng số 7 mẫu nước thu tại vùng nuôi ngao Lộc Hà và Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. 

Kết quả cho thấy: Tất cả các chỉ tiêu phân tích đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép đối với môi trường nuôi thủy sản nước mặn lợ và Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT: 2015/BTNMT. 

Sơ bộ nguyên nhân nghêu chết tại Hà Tĩnh đó là do sự tác động tổng hợp của các yếu tố: Mật độ nuôi dày; ngao thương phẩm bị yếu sau quá trình sinh sản (bãi ngao có mùi tanh hơn thường ngày); hiện tượng sương muối xảy ra trùng thời điểm bãi nghêu phơi bãi vào ban đêm và thời gian phơi bãi kéo dài (10-12 giờ/ngày); thời tiết năm nay ít nắng nên không có tác động của bức xạ mặt trời làm cho sương muối tan chậm so với các năm trước, kéo dài thời gian tác động bất lợi lên bãi nghêu. 

Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc khuyến cáo và đề nghị: Đối với những bãi nuôi có mật độ cao cần san thưa mật độ để giảm sự cạnh tranh thức ăn và không gian sống; khi nghêu đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch để làm giảm mật độ và tránh thất thu do bị chết tiếp. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh cần sớm hỗ trợ, động viên người nuôi nghêu vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Lam Hồng-Sông Lam
.
.