Thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ

Thứ Bảy, 10/04/2021, 09:23
Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất, lắp ráp ôtô... nhưng lại đang rất yếu ngành sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện... để hỗ trợ sản xuất. Chính vì thế, các ngành sản xuất trên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến sản xuất bị động, chi phí cao.


Ngoài các doanh nghiệp (DN) trong nước, làn sóng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang “chảy” mạnh vào Việt Nam, khiến nhu cầu về ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để đáp ứng nhu cầu sản xuất trở nên cấp thiết...

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD (tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020). Có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD (chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Ngoài các nhà đầu tư FDI, các DN trong nước cũng đang dần ổn định và phát triển trở lại, nên đang rất cần các DN cung ứng sản phẩm CNHT để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong thời gian qua, rất ít DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực CNHT, hoặc nếu đầu tư vào CNHT thì đa phần cũng không đáp ứng được yêu cầu của các DN FDI do sản phẩm CNHT còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm.

Doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ để đáp ứng chất lượng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Điển hình như ngành dệt may, da giày, mặc dù là những ngành nằm trong “top” có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên phụ liệu dùng để sản xuất các ngành hàng này chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm khoảng 80%).

Chính vì phụ thuộc quá nhiều nguyên phụ liệu vào thị trường Trung Quốc, nên khi dịch COVID-19 xảy ra, khiến ngành dệt may, da giày rơi vào tình thế lao đao khi không chủ động được nguồn nguyên liệu. Tương tự, một số ngành công nghiệp chủ lực khác như điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô... đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, cũng gặp khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng.

Vì vậy, để thúc đẩy sản xuất, phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để tăng khả năng thu hút FDI, giúp các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xác định CNHT là lĩnh vực quan trọng, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt chương trình hỗ trợ cho 3 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí – tự động hóa, cao su – nhựa, chế biến lương thực – thực phẩm.

Trong quý II-2021, Sở sẽ triển khai chương trình này. Theo đó, TP sẽ thành lập Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng cao su - nhựa đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN thành phố; triển khai “Chuỗi sản xuất sản phẩm, phụ tùng cho ngành chế tạo máy móc thiết bị tự động phục vụ cho các ngành công nghiệp - Chương trình Made by Viet Nam”; đề xuất khu vực phát triển hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực - thực phẩm và tổ chức liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho chuỗi sản xuất của ngành chế biến lương thực - thực phẩm...

Đại diện Trung tâm phát triển CNHT (Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong thời gian qua, Trung tâm cũng đã triển khai các hoạt động để giúp DN đẩy mạnh việc đầu tư mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, thông qua đó DN tìm kiếm đối tác mới.

Điển hình, Trung tâm đã triển khai Chương trình kích cầu đầu tư trong CNHT để giúp DN mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết. Bởi vì khi DN FDI đầu tư vào Việt Nam nói chung hay TP Hồ Chí Minh cũng cam kết với chính quyền địa phương là tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng tỷ lệ mua hàng nội địa.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu này, các DN trong nước phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như giá thành. Ngoài hỗ trợ DN về hồ sơ pháp lý, Trung tâm còn triển khai các hoạt động hỗ trợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của ngành sản xuất, cho CNHT.

Định hướng phát triển ngành CNHT trong thời gian tới, ngày 6-8-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới. Đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó DN trong nước chiếm khoảng 30%.

Năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Thúy Hà
.
.