Khó kiểm soát chất lượng hàng hóa trên “chợ”online

Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:51
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát cũng là thời điểm bùng nổ của “chợ” online. Tuy nhiên, việc giao dịch mua bán online thì người bán và người mua không gặp gỡ trực tiếp, nên một số đối tượng đã lợi dụng tình hình này bán hàng giả, kém chất lượng để lừa người tiêu dùng (NTD)…


Tìm hiểu thị trường kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), NTD bị choáng ngợp bởi hầu như mặt hàng nào bán ở siêu thị, cửa hàng… cũng đều có mặt trên “chợ” online. Tuy nhiên, có điều khác biệt là cùng một mặt hàng nhưng sản phẩm bán trên online thường rao rẻ hơn rất nhiều lần so với giá bán tại các điểm kinh doanh trực tiếp. Còn về chất lượng, trên sản phẩm không có thông tin nào về đơn vị sản xuất, nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm…

Shiper giao hàng cho khách mua hàng qua “chợ” online.

Các sản phẩm nước giặt xả đều được giới thiệu là hương Comfort 5 trong 1, sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ của Thái Lan, có thời hạn sử dụng 3 năm, có mã vạch, có dán tem chống giả và đều là hàng chính hãng… để NTD yên tâm sử dụng. Sở dĩ các sản phẩm này có giá bán rẻ hơn thị trường gấp nhiều lần là  do đơn vị kinh doanh cần thanh lý kho, đẩy lượng hàng tồn. 

Có cả sản phẩm sản xuất để xuất khẩu sang Thái Lan, nhưng do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hàng không xuất đi được, phải bán đổ bán tháo để lấy lại vốn như nước giặt xả hiệu Comfort Baby (3,6-3,8lit/can), sản phẩm được giới thiệu làm 100% từ thiên nhiên sử dụng cho trẻ em, trẻ sơ sinh. Giá niêm yết tại siêu thị 145.000 đồng/can, nhưng tại đây bán chỉ 200.000 đồng 3 can, tặng thêm 1 chai sữa tắm dê (1,2 lít) trị giá 100.000đồng; nước xả Comfort giá bán ở shop online chỉ có 99.000 đồng/5 gói (580ml/gói), trong khi giá thị trường bán 50-60.000 đồng/gói… 

Những sản phẩm trên được rao bán tại các trang: Shop online, Tổng kho nước giặt xả, Cửa hàng tự chọn giá rẻ, Shop nước giặt… Nhưng tất cả các shop này, đều không có các thông tin cần thiết như: địa chỉ cụ thể về cá nhân, đơn vị kinh doanh, kho hàng, cơ sở sản xuất…, nên muốn khiếu nại gì về sản phẩm, NTD cũng không biết đâu mà kêu.

Liên quan đến mặt hàng nước giặt xả, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong tháng 4 cũng đã phát hiện một số vụ vi phạm. Cụ thể, ngày 6/4, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra xưởng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm TT Á Châu do ông Nguyễn Văn Thái (SN 1994, Hà Nội) làm chủ. 

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện tại xưởng có hơn 2.000 can nước giặt nhãn D-nee (loại 3,8 lít) thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D-nee cùng 5 chiếc mô-tơ điện dùng để pha chế thành phẩm. Thông tin ban đầu, cơ sở sản xuất sử dụng các nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Các loại chai, thùng để đóng nước giặt, nước xả vải được nhập từ một cơ sở sản xuất khác.

Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực TMĐT thì các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng cũng gia tăng theo. Đã có nhiều khiếu nại, khiếu kiện của NTD về việc mua hàng online kém chất lượng, hàng không đúng quảng cáo. 

Các thủ đoạn thường được các đối tượng sử dụng là lập nhiều tài khoản Facebook, chạy quảng cáo, đăng ảnh chụp sản phẩm, nhưng chỉ có số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng), thông tin không minh bạch công khai. 

Mặc dù, hoạt động kinh doanh mua bán trên TMĐT khá rầm rộ nhưng khả năng nhận diện hàng gian, hàng giả của cơ quan chức năng trên môi trường này vẫn còn hạn chế, không chủ động trong việc ngăn ngừa, xử lý hàng vi phạm. 

Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, gặp khó khăn trong đấu tranh, xử lý hàng giả, hàng cấm trong hoạt động TMĐT do hiện nay, việc tạo lập tài khoản bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội thường sử dụng thông tin giả, cơ quan chức năng rất khó xác định đối tượng vi phạm và nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Hàng hóa giao dịch qua TMĐT được vận chuyển nhờ các đơn vị vận chuyển độc lập như Grab, Be, Giao hàng nhanh..., với số lượng ít, cơ động nên khó phát hiện. 

Để khắc phục những vấn đề này, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiến nghị, các cơ quan liên quan như Sở Công Thương, Cục Thuế, ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, công ty viễn thông cần có sự phối hợp kiểm soát luồng hàng hóa, dòng tiền thanh toán của các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT thông qua các công ty chuyển phát, bưu chính, viễn thông, tổ chức có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa để thu thập thông tin về chủ hàng, nguồn hàng, luồng di chuyển hàng hóa, kể cả hàng hóa giao dịch xuyên các tỉnh thành và qua biên giới.

Cục QLTT TP Hồ Chí Minh và Công an TP Hồ Chí Minh đã ký kết quy chế phối hợp. Trong năm 2020 và quý I-2021, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, xử lý trên 1.500 vụ, trị giá tang vật vi phạm gần 315 tỉ đồng. Trong hoạt động TMĐT, trong năm 2020, Cục QLTT phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 96 cá nhân, tổ chức kinh doanh vi phạm, xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng.

Theo khuyến cáo của Cục QLTT, NTD cần mua sắm tại các website TMĐT uy tín đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Khi mua hàng cần xem xét kỹ thông tin người bán, địa chỉ rõ ràng và khi nhận hàng cần phải xem kỹ hàng hóa để tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng.

Thúy Hà
.
.