Nga - Nhật Bản hợp tác kinh tế tại các vùng biển tranh chấp

Thứ Bảy, 29/04/2017, 07:52
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 27-4 đã cùng bàn thảo về các dự án hợp tác kinh tế tại những vùng đảo tranh chấp.

Đây được coi là bước đi đầu tiên giữa hai nước nhằm tiến tới ký kết một Hiệp ước hòa bình chấm dứt tình trạng chiến tranh kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Hãng tin AP cho biết, việc bàn thảo về các dự án hợp tác kinh tế giữa Nga và Nhật Bản được tiến hành trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe.

Chuyến thăm kéo dài 2 ngày này là một phần trong chuyến công du châu Âu quan trọng của ông Shinzo Abe.

Theo lịch trình ban đầu, Nga sẽ là chặng dừng chân đầu tiên. Tiếp đó là Anh, sau khi tới "xứ sở sương mù", ông Shinzo Abe có một loạt điểm dừng chân khác ở vùng Scandinavia, cụ thể là Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên bán đảo Triều Tiên, ông Shinzo Abe đã quyết định cắt ngắn chuyến đi của mình và tập trung vào cuộc gặp với hai đối tác quan trọng là Nga và Anh.

Ngay trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Shinzo Abe được cho là đã "khá hài lòng" khi đạt được nhất trí với người đứng đầu Điện Kremlin về việc tìm cách giảm căng thẳng liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Đặc biệt, phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow, hai nhà lãnh đạo còn tiết lộ về một lộ trình hợp tác kinh tế giữa hai nước tại khu vực tranh chấp biển. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh, Nhật Bản là đối tác quan trọng, triển vọng của Nga và Moscow sẵn sàng hợp tác giải quyết bất cứ vấn đề nào, thậm chí là những vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ song phương dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng và tính đến lợi ích của nhau.

Hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật Bản đang có những bước tiến mới nhằm thúc đẩy quan hệ song phương hai nước. Ảnh: TASS

Cũng theo ông Putin, quan hệ Nga-Nhật Bản trong thời gian gần đây không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực kinh tế-thương mại và năng lượng.

Về Hiệp ước hòa bình, ông Putin cho rằng hiệp ước này phải đáp ứng những lợi ích chiến lược của Nga và Nhật Bản và được nhân dân hai nước tán thành. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Nhật Bản thăm quần đảo Kurul vào mùa hè này và rằng ông muốn  Moscow, Tokyo cùng kề vai sát cánh đi trên con đường tới ký kết hiệp ước hòa bình.

Tờ Japan Times ngay lập tức đã gọi những tuyên bố này đây là "thắng lợi lớn" trong chuyến công du của ông Shinzo Abe.

Bởi lẽ, trong cuộc gặp gần đây nhất diễn ra trong 2 ngày giữa tháng 12 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo Nga-Nhật vẫn chưa có giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ vốn cản trở quá trình ký kết thỏa thuận chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.

Cuộc gặp lần đó được tổ chức tại Nagato của tỉnh Yamaguchi, quê nhà của ông Shinzo Abe. Hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật khi đó cũng đã ký thông qua 80 văn bản, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến vấn đề hợp tác kinh tế song phương.

Còn lần này, ông Shinzo Abe và ông Vladimir Putin đã bắt đầu bàn đến chuyện cùng quản lý quần đảo Nam Kuril - một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu giữa hai nước cũng như việc duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển.

Theo dòng lịch sử, Liên Xô (tiền thân của nước Nga) chiếm giữ 4 hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía Bắc Nhật Bản vào năm 1945 gồm Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai.

Khu vực này được người Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc, còn người Nga gọi là quần đảo Kuril. Các hòn đảo tranh chấp này được hồng quân Liên Xô nắm quyền kiểm soát vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng đến nay, Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền và coi đây là một phần của tỉnh Hokkaido.

Các cuộc đàm phán để đạt được giải pháp dung hòa cho vấn đề tranh chấp giữa hai nước nhằm góp phần xây dựng sự ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương luôn gặp nhiều trở ngại. Chính vì thế mà cả Moscow và Tokyo đến nay vẫn chưa ký kết được một Hiệp ước hòa bình để chấm dứt "tình trạng chiến tranh".

Các nhà phân tích nhận định, các tranh chấp hiện nay trên quần đảo Kuril phát sinh do hậu quả của Chiến tranh thế giới lần thứ II và kết quả của sự mơ hồ, bất đồng về ý nghĩa của các thỏa thuận Yalta (ký kết tháng 2 năm 1945), các Tuyên bố Potsdam (tháng 7-1945) và Hiệp ước San Francisco (tháng 9-1951).

Đặc biệt, thỏa thuận Yalta được Mỹ, Anh và Liên Xô ký có viết: "Các nhà lãnh đạo của 3 cường quốc: Liên Xô, Mỹ và Anh đồng ý rằng trong 2 hoặc 3 tháng sau khi Đức đầu hàng và chiến tranh ở châu Âu chấm dứt, Liên Xô sẽ tham gia vào cuộc chiến chống lại Nhật Bản về phía đồng minh với điều kiện, các quyền trước đây của Liên Xô bị xâm phạm bởi các cuộc tấn công của Nhật Bản vào năm 1904 được phục hồi. Các quyền này bao gồm: các phần phía Nam của Sakhlin cũng như các đảo lân cận để nó được trả lại cho Liên Xô; quần đảo Kuril được bàn giao cho Liên Xô...

Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ cũng có một tuyên bố rằng, thỏa thuận Yalta không áp dụng đối với các vùng lãnh thổ phương Bắc vì các đảo không phải là một phần của quần đảo Kuril.

Còn đối với tuyên bố của Potsdam hay Tuyên bố của Cairo thì chủ quyền của Nhật Bản được giới hạn ở các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku...

Sông Thương
.
.