Tranh cãi gay gắt vì facebook xóa hình ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng

Thứ Sáu, 09/09/2016, 14:08
Theo Russian Today đưa tin ngày 8-9 thì báo giới Nauy đã lên tiếng phản đối việc Facebook xóa hình ảnh “Em bé Napalm”, một hình ảnh mang tính biểu tượng về chiến tranh Việt Nam vì cho rằng nó vi phạm quy định về khỏa thân trong khâu kiểm duyệt của mình.

Sự việc bắt đầu khi tác giả, nhà báo nổi tiếng người Nauy, Tom Egeland đưa lên mạng xã hội những bình luận và hình ảnh về ảnh hưởng của những  bức ảnh tới thế giới. Trong số 8 bức ảnh được ông đăng tải có bức ảnh “Em bé Napalm” do nhà báo chiến tranh Nick Út chụp vào tháng 6/1972 gần ngôi làng của cô bé tại Trảng Bàng, Tây Ninh. 

Bức ảnh chụp lại sau khi ngôi làng của cô bé dính bom Napalm, Kim Phúc (tên của cô bé) lên 9 vào thời điểm bức ảnh được chụp, trên người không mảnh vải che thân, vừa chạy vừa khóc thét vì bị bỏng do bom Napalm.

Nhà báo Nick Út (phải) và bà Kim Phúc tại Liên hoan ảnh quốc tế Photokina 2012 tại Cologne, Đức.

Tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm”, nhà báo chiến tranh Nick Út đã đoạt giải Pulitzer cho bức ảnh mang tính biểu tượng này nhưng Facebook đã cho rằng nó không tuân thủ theo những quy định kiểm duyệt của mình và đã xóa nó. Quyết định của trang mạng xã hội khổng lồ này gây ra phản ứng dữ dội từ phía báo giới Nauy, họ tiếp tục đăng tải bức ảnh này lên mạng xã hội. Facebook đã đáp trả bằng việc liên tiếp xóa nó đi.

Câu chuyện đã gây sự chú ý tới báo giới quốc tế. Tờ Dagsavisen, một tờ báo lớn của Nauy đã liên lạc trực tiếp với Kim Phúc, người hiện đã 53 tuổi và sống ở Canada. Người phụ nữ hiện là nhà vận động vì hòa bình đã chỉ trích chính sách kiểm duyệt của Facebook áp dụng lên bức ảnh của mình.

Tác phẩm "Em bé Napalm" của Nick Út đã đoạt giải Pulitzer đã bị Facebook xóa bỏ.

Anne Bayin, người phát ngôn cho Quỹ Kim Phúc đã đưa ra một tuyên bố tới báo giới: “Bà Kim buồn vì những người đó chỉ chú trọng vào hình ảnh khỏa thân trong bức hình lịch sử đó thay vì thông điệp mạnh mẽ mà nó truyền tải. Bà hoàn toàn ủng hộ hình ảnh mang tính tư liệu mà ông Nick Út đã chụp để nói lên sự thật khủng khiếp về chiến tranh và hệ lụy của nó tới người dân vô tội.”

Điều trớ trêu là khi nhà báo Egeland chia sẻ liên kết bài viết của mình trên tờ Dagsavisen lên trang mạng Facebook thì nó đã bị xóa còn tài khoản Facebook của ông bị cho ngưng hoạt động trong 24h. Sự việc tương tự cũng xảy ra với Biên tập viên tờ Nettavisen, Gunnar Stavrum, người đã viết một bài xã luận chỉ trích phản ứng của Facebook và đã chia sẻ một liên kết lên trang cá nhân của mình.

Gunnar Stavrum đã bình luận trên mạng xã hội của mình rằng: “Khi Facebook gỡ bỏ một bài báo trên tờ báo của Nauy, nó cho thấy sự thiếu tôn trọng quyền tự do biên tập mà tôi chưa từng gặp phải.”

Facebook đã từ chối trả lời các câu hỏi từ truyền thông Nauy trước những bình luận gây tranh cãi nhưng vẫn tiếp tục cho xóa bỏ hình ảnh này. Ngày nay, Facebook đã trở thành một kênh thông tin chính thức cho nhiều người sử dụng và đã từng bị cáo buộc trong việc lạm dụng vị thế của mình trong khâu kiểm duyệt nội dung với cơ chế có tính thành kiến chính trị khi lựa chọn nội dung trên Trending Topics. Facebook đã phủ nhận cáo buộc mà đang nằm trong cuộc điều tra của Thượng Viện Mỹ.

Minh Long
.
.