Nghẹn lòng trước hoàn cảnh đặc biệt của “cậu bé vàng” Toán quốc tế

Thứ Hai, 07/08/2017, 10:26
Trong cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 58 tại Brazil, Lê Quang Dũng (Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) là một trong bốn thí sinh đoạt Huy chương vàng (HCV) với số điểm cao nhất. Đứng trên bục vinh quang nhận thưởng, ít ai biết được phía sau những thành tích đáng nể đó là nỗ lực của bản thân và sự hi sinh thầm lặng của người mẹ chịu bao khổ cực, thiệt thòi.


Cậu học trò mộc mạc

Khi bước lên bục vinh quang nhận phần thưởng, cậu học trò giản dị, chân chất, mộc mạc khiến không ít người ngỡ ngàng và thiện cảm. Câu chuyện Lê Quang Dũng đi dép lê “chinh chiến” khắp đất nước Brazil với bạn bè quốc tế khiến người không thể quên. Sau những tháng ngày căng mình đèn sách, thi thố nơi đất khách, Dũng trở về với tấm HCV trong niềm hân hoan chào đón của mẹ, của thầy cô, bạn bè.

Bước xuống sân bay, Dũng ôm chầm lấy mẹ, em xúc động tâm sự: “Đây là lần đầu tiên ra nước ngoài thi đấu, mới đầu đến đất nước Brazil em cũng ngỡ ngàng lắm. Em đã gặp không ít khó khăn vì vốn không quen cuộc sống, phong cách sống của nơi khác. Em ở quê, nhiều lúc lên thành phố cũng còn không quen nói gì sang tận nước ngoài”.

Có được giây phút vinh quang này, hai mẹ con đã chịu nhiều cay đắng.

Có lẽ người vui mừng nhất chính là bà Nguyễn Thị Nam (mẹ của Dũng), hơn ai hết, bà thấm được nỗi đau, sự vất vả mà hai mẹ con đã trải qua. Bao hy vọng bà Nam dồn cả vào đứa con trai duy nhất, những mong con khôn lớn nên người.

Bà kể: “Nó khù khờ lắm, chẳng biết gì ngoài học cả. Hôm trước khi đi thi, con chỉ dặn chuẩn bị mấy bộ quần áo để mặc thay dần rồi mang về cho mẹ giặt một thể, tôi làm theo. Tôi cũng không chuẩn bị gì nhiều vì Nhà nước lo cả rồi. Mà suy cho cùng mẹ con tôi cũng chẳng có gì để chuẩn bị cả. Sau bao cực nhọc thằng Dũng cũng đoạt được giải thưởng lớn, coi như đó là thành quả bước đầu. Cũng bõ công mẹ con tôi cùng cố gắng bao năm qua”.

Theo kế hoạch, tháng 9 tới Dũng sẽ nhập học khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cũng là lúc bà Nam nghỉ hưu. Lo cho con, thương con, bà Nam dự định sẽ gửi nhà cửa bên ngoại trông coi rồi ra Hà Nội kiếm việc làm thêm nuôi Dũng ăn học. Dù phía trước còn nhiều vất vả, gian nan, bắt đầu một hành trình mới nhưng bà Nam vẫn phơi phới tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.

“Tôi cũng vừa có quyết định nghỉ hưu rồi, có lẽ phải lên Hà Nội với con. Tôi làm gì cũng được, miễn sao có tiền phụ thêm con ăn học. Thằng Dũng còn khờ khạo lắm, ít tiếp xúc với bên ngoài, ngoài việc học nó chẳng biết gì cả, ở nhà tôi cũng không yên tâm. Có mẹ có con bao giờ cũng vui hơn. Biết là vất vả nhưng mẹ con tôi quen rồi, sống thế nào cũng được” – bà Nam chia sẻ.

Bên cạnh những thành tích đáng nể ở môn toán, sự mộc mạc, giản dị bấy lâu đã trở thành “thương hiệu” của Dũng. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa chia sẻ: “Dũng là một học sinh chân chất, mộc mạc. Có lẽ bắt nguồn từ hoàn cảnh gia đình của em. Trong cuộc sống đời thường em rất giản dị, kể cả khi sang Brazil thi đấu Olympic Quốc tế Toán học lúc nào em cũng đi dép lê, trừ lúc lên nhận thưởng hoặc chụp ảnh kỷ niệm em mới đi giày. Cả trường của Dũng ai cũng quen với hình ảnh cậu học trò với bộ đồng phục và chiếc mũ cối. Dũng là học sinh đặc biệt, nhà trường cũng hết sức quan tâm”.

"Cậu bé vàng" có hoàn cảnh đặc biệt

Là một trong bốn thí sinh “mang vàng” về cho đoàn học sinh Việt Nam tại cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 58 tại Brazil, có lẽ Lê Quang Dũng là cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt nhất.

Mới chỉ 4 tháng tuổi, Dũng đã thiếu đi vòng tay che chở của người cha. Hai mẹ con cùng nhau vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn. Trong suốt những tháng ngày vất vả ấy, nhiều người nghĩ họ sẽ không thể gượng dậy được, vậy mà Dũng đã vươn lên mạnh mẽ, thể hiện mình là người nghị lực, đầy bản lĩnh.

Đi dép lê, đội mũ cối trở thành phong cách của chàng trai vàng.

Chúng tôi đến thôn 7, xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đúng vào lúc nhá nhem tối, thế nhưng ngôi nhà nhỏ của mẹ con Dũng vẫn rộn ràng tiếng người cười nói.

Bà Nguyễn Thị Thắm (thôn 7) vui mừng: “Biết tin cháu Dũng đoạt HCV Toán quốc tế, cả làng chúng tôi vui lắm. Mấy ngày nay ai cũng kéo đến chúc mừng mẹ con chị Nam. Hai mẹ con vất vả lắm, cũng may cháu Dũng thương mẹ, chịu khó học hành. Cháu Dũng như một tấm gương để cho các em, các cháu trong thôn nhìn vào mà học tập”.

Chính những lúc vui mừng nhất, tự hào nhất, bao ký ức về những tháng ngày gian khó lại ùa về. Bà Nam ngân ngấn nước mắt nói về cậu con trai: “Từ khi lọt lòng, cháu đã chịu rất nhiều thiệt thòi vì những lý do riêng mà tôi không tiện nói ra. Hai mẹ con trải qua rất nhiều khó khăn, cũng chỉ biết dựa vào nhau mà sống. Sinh cháu được vài tháng thì chúng tôi dọn về bà ngoại, khi cháu được 7 tuổi thì bà ngoại mất. Kể từ đó một mình tôi bươn chải nuôi cháu ăn học”.

Ngày ấy, bà Nam là nhân viên làm việc tại Trạm bảo vệ thực vật huyện Hoằng Hóa. Cuộc sống hai mẹ con vô cùng vất vả khi chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi đó. Có những lúc tưởng chừng như gục ngã, nhưng vì thương con, bà Nam lại cố gắng, quyết tâm vượt qua để nuôi con trưởng thành.

Giây phút tự hào trên bục vinh quang của Lê Quang Dũng.

Bà làm đủ thứ việc, nhận thêm ruộng cấy lúa, trồng rau. Càng lớn, Dũng càng hiểu được sự vất vả của mẹ, em rất chăm học và phụ giúp mẹ công việc đồng áng. “Thấy mẹ vất vả nhiều lúc nó cứ bần thần ra. Mỗi lần như thế tôi chỉ bảo con là, thương mẹ thì con phải chịu khó học hành, chỉ có học mới thoát được cảnh nghèo thôi”.

Đến khi học cấp 2, Dũng đã phải sống tự lập, làm quen với việc đi học xa nhà. Từ trường cấp hai của huyện về nhà khoảng 10km nhưng Dũng vẫn quyết định đạp xe về.

Về việc này, Dũng nhớ lại: “Mẹ bảo em ở trọ gần trường đỡ vất vả nhưng em không đồng ý. Em nghĩ ở nhà có một mình mẹ, em sợ mẹ buồn nên cố đạp xe về với mẹ. Những hôm trời nắng thì không nói làm gì nhưng những hôm mưa gió, bão bùng thì đi lại khó khăn lắm. Sau này lên cấp 3 em đậu trường chuyên, nhà lại xa trường quá mới đành ở trọ để tiện cho việc học”.

Ngay từ nhỏ bà Nam đã nhận ra Dũng là một cậu bé có khả năng Toán học, bà quyết tâm truyền tình yêu Toán học cho con trai. Từ lớp 1 đến lớp 3, bà tự dạy học cho Dũng, mỗi tối đều dạy toán nâng cao. Chính vì thế mới chỉ học hết lớp 2 Dũng đã có thể giải được toán lớp 5. Nói về những thành tích của Dũng, bà Nam không ngừng nhắc đến những nỗ lực mà em đã cố gắng.

Từ lớp 1 đến lớp 12, Dũng đều xuất sắc dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Năm 2015, em xuất sắc giành giải nhất Olympic Toán học Bắc Trung Bộ; lớp 11 đạt giải nhất cuộc thi Toán Quốc gia và giải nhất cuộc thi toán quốc tế tổ chức tại Hà Nội…

Bà Nam nhìn con trai cười mãn nguyện: “Tôi còn nhớ như in khi cháu nó được 3 tuổi. Hôm đó mọi người đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, gia đình vừa mua được cuốn lịch, Dũng mang ra chơi không may bị rách. Tôi không mắng mỏ gì con, thấy cháu mang tờ lịch rách ra và hỏi tôi những con số trên đó. Không ngờ cháu nhớ những con số rất nhanh. Từ đó tôi tin rằng Dũng có khả năng đặc biệt với những con số”.

Ngôi nhà giản dị với bao kỷ niệm của hai mẹ con Dũng.

Hỏi Dũng có cảm thấy thiệt thòi nhiều không khi cuộc sống thiếu hụt sự quan tâm, chăm sóc của cha thì em cười đáp rằng: “Em chưa khi nào có cảm giác thiệt thòi. Bởi mẹ là người đã bù đắp cho em tất cả. Mẹ vừa là mẹ lại vừa là cha của em. Bao nhiêu tình cảm mẹ dành cho em hết. Hồi em còn nhỏ, dù mẹ bận biết bao việc nhưng ngày nào cũng chở em đi học và đón em về. Nhiều bạn bè cho dù có cả cha lẫn mẹ nhưng vẫn phải tự đi bộ hoặc đạp xe đi học một mình”.

Hiểu hơn ai hết những vất vả và hy sinh của mẹ nên Dũng đã cố gắng vượt lên hoàn cảnh để đạt được những thành tích cao trong học tập. Với Dũng đó là món quà mà em muốn dành tặng tới người mẹ của mình.

Phong Anh
.
.