Dự báo tình hình và hành động của chúng ta

Thứ Hai, 05/10/2015, 09:06
Trong 5 năm tới chúng ta nên hành xử thế nào tùy thuộc đáng kể vào bối cảnh trong nước, ở khu vực và trên thế giới. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII đã đề cập khá toàn diện.

Tuy nhiên, khi đọc dự thảo Báo cáo chính trị đã nảy sinh hai điều ước: Gia tăng tính dự báo hơn là mô tả hiện trạng; làm đậm hơn phần dự báo tình hình trong nước và định liệu rõ hơn chiều hướng diễn biến thay vì nêu lên những khái niệm dung hòa (ví dụ dự thảo đánh giá “tình hình thế giới và trong nước tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn đan xen…”, tuy nhiên để hành xử chuẩn xác rất nên làm rõ “gien” nào sẽ trội hơn?).

Về bối cảnh tình hình trong nước, có lẽ nên làm rõ mấy vấn đề:

- Bên cạnh những dự báo nêu trong dự thảo nên chăng nêu thêm một đặc điểm của những năm sắp tới là: Nước ta sẽ phải giải quyết đồng thời ba nhiệm vụ nặng nề là duy trì đà phục hồi vững chắc hơn, mặt khác sẽ phải thực hiện có hiệu quả hơn hai nhiệm vụ mang tính dài hạn là đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp trong bối cảnh kinh tế quốc tế ẩn chứa nhiều nhân tố bất an, khó lường và nước ta sẽ hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Trong hoàn cảnh ấy sẽ phải xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển nhanh và yêu cầu nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững của nền kinh tế; giữa mô hình tăng trưởng nhờ đầu tư và lao động hay mô hình dựa vào năng suất tổng hợp là chủ yếu; giữa nội lực và ngoại lực…

- Về 4 nguy cơ hãy đề cập đúng theo nội dung đã nêu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII , trên cơ sở đó đánh giá nguy cơ nào giảm, nguy cơ nào tăng, nguyên nhân do đâu, thêm - bớt  nguy cơ nào, dự báo triển vọng ra sao thay vì đề cập lẫn lộn những nguy cơ cũ và mới, rất khó nhận thức và xử lý;

- Về bối cảnh quốc phòng - an ninh không loại trừ khả năng có những mặt phức tạp hơn trước như tranh chấp trên biển; tác động của mối quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực; những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập sâu rộng hơn; xu hướng tội phạm phi truyền thống và xuyên quốc gia gia tăng về lượng, phức tạp hơn về tính chất; tác động ngày càng nghiêm trọng hơn của tình trạng biến đổi khí hậu…

-Về đối ngoại, nước ta đứng trước cơ hội lớn là đã thiết lập quan hệ quốc tế rộng lớn chưa từng có, vai trò và uy tín quốc tế được nâng cao đáng kể, trong những mặt thuận đó lại ẩn chứa những khía cạnh phức tạp mới như yêu cầu phải xử lý thỏa đáng hơn mối quan hệ với các nước khác, nhất là các nước lớn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa.

Về cục diện thế giới và khu vực: Dự thảo đã đề cập khá toàn diện và thỏa đáng; mặc dầu vậy nên chăng làm đậm hơn tính dự báo. Mặc dầu không đơn giản song cũng nên cố gắng chỉ rõ chiều hướng thuận hay nghịch đối với nước ta.

- Về bố cục, nên đề cập một cách tập trung hơn theo hai cách: hoặc là dự báo sự phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ rồi tới cục diện chính trị - an ninh, tiếp đến là quan hệ quốc tế, trong đó nổi lên quan hệ giữa các nước lớn và tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng hoặc là dự báo những xu hướng lớn trên thế giới và ở khu vực? Với một văn bản như Báo cáo chính trị thì thiết tưởng cách thứ hai đúng tầm hơn.

- Với cách tiếp cận như vậy, có thể hình dung xu thế kinh tế thế giới sẽ theo chiều hướng phục hồi chậm chạp, không chắc chắn, thậm chí không loại trừ khả năng sẽ có xáo động, nhất là về tài chính – tiền tệ…; đồng thời xu hướng chung sẽ là quá trình tái cấu trúc toàn diện của thời “hậu khủng hoảng”: từ mô hình tăng trưởng đến cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, thị trường, tiền tệ, chiến lược phát triển, sự chuyển dịch vị trí và sức mạnh giữa các quốc gia và khu vực… Quá trình tái cấu trúc kinh tế và mô hình tăng trưởng ở nước ta trong những năm tới không thể không tính đến xu thế này.

- Bên cạnh việc khẳng định “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn…”, nên đi sâu phân tích xem “gien” thuận sẽ nổi trội hơn hay “gien” nghịch sẽ nhỉnh hơn? Năm năm qua, sau Đại hội XI tình hình kinh tế và chính trị - an ninh quốc tế diễn biến phức tạp hơn nhiều so với dự kiến, đặt nước ta trước không ít khó khăn, thách thức. Bài học đó và những diễn biến phức tạp mang tính dài hạn đang diễn ra hiện nay cho thấy cần có sự dự báo căn cơ hơn để tránh bị động.

- Tương tự như vậy, quan hệ giữa các nước lớn vẫn sẽ tiếp tục xu hướng “vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau…” như Dự thảo văn kiện nêu. Tuy nhiên, có nhiều căn cứ để dự báo rằng, mặc dầu  khó có thể nảy sinh xung đột quân sự trực tiếp giữa họ với nhau, song chiều hướng cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do tương quan lực lượng thay đổi, trật tự cũ bị thách thức, trật tự mới chưa thể hình thành. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy trong thời kỳ chuyển tiếp quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước lớn luôn biến động phức tạp và những năm tới rơi vào thời kỳ này. Khu vực ta nói chung và nước ta nói riêng không thể không chịu ảnh hưởng của cục diện tranh hùng nói trên.

- Về nhiệm vụ an ninh (mục X), nên làm rõ những nhiệm vụ mới liên quan tới đặc điểm mới của những năm tới là nước ta hội nhập rất sâu rộng vào kinh tế thế giới, đặt ra không ít vấn đề liên quan tới an ninh chính trị - tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội và cả an ninh mạng, môi trường… đòi hỏi phải chủ động dự báo và đề ra những biện pháp thích hợp.

Vũ Khoan (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ)
.
.