Thiếu cơ chế để kiểm soát chất lượng công trình

Chủ Nhật, 21/12/2014, 09:30
Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật tuần này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để độc giả có góc nhìn rõ hơn về các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình xây dựng hiện nay.

Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với chất lượng các công trình trong nhiều lĩnh vực. Nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng một thời gian đã bộc lộ sai sót gây lãng phí tiền của, thậm chí còn đe dọa tới tính mạng, tài sản của hàng nghìn người dân. Sau hàng loạt vụ việc gây xôn xao dư luận, như: đập thủy điện Sông Tranh II, đường ống dẫn nước sạch sông Đà… một sự việc đang rất nóng và thu hút sự quan tâm là vụ sập hầm thủy điện tại tỉnh Lâm Đồng.

Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật tuần này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để độc giả có góc nhìn rõ hơn về các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình xây dựng hiện nay.

PV: Thưa ông, vụ sập hầm ở Lâm Đồng hiện chưa có kết luận nguyên nhân chính thức, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, theo nhìn nhận của ông, nguyên nhân ở đây là gì?

PGS. TS Trần Chủng: Còn quá sớm để tranh luận về nguyên nhân của sự cố này. Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo ra bằng sức lực, trí tuệ của con người nhưng luôn bị thách thức bởi các yếu tố môi trường nơi công trình tồn tại, mà yếu tố bất lợi về địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, luôn xuất hiện một cách khó lường. Chúng ta đã đầu tư cho công tác khảo sát phục vụ thiết kế, nhưng khi thi công công trình chúng ta vẫn phải thường xuyên ứng phó với những rủi ro, mà các bước khảo sát có chi tiết mấy, cũng không thể nhìn thấy hết. Ví dụ chúng ta khoan núi để làm đường giao thông, hoặc làm thuỷ điện là chúng ta đã gặp thách thức không nhỏ về địa chất công trình, địa chất thuỷ văn theo suốt chiều dài xuyên núi. Chúng ta có thể gặp các đứt gãy, các mạch nước ở bất kỳ vị trí nào, mà các kết quả khảo sát trước đó chỉ dự đoán gần đúng. Vì vậy, việc xử lý các tình huống này luôn xảy ra và cần có giải pháp ngay tại công trình, với các yêu cầu nghiêm ngặt trong quan trắc, sự phối hợp giữa các kỹ sư địa chất, kỹ sư kết cấu hầm của nhà thầu, tư vấn giám sát để quyết định.

PV: Có nhiều công trình xây dựng, giao thông, thủy điện, hồ đập… xây dựng xong xảy ra các sự cố, hoặc chất lượng công trình xuống cấp nhanh chóng. Ví như sự việc đập thủy điện Sông Tranh II đã từng đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng ngàn người dân. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?

PGS. TS Trần Chủng: Chất lượng công trình kém đang gây những bức xúc rất lớn trong xã hội, tác động bất lợi tới cuộc sống của người dân, và đương nhiên, nó gây ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế. Còn nếu nhìn rộng ra, vấn đề chất lượng công trình kém còn ảnh hưởng đến niềm tin quốc gia. Đối với một quốc gia mà thấy nay có sự cố, mai có sự cố, thì người dân sẽ mất dần niềm tin. Chính bởi lẽ đó mà thời gian qua, vấn đề này đã được nhiều chuyên gia bàn tới, trong đó có đề cập tới cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Theo đánh giá của tôi, hệ thống thể chế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng là khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện. Nhiều quy định đã bám sát thông lệ quốc tế, tính minh bạch cũng được cải thiện ngày càng cao. Tuy nhiên, thực hiện nó thế nào mới là điều quan trọng.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện các quy trình đảm bảo chất lượng trong các công trình xây dựng hiện nay?

PGS. TS Trần Chủng: Như tôi đã nói ở trên, hệ thống pháp luật của chúng ta về vấn đề quản lý chất lượng công trình xây dựng nói chung là đầy đủ. Chúng ta cũng đã tổ chức hướng dẫn thực hiện những quy định đó, nhưng vấn đề là nó được hiểu và thực hiện như thế nào, đã vào cuộc sống hay chưa, người ta có tuân thủ không... hay người ta chỉ nói miệng mà không làm hoặc làm chiếu lệ, hình thức? Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhưng việc thực thi pháp luật còn rất hạn chế. Chính vì vậy mới có những câu chuyện kiểu như, chúng ta thực thi quy trình thì đúng nhưng kết quả lại không đáp ứng kỳ vọng. Họ cứ mang quy trình ra để biện minh về sự tuân thủ quy trình vì đó là pháp luật. Từ bổ nhiệm cán bộ cho đến công việc quản lý chất lượng công trình xây dựng đều tuân thủ quy trình nhưng rồi chất lượng vẫn yếu, vẫn kém!

PV: Theo ông, các công trình có chất lượng kém phần lớn nằm ở các dự án như thế nào?

PGS. TS Trần Chủng: Có thể nói, phần lớn các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn tư nhân, chất lượng công trình rất được coi trọng. Các dự án này thường quan tâm tới việc lựa chọn nhà thầu có năng lực và có độ tin cậy mà chất lượng các công trình đã thực hiện là những minh chứng. Phía các nhà thầu cũng đã biết chọn chất lượng công trình, đảm bảo hoặc vượt tiến độ làm lợi thế cạnh tranh. Các nhà thầu muốn làm được điều này chỉ có con đường duy nhất đúng đắn là phải chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa ở trình độ cao. Mẫu hình doanh nghiệp xây dựng này có thể lấy các công ty Coteccons, Hòa Bình là những ví dụ. Một khi thương hiệu của doanh nghiệp trở thành một giá trị thực sự thì mọi quy định của Nhà nước nhằm đảm bảo chất lượng công trình đã trở thành các công đoạn tự nhiên trong quy trình thi công xây dựng của doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác kiểm định chất lượng vật liệu, chất lượng công trình hiện nay?

PGS.TS Trần Chủng: Trong lĩnh vực xây dựng, người ta đã quy định, tất cả vật tư, vật liệu, sản phẩm xây dựng đều phải thông qua các phòng thí nghiệm kiểm định để hợp chuẩn. Nó cũng giống như chuyện mũ bảo hiểm chẳng hạn, nếu chúng ta làm triệt để từ gốc tức là từ nơi sản xuất thì người dân lấy đâu mũ bảo hiểm rởm để mà đội. Nhưng ở nước ta hiện nay, cái chức năng kiểm định này có vẻ đang “cởi mở” với một số lượng lớn những phòng thí nghiệm, những trung tâm kiểm định. Và vì nhiều nên nảy sinh cạnh tranh, dẫn tới hạ giá, thậm chí bán phiếu kết quả. Vậy nên, chúng ta cần có một cơ chế để kiểm soát thực sự quá trình thử nghiệm và kiểm định chất lượng. Tôi xin nhấn mạnh rằng, hiện nay hệ thống thể chế pháp luật về lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng ở nước ta là có, nhưng cơ chế giám sát lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn theo chứng từ, cứ thấy có chứng từ, có dấu đỏ là được nhưng liệu rằng họ có thí nghiệm thật không, có kiểm định thực sự không thì lại không hay.

PV: Ông có thể nói về trách nhiệm cụ thể về quản lý chất lượng công trình xây dựng? Các quy định pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện nay có vấn đề gì cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp?

PGS. TS Trần Chủng: Luật Xây dựng 2003 và các văn bản hướng dẫn Luật về chất lượng công trình, luôn đề cập đến chế tài về chất lượng theo nguyên tắc: chủ thể nào cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình làm ra và phải đền bù thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Đây là nguyên tắc của Luật Dân sự. Sau khi đã tìm được nguyên nhân kỹ thuật gây hư hỏng, hay sự cố ở khâu khảo sát, thiết kế hay thi công, thì trước tiên (vai trò chính) là nhà thầu thực hiện công việc đó phải đề bù thiệt hại. Trường hợp nhà thầu cố tình vi phạm các qui định của Luật Xây dựng mà gây hậu quả, chiểu theo Luật Hình sự có thể truy tố. Nguyên tắc là như vậy, nhưng tình trạng công trình bị hư hỏng hay bị sự cố, chúng ta chưa coi trọng tìm nguyên nhân chính và các nguyên nhân phụ một cách khoa học, nên nhiều trường hợp đã bị bỏ qua.

PV: Theo ông, giải pháp nào để có thể kiểm soát được chất lượng công trình xây dựng hiện nay?

PGS. TS Trần Chủng: Muốn lựa chọn giải pháp kiểm soát được chất lượng công trình xây dựng hiện nay, chúng ta cần tìm được căn nguyên của căn bệnh này. Tôi nghĩ, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã “bắt được bệnh”. Chất lượng công trình gây lo lắng nhiều nhất trong dư luận xã hội thời gian qua, nằm trong “con bệnh” công trình thuộc các dự án đầu tư công.

Vì vậy Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18/6/2014 sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2015 đã có những giải pháp quan trọng về chủ đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn Nhà nước, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Công tác quản lý năng lực các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng được đổi mới hướng tới việc chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa các doanh nghiệp. Công tác quản lý của chính quyền cũng coi trọng việc bảo vệ lợi ích cộng đồng, xã hội, môi trường thông qua cơ chế cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước trước khi đưa công trình vào khai thác. Ngoài ra, còn nhiều giải pháp khác và tôi hy vọng Luật Xây dựng mới sẽ tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình. Mặc dù vậy, tôi vẫn mong muốn các giải pháp phải đồng bộ, minh bạch, công bằng nhằm tạo dựng được một thị trường xây dựng văn minh, bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.