Lập Quỹ tích lũy trả nợ đảm bảo khả năng thanh toán, phòng rủi ro phát sinh

Thứ Sáu, 15/12/2017, 09:08
Sáng 14-12, tại Phủ Chủ tịch, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV.

6 luật gồm: Luật Lâm nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản; Luật Quản lý nợ công và Luật Quy hoạch.

Quản lý nợ công được quy về một mối

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Quản lý nợ công là quy định về bảo đảm khả năng trả nợ công, quản lý rủi ro đối với nợ công và về Quỹ tích lũy trả nợ. Theo đó, Quỹ tích lũy trả nợ được Chính phủ thành lập nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ.

Để đảm bảo an toàn, bền vững nợ công, việc huy động vốn vay phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn; các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn. Việc phân định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về nợ công, giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công thống nhất.

Luật cũng quy định cụ thể nội dung, trình tự lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với chỉ tiêu an toàn nợ công; kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm; hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 5 năm, hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức cho vay lại hằng năm… Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.

Cổ đông lớn tại một tổ chức tín dụng không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại tổ chức tín dụng khác

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Luật đã bổ sung trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng. Quy định này để hạn chế việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại tổ chức tín dụng và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung để minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo. Cụ thể: Bổ sung quy định về không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng tại Điều 126,127,128 Luật Các tổ chức tín dụng; bổ sung quy định hạn chế một cổ đông lớn và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại tổ chức tín dụng khác..

Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1-7-2018. Liên quan đến các nhiệm vụ của cơ quan đại diện, Luật đã sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật của quy định về một số nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện để bảo đảm phù hợp với pháp luật chuyên ngành; bổ sung quy định về nhiệm vụ của cơ quan đại diện thống nhất quản lý thông tin đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận để phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan đại diện về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho lĩnh vực thương mại của cơ quan đại diện và quy định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện…

Liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp

Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều. Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản. Luật quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 luật.

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 1-1-2019 gồm 9 chương, 105 điều. So với Luật Thủy sản 2003, Luật đã bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam.

Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới

Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước. Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới. Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục. Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. 

Nguyễn Hương
.
.