Ký ức bi hùng tại cây đa La Tiến...

Thứ Năm, 30/03/2017, 08:50
Ngày 29-3, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp cùng Báo Quân đội nhân dân, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Di tích lịch sử quốc gia cây đa và đền La Tiến – biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng".

Qua lời kể của những nhân chứng lịch sử, tội ác man rợ của kẻ thù, quá khứ bi thương của cha ông đã được tái hiện lại...

Cây đa, đền La Tiến thuộc địa bàn xã Nguyên Hoà, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây đã từng được coi là "cối xay người" của thực dân Pháp trong quá trình đàn áp Việt Minh.

Thiếu tướng Quản Văn Trung, Chính uỷ Học viện Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, từ cuối tháng 12-1949 đến tháng 1-1954, thực dân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, xúc tiến xây dựng hệ thống phòng tuyến boongke do các tiểu đoàn Âu – Phi chiếm đóng.

Đi tới đâu, chúng triệt hạ làng mạc, dồn dân vào vùng kiểm soát, hình thành "vành đai trắng" nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Bốt La Tiến được xây dựng từ năm 1950, án ngữ con đường di chuyển huyết mạch ở đồng bằng sông Hồng.

Các đại biểu tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia cây đa và đền La Tiến.

Từ đây, chúng mở các cuộc càn quét, bình định, tàn sát nhân dân, vây bắt cán bộ đưa về bốt tra tấn, thủ tiêu một cách dã man. Dòng sông Luộc nhuộm đỏ màu máu, xác người nổi đầy trên sông. Với người dân trong vùng, bốt La Tiến trở thành nỗi khiếp đảm.

Sự tàn bạo của kẻ thù không đàn áp được phong trào cách mạng mà còn thổi bùng lên ngọn lửa căm thù. Trong thực tiễn cách mạng đã xuất hiện những tấm gương hi sinh anh dũng, trong đó có liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Vũ Thị Kính (bí danh Trần Thị Khang).

Tháng 12-1946, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vũ Thị Kính thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng với bí danh là Trần Thị Khang.

Tới năm 1949, chị là Bí thư Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc kiêm chỉ huy Đội du kích Hoàng Ngân huyện Phù Cừ. Tháng 6-1950, trong một cuộc bao vây lùng sục của Pháp, chị bị bắt dưới hầm bí mật.

Chúng đưa chị về giam tại bốt La Tiến. Địch tìm mọi cách dụ dỗ để chị khai báo cơ sở cách mạng và lực lượng du kích. Dụ dỗ không được, chúng dùng cực hình tra tấn. Mọi hình thức tra tấn đều không khuất phục được tinh thần quật cường của người nữ chiến sĩ cách mạng.

Cuối cùng, chị bị quân địch treo ngược lên cây đa La Tiến, cắt cổ và ném xác xuống sông Luộc. Chị hi sinh năm 21 tuổi.

Ngày nay, cây đa và đền La Tiến đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 4007/QĐ-BVHTTDL ngày 18-11-2015 của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, quật khởi của nhân dân Phù Cừ nói riêng, nhân dân Hưng Yên nói chung.

Lịch sử đã đi qua nhưng quá khứ không thể nào quên. Cây đa La Tiến nay đã 200 tuổi. Đây không chỉ là nơi lập bia căm thù, khắc ghi tội ác của kẻ thù mà còn là biểu tượng để nhắc nhở thế hệ trẻ viết tiếp trang sử vẻ vang của một vùng quê cách mạng.

Khánh Vy
.
.