Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm thiếu sót trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên

Thứ Tư, 06/06/2018, 10:53
"So với các khu vực giáo dục khác thì tỷ lệ gia đình phải đóng góp đào tạo nhiều nhất, trong khi bức xúc của xã hội với giáo dục mầm non là rất lớn" - ĐBQH Đặng Thuần Phong cho hay.


Sau khi phiên chất vấn diễn ra khoảng 1 tiếng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do có tới hơn 80 đại biểu đăng ký chất vấn. Nhiều vấn đề nóng như giáo dục mầm non, chất lượng giáo dục đại học, sự xuống cấp đạo đức trong học sinh, giáo viên… được nhiều ĐBQH quan tâm, trao đổi.

Giải pháp căn cơ là giáo viên phải được quy hoạch, bồi dưỡng

ĐBQH K'Nhiễu (Lâm Đồng) nêu thực tế hiện nay giáo dục mầm non có nhiều bức xúc trong xã hội. Bộ trưởng có suy nghĩ gì và có biện pháp gì?

ĐBQH Đặng Thuần Phong

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay chúng ta có 15.000 cơ sở mầm non với 337.000 giáo viên. Về cơ bản các cơ sở, thầy cô có tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ nhưng cũng bắt đầu xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đặc biệt, xảy ra ở các nhóm trẻ, có những trường hợp mà báo chí nêu không thể chấp nhận được, không đúng với thuần phong mỹ tục.

“Đặc biệt trong ngành giáo dục, cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu tôi phản đối những việc này và đã có những ý kiến mạnh mẽ. Đối với những giáo viên không đủ năng lực, kém phẩm chất phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra phải đình chỉ, thậm chí đóng cửa", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp cho tình trạng này, theo ông có nhiều vấn đề cần làm nhưng giải pháp căn cơ là giáo viên phải được quy hoạch, được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý, bởi hiện nay, chế độ của giáo viên mầm non quá thấp.

“Đương nhiên chất lượng phải đi kèm chế độ. Theo quy định, lương giáo viên mầm non mới ra trường khoảng 2,4 triệu đồng, như vậy không đảm bảo” - Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, đã phối hợp với các Bộ, ngành để có biện pháp giải quyết vấn đề này.

ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đã giơ biển tranh luận với câu trả lời trước đó của Bộ trưởng  cho rằng giáo dục mầm non Việt Nam được quốc tế đánh giá cao.

“Unicef đánh giá đâu tôi không biết, nhưng xin nhắc lại hiện quy mô phát triển của lĩnh vực giáo dục này không đồng đều, mạng lưới chưa đồng bộ, chưa kể nguồn lực đầu tư cho mầm non rất thấp. So với các khu vực giáo dục khác thì tỷ lệ gia đình phải đóng góp đào tạo nhiều nhất, trong khi bức xúc của xã hội với giáo dục mầm non là rất lớn” – ĐBQH tỉnh Bến Tre cho hay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận ý kiến của đại biểu rất đúng. Ông đề nghị chia sẻ một điều là từ chính sách dân lập, tư thục sang chính sách công lập chuyển biến rất mạnh mẽ nên công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên cũng còn bất cập.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

“Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi tham mưu Chính phủ xây dựng quy định về môi trường an toàn, thân thiện với trẻ, vừa rồi có Nghị định 06 liên quan vấn đề này” – Bộ trưởng khẳng định hệ thống pháp lý cơ bản là có, quan trọng là khâu thực hiện.

“Tư lệnh” ngành Giáo dục mong muốn các Bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát, đặc biệt là sự vào cuộc giám sát của cả hệ thống chính trị: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận, để cùng phối hợp phòng ngừa. “Quan điểm của chúng tôi là phòng ngừa hơn xử lý”, ông nhấn mạnh.

Trách nhiệm người đứng đầu ở đâu, khi báo chí nêu mới làm rõ

ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đánh giá, thời gian qua đa số các thầy cô là tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo, song cũng xảy ra một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng như: Vụ cô giáo câm, cô giáo đánh học sinh, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau… gây bức xúc cho dư luận.

“Phải chăng cô giáo ngày nay đang gặp phải áp lực. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp?” – đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, bên cạnh các thầy cô đam mê, ngày đêm yêu trường mến trẻ cũng xuất hiện một số các thầy cô vi phạm, tuy không phổ biến nhưng ảnh hưởng ghê gớm, không chỉ đến ngành giáo dục mà còn ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống tôn sư trọng đạo.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm có thiếu sót lớn của ngành trong khâu đào tạo, bồi dưỡng, kiểm soát, tuyển chọn trong một số trường hợp chưa đến nơi, đến chốn dẫn đến ở một số thầy cô không đủ năng lực, kém phẩm chất, bộc phát.

ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn

“Số báo chí nêu chưa phải hết, trong thực tế chắc chắn còn nhiều” – ông nói, cho rằng với phản ứng, lên án của xã hội về các hành vi phi nhân tính, hành hạ trẻ đã có tác động mạnh đến các thầy cô không đủ phẩm chất, năng lực.

Lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết tới đây sẽ có chương trình đào tạo giáo viên, giáo dục đạo đức trong giáo viên và học sinh. “Trong chương trình giáo dục phổ thông mới chúng tôi nhấn mạnh về giáo dục đạo đức, đặc biệt đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm. Tôi cũng nhận trách nhiệm của ngành trong phát triển đội ngũ giáo viên về chất lượng, số lượng” – Bộ trưởng thừa nhận.

Ông khẳng định, sẽ kiên quyết loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, dù đây không phải là bản chất, không vì những trường hợp này mà có sự đánh đồng.

Bộ trưởng vừa dứt lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến thêm: “Xuống cấp đạo đức là trường hợp cá biệt, đừng nhìn vào đó để đánh giá cả thế hệ nhà giáo xuống cấp. Mà phải nói trách nhiệm của người đứng đầu, có biết hay không, chỉ khi báo chí vào cuộc mới làm rõ”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ĐBQH mong muốn cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội vào cuộc chứ không phải trách nhiệm của mỗi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.


A.Quỳnh
.
.