Có hay không chuyện chi 128 tỷ đồng nạo vét Hồ Tây mà không hút bùn?

Thứ Tư, 07/12/2016, 10:11
Sáng 6-12, trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XV, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ đã trao đổi với phóng viên sau khi đề xuất của quận xin được duyệt vốn để hoàn thành dự án cải tạo Hồ Tây không được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng ý.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, quận Tây Hồ đã chi hơn trăm tỷ đồng nhưng bùn vẫn đầy Hồ Tây.

Ông Thắng khẳng định, chuyện chi 128 tỷ đồng để hút bùn nhưng không thấy khối bùn nào (nguyên văn lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội) không liên quan đến việc quản lý Hồ Tây hay gói thầu 23 là cải tạo các hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây.

Việc nạo vét bùn nằm trong dự án, do Ban Quản lý dự án Hồ Tây làm, không liên quan đến việc chi sự nghiệp mà làm theo quy định của Luật Đầu tư.

“Ví dụ như hồ bơi Quảng Bá, đã kè rồi nên giờ cần phải làm đường. TP cho dừng từ năm 2014 thì giờ có tiếp tục cho làm nữa hay không cũng cần rõ ràng, vì cử tri có ý kiến. UBND quận Tây Hồ sẽ có báo cáo lại với Chủ tịch UBND thành phố, nhưng tôi khẳng định,  không có chuyện chi nhiều tiền mà không hút bùn”, ông Thắng khẳng định.

Bí thư quận Tây Hồ cũng cho biết, dự án nạo vét bùn kết thúc từ năm 2015, có sự giám sát của TP.  Bùn đã được nạo vét ở khu vực tầng 7, khu vực đua thuyền, khu vực đầu rồng và đều thực hiện quyết toán theo quy định.

“Tức là đã có những mét khối bùn cụ thể, chứ nếu không có gì, chi hơn 100 tỷ đồng thì có mà đi tù. Hồ Tây bây giờ chỗ nhiều bùn nhất là ở khu vực đường Thanh Niên, tới đây sẽ tiếp tục nạo hút, còn thực hiện ở mức độ nào thì phải lập dự án”, ông Thắng phân tích.

Hồ Tây sẽ có cột phun nước cao 180 - 200m.

Trước đó, khi báo cáo trước HĐND TP, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kế hoạch của UBND TP Hà Nội, Hồ Tây được xác định là điểm đến của Thủ đô, sẽ xã hội hoá, kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch trong những năm tới.

Theo ông Thắng, hiện nay, 18km đường kè xung quanh Hồ Tây đã được thực hiện xong, nhưng vẫn còn gói thầu 23 (thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây) vẫn còn dở dang, bị dừng lại từ năm 2014 do thời điểm đó, TP quá khó khăn về nguồn vốn.

Đầu năm 2016, quận Tây Hồ có kiến nghị đề xuất, và sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã đồng ý giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tiếp tục bố trí vốn thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Thắng, đến tháng 7 vừa qua, TP lại thông báo là dừng đầu tư Dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây.

“Tôi đã có ý kiến và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đồng ý để tiếp tục chỉ đạo Tây Hồ thực hiện gói thầu này, nhưng vừa rồi phân bổ vốn không thấy đâu, mà cứ để thế thì không khai thác được. Đã đầu tư rồi, chỉ cần hơn 100 tỷ thôi là xong, phương án cũng được các hộ dân đồng ý rồi, chỉ cần tiền giải phóng mặt bằng, nhưng dừng suốt từ năm 2014, và nếu năm 2017 không làm thì để 2018 là quá chậm. Đề nghị UBND TP nghiên cứu”, ông Thắng đề xuất.

Trả lời ý kiến của lãnh đạo quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau sự cố liên quan đến việc cá chết ở Hồ Tây, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Ban Cán sự UBND TP Hà Nội đã mời một số công ty tư vấn trong và ngoài nước khảo sát lại.

Ông Chung cũng khẳng định:  “Tôi trực tiếp kiểm tra lại, từ năm 2011 đến nay, quận Tây Hồ đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây có tổng số đầu tư khoảng 128 tỷ đồng, trong đó có gói liên quan đến nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ hiện nay các đồng chí chưa làm. Tuy nhiên, theo con số khảo sát của 3 công ty độc lập, nếu chúng ta muốn làm sạch Hồ Tây, phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, có những khu vực hiện nay nước còn độ sâu 0,5m mà bùn sâu 1,7m. Cho nên, muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch trong tương lai của TP, thì chúng ta phải có kế hoạch tổng thể" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

“Muốn biến Hồ Tây thành khu du lịch lớn của TP thì quận không thể đảm đương được. TP phải đứng ra làm việc này. Trước hết, sẽ phải nạo vét Hồ Tây; thứ hai là làm sạch nước môi trường Hồ Tây, thứ ba là làm nốt hệ thống để thu gom 8 cửa xả nước thải Hồ Tây vào hệ thống của Công ty Phú Điền để xử lý nước thải", Chủ tịch TP UBND TP đề nghị.

Một thông tin khá thú vị được ông Chung nhắc đến là Hà Nội đã làm việc với một công ty nước ngoài làm cột phun nước. Ngày 7-12, đoàn khảo sát của công ty này sẽ vào Việt Nam một lần nữa, từ đó có thể sẽ đề xuất làm cột nước phun ở Hồ Tây cao từ 180 đến 200m để tạo điểm nhấn.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, đã làm việc với Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây. Theo đó, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines hiện cũng là Chủ tịch Câu lạc bộ này, cùng với tất cả các nhà đua thuyền hứa sẽ tặng cho TP một cầu tầu để phục vụ đua thuyền. Ngoài ra, thời gian qua, Hà Nội cũng mời một vận động viên đua thuyền người Mỹ vào nghiên cứu để mở lớp dạy lướt ván Hồ Tây.

Ông Chung nhấn mạnh: “Với những lý do trên, TP không thể bố trí cho Ban Quản lý Hồ Tây làm được. Tôi thì chưa hiểu được nhưng đại loại là, nếu hút 1,2 triệu khối bùn, các nhà khảo sát đưa ra số tiền từ 170 -180 tỷ đồng, nhưng trong 4 năm vừa qua, Ban Quản lý Hồ Tây đã tiêu hết 128 tỷ nhưng tôi không thấy một khối bùn ở đâu cả".

Ngọc Yến
.
.