Bộ Ngoại giao thông tin về tình hình người Việt ở Nga nhiễm COVID-19

Thứ Năm, 14/05/2020, 17:42
Đối với những trường hợp công dân Việt Nam được xác định nhiễm bệnh COVID-19 thì các cơ quan đại diện Việt Nam chủ động liên hệ với cơ quan chức năng sở tại yêu cầu tạo điều kiện chăm sóc y tế tích cực, đồng thời phối hợp với cộng đồng có các hình thức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ phù hợp.


Chiều 14/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình người Việt tại Nga trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nước này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Theo thống kê, số người Việt tại Nga nhiễm COVID-19 đã lên tới con số gần 100.
“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra rất phức tạp trên toàn thế giới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao thì các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân; thường xuyên giữ liên hệ và nắm thông tin từ cộng đồng người Việt Nam cũng như từ các cơ quan chức năng sở tại; cập nhật tình hình sức khỏe, giải đáp những thắc mắc của người Việt Nam về những điều chỉnh trong chinh sách xuất nhập cảnh của sở tại cũng như của Việt Nam; các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.

Đối với những trường hợp công dân Việt Nam được xác định nhiễm bệnh thì các cơ quan đại diện Việt Nam chủ động liên hệ với cơ quan chức năng sở tại yêu cầu tạo điều kiện chăm sóc y tế tích cực, đồng thời phối hợp với cộng đồng có các hình thức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ phù hợp.

Nhưng do sự khác biệt về quy định và thực tiễn xét nghiệm điều trị giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như có một số quy định của điều lệ y tế quốc tế thì trong nhiều trường hợp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không được các cơ quan y tế sở tại thông báo về các ca nhiễm bệnh mà các cơ quan y tế sở tại trao đổi thông tin qua kênh chuyên môn với các cơ quan y tế của Việt Nam như quy định tại điều lệ y tế quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nắm thông tin, có các biện pháp hỗ trợ cần thiết, kịp thời đối với công dân Việt bị mắc bệnh và yêu cầu các cơ quan chức năng sở tại liên quan đảm bảo các điều kiện theo dõi, giám sát và chăm sóc sức khỏe cho người Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã nói về các biện pháp của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.

Theo đó, đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là một cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam.

Bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế. 

Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng Covid-19 như sau: (i) Bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với bên ngoài; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics…; (iii) Tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác; (iv) Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch.

Vừa qua, Việt Nam đã tham gia các cuộc điện đàm vừa qua với các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia trao đổi về hợp tác và phục hồi kinh tế hậu COVID-19. 

"Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với mong muốn chung tay và đóng góp vào nỗ lực chung nhằm đẩy lùi dịch bệnh, Việt Nam đã và đang tích cực hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực, nhất là ASEAN, các tổ chức của Liên hợp quốc; tham gia nhiều cơ chế trao đổi với các hình thức và ở nhiều cấp khác nhau như Hội nghị quốc tế và khu vực, điện đàm song phương hoặc nhiều bên của Lãnh đạo cấp cao, cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng…", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết và nhấn mạnh, Việt Nam tin rằng thông qua các cơ chế hợp tác, trao đổi, điện đàm với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, các quốc gia và cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.



H.Chi
.
.