Hai chuyến thăm nâng tầm quan hệ

Thứ Hai, 31/07/2023, 05:18

Trong tuần qua, phái đoàn Trung Quốc và phái đoàn Nga đã tới thăm Triều Tiên để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định đình chiến trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Giới chuyên gia cho rằng, các chuyến thăm này cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa ba nước.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 29/7 đưa tin, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã có cuộc hội đàm với phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Hồng Trung dẫn đầu. Tại hội đàm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc về sự giúp đỡ dành cho Triều Tiên.

trieutien.jpg -0
Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Nga - Triều Tiên tại Bình Nhưỡng hôm 26/7.

Ông đồng thời bày tỏ vui mừng trước việc Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại đặc sắc Trung Quốc và vị thế của Bắc Kinh ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Về phía đoàn Trung Quốc, theo Hãng thống tấn Tân Hoa xã, ông Lý Hồng Trung đã chuyển bức thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong thư, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, bất kể tình hình quốc tế thay đổi ra sao, việc duy trì, củng cố và phát triển quan hệ Trung-Triều luôn là phương châm kiên định không thay đổi của Đảng và Chính phủ Trung Quốc.

Phát biểu tại hội đàm, ông Lý Hồng Trung nhấn mạnh, những năm gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un 5 lần, đưa quan hệ Trung-Triều bước vào một giai đoạn lịch sử mới.

Ông khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Triều Tiên thực hiện nhất trí chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo tối cao hai Đảng, hai nước, tăng cường liên lạc trao đổi, thúc đẩy hợp tác thiết thực và đưa quan hệ Trung-Triều phát triển lành mạnh ổn định, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực.

Nhân dịp này, hai bên đã tái khẳng định lập trường của Đảng và Chính phủ hai nước trong việc chủ động ứng phó tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp, từng bước phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác lên một tầm cao mới, thông qua sự phối hợp chặt chẽ về chiến lược và chiến thuật, đồng thời đẩy mạnh công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.

Trong khi đó, tại cuộc gặp hôm 26/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shogui đã trao cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un bức thư của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đáp lại, ông Kim Jong-un gửi lời cảm ơn người đứng đầu Điện Kremlin đã cử một phái đoàn quân sự do Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu dẫn đầu sang dự lễ kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1953.

Ông cho biết thêm, cuộc gặp đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ "chiến lược và truyền thống" giữa Triều Tiên và Nga. Ông cũng đã dẫn Bộ trưởng Quốc phòng Nga tham quan một cuộc triển lãm quốc phòng tổ chức để kỷ niệm ngày ký hiệp định đình chiến, trưng bày các loại vũ khí và thiết bị quân sự mới được phát triển.

"Ông Kim Jong-un đã chia sẻ những suy nghĩ về xu hướng phát triển vũ khí và chiến lược trên toàn thế giới với Bộ trưởng Quốc phòng Nga", KCNA đưa tin. "Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, sự phát triển và lợi ích của hai nước khỏi các hành vi độc đoán của đế quốc nhằm thực hiện công lý và hòa bình quốc tế. Ông nhiều lần bày tỏ niềm tin rằng quân đội và nhân dân Nga sẽ đạt được những thành công lớn trong cuộc đấu tranh xây dựng một đất nước hùng mạnh", KCNA nêu rõ.

Trước đó cùng ngày, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà, Đại tướng Kang Sun-nam, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shogui khẳng định tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. Ông bày tỏ tin tưởng cuộc hội đàm sẽ giúp củng cố quan hệ hợp tác giữa bộ quốc phòng hai nước.

Theo quan chức quốc phòng Nga, quan hệ hợp tác Nga - Triều Tiên đang ngày càng được củng cố. Các chuyến thăm chính thức của đại diện cấp cao các bộ quốc phòng, trao đổi đoàn các cấp... đã góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Người đứng đầu ngành quân sự Nga cũng nhấn mạnh rằng, Bình Nhưỡng là một đối tác quan trọng của Moscow, khi hai nước có đường biên giới chung và lịch sử hợp tác phong phú.

Ông Andrey Karneyev, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu châu Á của Đại học Kinh tế Moscow, nhận định rằng, chuyến thăm Triều Tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho thấy những động lực tích cực trong quan hệ giữa Mosocw và Bình Nhưỡng.

Ông nêu rõ: "Những nỗ lực (của Nga - PV) nhằm phát triển quan hệ song phương với các quốc gia thân thiện có vẻ hợp lý và chuyến thăm của ông Shoigu có thể được nhìn nhận dưới góc độ này".

Trong khi đó, ông Vladimir Tikhonov, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Oslo (Norway) cho rằng, chuyến thăm của ông Sergei Shoigu rất đáng chú ý vì các Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã không thường xuyên đến thăm Bình Nhưỡng kể từ trước khi Liên Xô sụp đổ. Ông nói: "Nga có thể cần tiềm năng của ngành công nghiệp quân sự Triều Tiên trong lĩnh vực vũ khí thông thường, trong khi Triều Tiên có thể quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ tên lửa từ Nga".

Về phần mình, Tiến sĩ Victor Teo, nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận định rằng, chuyến thăm của ông Sergei Shoigu rất đáng chú ý, do các Bộ trưởng Quốc phòng Nga không thường xuyên công du Triều Tiên và triển lãm có thể là màn dạo đầu cho sự hợp tác quân sự lớn hơn giữa hai nước.

Ông nói: "Triều Tiên thường đón tiếp các phái đoàn ngoại giao nước ngoài tại các cuộc duyệt binh như vậy nên sự hiện diện của các phái đoàn Trung Quốc và Nga không có gì đáng ngạc nhiên. Điểm mới ở đây là sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Điều này cho thấy Moscow có thể đang cân nhắc củng cố mối quan hệ với Bình Nhưỡng sau một thời gian bị gác lại khi Liên Xô sụp đổ".

Chuyến thăm Triều Tiên của phái đoàn Nga và phái đoàn Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang. Tiến sĩ Victor Teo nhận định, những cam kết của Nga với Triều Tiên chắc chắn sẽ mở ra con đường giúp giảm bớt những khó khăn kinh tế mà Bình Nhưỡng đang phải đối mặt. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, để giúp Triều Tiên một cách có ý nghĩa, bất kỳ lời đề nghị hỗ trợ nào từ Trung Quốc và Nga đều nên tính đến cách khắc phục các vấn đề cơ cấu kinh tế ở Triều Tiên, giúp đỡ người dân xây dựng một nền kinh tế có năng suất và tự duy trì. Ông nói rằng, việc cung cấp hỗ trợ một lần sẽ chỉ giúp cải thiện rất ít tình hình ở Triều Tiên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.