Hội nghị đặc biệt cấp khu vực về người di cư tại Thái Lan:

Khó tìm nơi tái định cư

Thứ Bảy, 30/05/2015, 09:45
Ngày 29/5, đại diện của 17 quốc gia trong khu vực đã có cuộc thảo luận khẩn cấp về hàng ngàn người trên những chiếc thuyền mất an toàn lênh đênh ở vịnh Bengal để di cư tới Malaysia và Indonesia. Đây được coi là động thái mới nhất trên thực địa nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trên Ấn Độ Dương trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, đây chưa phải là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này.
>> Đông Nam Á giải bài toán người tị nạn

Chiến dịch trấn áp

Các báo cáo mới nhất từ những cơ quan chức năng trong khu vực cho hay, trong một tháng qua, hơn 3.000 người di cư đã tới 3 nước ở khu vực Đông Nam Á một cách bất hợp pháp. Chính vì lẽ đó mà trong khu vực đã diễn ra một chiến dịch trấn áp người di cư bất hợp pháp. Chiến dịch này khiến những kẻ buôn người lo sợ và đẩy hàng ngàn người khác bị lênh đênh trên biển nhằm trốn sự truy đuổi của nhà chức trách.

Hàng ngàn người di cư bất hợp pháp được cho là vẫn đang lênh đênh trên vịnh Bengal. Ảnh: MAPIM.

Phát biểu vấn đề này tại lễ khai mạc hội nghị sáng 29/5, Ngoại trưởng Thái Lan Thanasak Patimaprakom còn cho hay, tình trạng các thuyền chở người di cư ở Đông Nam Á đã đến mức báo động. Ngay ở Thái Lan, nơi mà nhiều người di cư bất hợp pháp đang lẩn trốn trong rừng để tìm đường tới Malaysia, Indonesia, cảnh sát Thái Lan đã phát hiện nhiều thông tin gây sốc. Đó là những đường dây buôn người xuyên quốc gia và cả những hố chôn tập thể các nạn nhân là người di cư bất hợp pháp bị ốm, bị thương, không còn đủ sức để đi tiếp và đã chết.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, Thái Lan đã phải mở một chiến dịch trên biển để cung cấp những trợ giúp cần thiết cho những người di cư đang lênh đênh trên biển. Và sáng 29/5, theo đề xuất của Mỹ, Thái Lan cũng đã cho phép máy bay do thám của Mỹ đi vào vùng vịnh Bengal để tìm kiếm và thống kê xem có bao nhiêu tàu thuyền của người di cư hiện ở ngoài khơi.

Trong khi đó, hải quân Hoàng gia Malaysia thì phát hiện 2 thuyền được cho là chở người di cư vào vùng biển Malaysia, gần đảo Langkawi, bang Kedah. Sĩ quan chỉ huy tàu KD Kasturi, Đại úy Shahrum Shaim cho biết, cả hai thuyền trên đều được phát hiện trong khu vực F, phía Bắc eo biển Langkawi khi tìm cách xâm nhập vào vùng biển Malaysia. Sau đó chúng chuyển hướng đến vùng biển Thái Lan khi phát hiện thấy đang bị một tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia theo dõi. Đồng thời, Malaysia cũng cho biết đã bắt giữ 4 cảnh sát vì bị nghi liên quan đến việc trợ giúp cho những hành động buôn bán người và hàng hóa qua biên giới ở vùng Bukit Wang Burma.

Hiện chính phủ Malaysia đang cân nhắc việc xây dựng hàng rào dài khoảng 48km ở mỏm tiếp giáp giữa biên giới Malaysia và Thái Lan tại bang Perlis để chống lại làn sóng di cư bất hợp pháp này.

Khó tìm nơi tái định cư

Lo ngại về tình trạng này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo, hồi tuần trước, các cơ quan của Liên Hợp Quốc gồm tổ chức Di cư thế giới (IOM), Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc đã cùng đưa ra một tuyên bố chung, kêu gọi chính phủ Indonesia, Thái Lan và Malaysia cho phép các thuyền chở người di cư cập bến an toàn, bảo đảm các điều kiện tiếp nhận thỏa đáng và nhân đạo, đồng thời tiến hành các thủ tục xác định những người cần được bảo vệ quốc tế. Nhưng việc tìm một nước thứ ba để tái định cư cho những người di cư là rất khó khăn.

Bà Vivian Tan, phát ngôn viên UNHCR khu vực Đông Nam Á cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng, tất cả những người đang lênh đênh trên biển sẽ được cập bờ và có được những sự trợ giúp họ cần. Còn tìm kiếm cơ hội tái định cư, chúng tôi cũng đang cố gắng giúp những người gặp khó khăn nhất, ưu tiên là phụ nữ và trẻ em. Nhưng thực sự có rất ít người di cư được tái định cư ở nước thứ ba bởi không có nhiều nước trên thế giới chấp nhận điều này”.

Điều này cũng từng được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới gần đây. Ngay như ở Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha cũng cho biết, theo luật pháp, những người nhập cư bất hợp pháp phải được kiểm soát tại một khu vực biệt lập và sau đó bị xử lý theo trình tự pháp luật và được trả về quê hương. Còn chính phủ Malaysia và Indonesia mới nhất trí việc cung cấp lều lán tạm thời cho khoảng 7.000 người di cư bất hợp pháp này được cho là đang còn lênh đênh trên các vùng biển quốc tế, với điều kiện cộng đồng quốc tế phải tiến hành hồi hương và tái định cư số người này trong vòng một năm.

Trong khi đó, Bangladesh đang có kế hoạch đưa hàng nghìn người Rohingya ở các trại tị nạn gần biên giới Myanmar trong nhiều năm qua ra 1 hòn đảo ở miền Nam. Campuchia thì tuyên bố có thể chuẩn bị phương án để cung cấp nơi tạm trú cho hàng nghìn người Rohingya ở Myanmar đang tìm đường tị nạn hiện mắc kẹt trên biển Andaman với điều kiện nếu Liên Hợp Quốc đồng ý tái định cư những người này ở một nước khác.

Gia Nam
.
.