“Bởi nơi ấy cũng là quê hương…”

Thứ Hai, 26/04/2021, 19:09
Hà Nội những ngày cuối tháng 3, tôi may mắn gặp gỡ hai nhân vật đặc biệt. Họ, những người nước ngoài đã dành hơn một thập kỷ sống và làm việc tại Việt Nam, dù ở những cương vị khác nhau nhưng có cùng một điểm chung: Đó là tình yêu dành cho mảnh đất hình chữ S, nơi bấy lâu nay họ trân quý như chính quê hương mình. Tháng 4 lịch sử trong tôi bắt đầu với những câu chuyện yêu thương như thế.

Một cơ duyên đặc biệt

Những năm 80 của thế kỷ XX, một chàng trai người Palestine đã vượt hàng nghìn cây số đến Việt Nam theo học Đại học Tổng hợp, mang theo cơ duyên và sự tò mò về một dân tộc đã hiện thực ước mơ thống nhất đất nước. Năm 1989, chàng trai ấy trở lại Việt Nam trên cương vị Phó Đại sứ, chứng kiến con đường đổi mới ấn tượng tại đây. Để rồi, một thập kỷ sau, chàng trai ấy chọn “trở về” Việt Nam và gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Chàng trai năm ấy chính là Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo CAND. Ảnh: Trung Nghĩa.

“Số năm tôi ở Việt Nam còn nhiều hơn số năm tôi ở Palestine”, vị Đại sứ được truyền thông gọi là “con rể của Việt Nam” bắt đầu câu chuyện với tôi bằng chia sẻ chân tình như thế. Với 40 năm gắn bó, 18 năm sống và làm việc ở Việt Nam, Đại sứ Salama không chỉ nói sõi tiếng Việt, mà còn đặc biệt thấu hiểu văn hóa địa phương.

“Khi tôi tìm hiểu về Việt Nam bằng tiếng Việt, tôi có thể hiểu sâu sắc những vấn đề mà người sử dụng ngôn ngữ khác không hiểu được. Dần dần trong người tôi có một chút Việt Nam, tâm hồn và tư duy của tôi cũng có một chút Việt Nam. Và khi tôi tiếp xúc với người Việt Nam, tôi đều có thể biết những câu chuyện mọi người thảo luận, kể cả những câu ca dao, nét văn hóa hay đặc sản vùng miền. Điều đó làm tôi cảm thấy tôi không phải một người nước ngoài đang sinh sống ở đây, mà tôi là một người bản xứ. Nên khi tôi nói “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi”, đây không phải một câu nói xã giao, mà phản ánh đúng cảm giác của mình”, vị Đại sứ đặc biệt trải lòng.

Hiểu và yêu Việt Nam, nhưng ngài Đại sứ lại bật mí với tôi rằng, ông cũng từng có giây phút hoang mang. Đó là ngày 14/10/1980, khi chàng sinh viên Salama lần đầu đến Việt Nam và đang trên đường từ sân bay về Hà Nội. “Lúc ấy, tôi chẳng thấy gì đặc biệt, ngoài những cánh đồng lúa, những chú trâu cày, những người nông dân đang tát nước. Tôi đã nghĩ số phận gì đưa mình đến đây? Liệu Việt Nam có phải sự lựa chọn đúng đắn? Tôi đặt rất nhiều câu hỏi. Tôi cũng nghĩ đến những khó khăn và cả chuyện rời đi”. Nhưng cuối cùng, ngài Đại sứ đã lựa chọn ở lại, bởi không muốn việc từ bỏ trở thành một “thói quen xấu” trong cuộc đời mình.

“Và thời gian đã chứng minh quyết định của tôi là sáng suốt”, ông nói. “Vì sao?” -Tôi hỏi ông. Ngài Đại sứ liền nhắc đến chiến thắng lịch sử của Việt Nam, như để khẳng định cho sự sáng suốt mà ông vừa nói.

“Chiều 30/4/1975, khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đó là giây phút thiêng liêng nhất, có ý nghĩa cao cả nhất không chỉ với người Việt Nam, mà còn có ý nghĩa rất lớn với cả thế giới. Chiến thắng của Việt Nam chứng minh rằng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là điều linh thiêng, không ai có thể xâm phạm được. Việt Nam là một quốc gia có chính nghĩa, và quốc gia có chính nghĩa sẽ luôn chiến thắng. Thắng lợi và sự thành công của Việt Nam luôn tạo động lực và cảm hứng mạnh mẽ cho các dân tộc trên thế giới, trong đó có người dân Palestine, và tôi, với niềm tin vào con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”, nhà ngoại giao kỳ cựu khẳng định, “bởi chỉ có những người đã trải qua chiến tranh mới hiểu rõ ý nghĩa của hòa bình”.

Đại sứ Palestine cũng không ngại thừa nhận tình yêu của ông với Việt Nam, mà điều ông yêu nhất lại chính là nét văn hóa tuyệt vời, từ cách ứng xử, tới lối sống và phong tục tập quán nơi đây. “Tôi cảm thấy đây là cơ sở mấu chốt để bảo vệ sự thống nhất, đoàn kết trong dân tộc Việt Nam”, ông chia sẻ.

Buổi phỏng vấn đầy cảm xúc khép lại với thông điệp chân thành mà Đại sứ Salama gửi gắm: “Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Sự phát triển của Việt Nam đã làm cho thế giới ngạc nhiên và khâm phục. Và tôi mong Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, bồi đắp vai trò thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, đóng góp cho việc xây dựng một nền hòa bình bền vững trong khu vực và trên thế giới”.

Dự án “Vietnam We Thank You” của thầy Wayne Worrel đã đoạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2020. Ảnh: Linh Chi.

Một nghĩa cử đặc biệt

Tháng 3/2020, khi biết tin ngân hàng máu dự trữ của Việt Nam đang cạn dần vì dịch COVID-19, một thầy giáo người Anh đã lập tức huy động nguồn máu từ những người bạn nước ngoài đang sống tại Hà Nội để đóng góp. Cũng chính thầy giáo ấy đã thực hiện dự án nổi tiếng “Vietnam We Thank You - Việt Nam cố lên!” – dự án đạt giải nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2020. Thầy giáo ấy là Wayne Worrell.

“Ở thời điểm dịch bùng phát, tôi đã nghĩ rằng, chúng tôi có thể là những người nước ngoài sống trên đất nước của các bạn, nhưng với chúng tôi, nơi đây cũng là nhà. Và vì thế, tôi hành động”, thầy Wayne kể tôi nghe cách mà dự án của thầy bắt đầu. Thông qua “Vietnam We Thank You”, hàng trăm tấm ảnh và video người nước ngoài gửi lời cảm ơn đội ngũ tuyến đầu chống COVID-19 tại Việt Nam đã được chia sẻ trên mạng xã hội, góp phần khích lệ những người hùng chống dịch, và lan tỏa hình ảnh và thông điệp về một Việt Nam kiên cường và quyết tâm phòng, chống dịch bệnh đến bạn bè quốc tế.

Có một câu chuyện nhỏ phía sau thành công của “Vietnam We Thank You”, đó là khi dự án được triển khai, thầy Wayne đang tạm nghỉ việc và dành toàn bộ thời gian để chăm sóc con gái. Do trường học đóng cửa vì COVID-19, khiến việc dạy của thầy, và việc đến trường của ba cậu con trai đều bị gián đoạn.

“Đó là một khoảng thời gian rất khó khăn, ước mơ của chúng tôi về việc mua một căn nhà riêng đã tan thành mây khói. Nhưng bởi đó là cuộc sống, và tôi biết chúng tôi không phải những người duy nhất tổn thương vì dịch bệnh. Tôi không coi đó là cản trở, mà là động lực để theo đuổi nhiều dự án khác, với phần lớn công việc được xử lý khi lũ trẻ đã ngủ say”, thầy Wayne kể lại.

Thật vậy, không dừng lại ở “Vietnam We Thank You”, trong suốt một năm qua, thầy Wayne đã cùng bạn bè thực hiện nhiều chiến dịch quyên góp khẩu trang cho các bệnh viện, chốt kiểm dịch, và phát khẩu trang trên các tuyến phố. Hiện, thầy đang điều hành ba nhóm cộng đồng trên Facebook, cập nhật thông tin về COVID-19 cho người nước ngoài tại Việt Nam, cũng như nỗ lực của chính phủ trong phòng, chống dịch.

Thầy giáo Wayne Worrell bên các học trò của mình. Ảnh: Linh Chi.

“Chân tình mà nói, tình yêu của tôi với Việt Nam bắt đầu từ 35 năm trước. Còn tôi đã dành hơn 11 năm để sống và làm việc tại nơi đây, và tình yêu ấy cứ lớn dần lên mỗi ngày. Nên nếu bạn hỏi vì sao tôi làm những việc này ư? Tôi không làm để trở thành ngôi sao hay để nổi tiếng, mà chỉ đơn giản là để mang lại sự đoàn kết bền chặt giữa cộng đồng người nước ngoài với đất nước Việt Nam”, thầy giáo Wayne chia sẻ.

“11 năm, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với những gì tôi tưởng tượng khi vừa đến. Một Việt Nam hiện đại hơn, nâng tầm hơn. Mặc dù cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp quanh mình. Nơi đây giờ đây đã gắn chặt với số phận của tôi, và tôi hạnh phúc khi gọi Việt Nam là quê hương của mình”, người thầy đặc biệt giãi bày với tôi, trong tiếng reo hò của những cô cậu học sinh đang đợi thầy vào lớp.

Có thật nhiều cách để thể hiện tình yêu, và hai nhân vật đặc biệt mà tôi may mắn gặp gỡ đã chọn yêu Việt Nam theo cách rất riêng của họ. Việt Nam đang bước vào những ngày tháng 4 lịch sử, với những ký ức vẻ vang về chiến thắng hào hùng. Tôi chọn lắng nghe tình yêu Việt Nam từ câu chuyện của những người nước ngoài đang từng ngày gắn bó với đất Việt, để chính trái tim tôi cũng càng thêm yêu và tự hào hơn về Tổ quốc mình.

An Nhiên
.
.