Chặn đứng âm mưu thủ tiêu tù chính trị Côn Đảo

Thứ Ba, 28/04/2015, 20:16
Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng lực  lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân cho biết, ông và nhiều người khác trong Ban liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo đang hoàn tất hồ sơ, đề nghị nhà nước có sự ghi nhận, tri ân và khen thưởng xứng đáng cho những người 40 năm trước từng là sĩ quan, công chức – có cả một vị linh mục Thiên Chúa giáo - của chế độ cũ. Nếu không có họ, rất có thể hàng ngàn người tù Cộng sản đã bỏ mạng trong một âm mưu đích thực là một tội ác thế kỷ đã được chính quyền Sài Gòn lên kế hoạch kỹ càng.

Cận kề ngày giải phóng, toàn bộ hệ thống nhà tù Côn Đảo vẫn đang giam giữ tổng cộng 7.448 người. Hơn một nửa trong số đó – 4.234 người, có 494 phụ nữ - là tù chính trị. Số còn lại là quân phạm – 2.094 người, thường phạm - 520 người và xấp xỉ 600 người chưa rõ xuất thân.

Lẽ ra, theo tinh thần Hiệp định Paris tháng 1/1973, tất cả số chính trị phạm tại nhà tù Côn Đảo đều phải được xem là những nhân viên dân sự của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và phải được trao trả. Nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã ngoan cố không thực hiện hiệp định. Tù chính trị bị gán chung một “tội danh” rất mơ hồ là “gian nhân hiệp đảng”, tiếp tục giam giữ, đọa đày. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục của đảo ủy nhà tù (tập trung ở trại B6), những người Cộng sản kiên trung vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh bền bỉ.

Mít tinh mừng giải phóng trước dinh tỉnh trưởng Côn Sơn, ngày 4-4-1975.

Cuối tháng 3/1975, qua hai chiếc radio bí mật giấu được trong trại B6, đảo ủy nhà tù đã nghe được và tìm cách phổ biến đến toàn bộ các trại trên đảo thông tin Buôn Ma Thuột giải phóng, chiến dịch Giải phóng hoàn toàn miền Nam đã bắt đầu. Đồng chí Châu Văn Mẫn là người được giao nhiệm vụ chép tay 10 bản tin phổ biến chủ trương của đảo ủy đi khắp các trại.

Cũng chính thời điểm đó, địch đã đánh hơi được ngày tàn sắp đến nên ráo riết tìm cách đối phó. Biết trại B6 là nơi tập trung đầu não đấu tranh của tù chính trị trên toàn đảo, địch đã xé lẻ trại này, đưa hơn 600 người sang giam giữ tại khu chuồng cọp Mỹ thuộc các khu A, B, C, D nhằm xáo trộn, cắt đứt sự lãnh đạo đấu tranh. Chuyển trại bất ngờ nên hai chiếc radio giấu trong tường, anh em không thể mang theo được. Nguồn thông tin gián đoạn từ đó.

Ngày 16/4/1975, khi phòng tuyến Phan Rang thất thủ, Phủ đặc ủy Trung ương tình báo đã cử người bay ngay ra đảo triệu tập tỉnh trưởng Côn Sơn kiêm Giám đốc nhà tù, Trung tá Lâm Hữu Phương, cùng hầu hết quan chức chóp bu để nghe chủ trương và bàn kế hoạch “xử lý” tù chính trị. Mệnh lệnh đưa ra là “không để bất kỳ một tù nhân chính trị nào được sống và trở về”.

Việc thủ tiêu tù giao cho Ban an ninh trật tự, lực lượng vũ trang nhà tù (gồm 327 binh sĩ, 76 cảnh sát) thực hiện, không cần thông qua bộ máy quản tù (104 giám thị), cũng như không thông báo cho bộ máy công chức hành chính (109 người) được biết. Trong trường hợp tù chính trị có ý đồ chống đối hoặc cố thủ chờ lực lượng bên ngoài vào giải phóng đảo giải vây, việc thủ tiêu được tăng cường thêm thành viên an ninh trật tự là 540 tù thường phạm hung hãn của 9 trại vào đánh đập, đầu độc.

Có 4 phương án thủ tiêu. Trước hết là đầu độc. Nếu tù chính trị phát giác, địch sẽ khóa chặt cửa nhà tù, ném lựu đạn sát thương và lựu đạn khí độc vào các buồng giam để giết tù nhân. Đề phòng tù nhân phá nhà tù, 4 xung quanh các trại phải được đào hào, cắm chông và gài mìn, đồng loạt cho nổ tung các trại giết sạch tù nhân. Những người còn sống sót, súng đại liên bố trí quanh trại sẽ nã đạn vào tiêu diệt nốt.

Phần đầu kế hoạch đã được thực hiện đúng như kịch bản. Trong 2 ngày 24 và 25-4, tất cả tù chính trị đều bị tập trung về 3 khu giam 6,7,8. Cũng trong hai ngày đó, 3 cuộc họp kéo dài giữa Phủ đặc ủy trung ương tình báo và chỉ huy các đơn vị cảnh sát dã chiến, địa phương quân, lính phòng thủ… để nghe Trung tá Lâm Hữu Phương cắt đặt công việc chi tiết. 30 quả lựu đạn khí độc được chuyển ra Côn Đảo. Thiếu tá Trần Văn Tức, Trưởng ty cảnh sát quốc gia tỉnh Côn Sơn, một tay tàn ác khét tiếng đã xung phong nhận nhiệm vụ cầm đầu chiến dịch thủ tiêu, nhận 30 quả lựu đạn. Một số kẻ nhiều nợ máu khác như Tổng giám thị Lê Văn Khương, Đỗ Văn Phục…., vì sợ bị tù chính trị trả thù cũng tỏ ra tán thành và hung hăng xin được nhận nhiệm vụ đồ tể. Số đông còn lại, khi nghe cắt đặt công việc đều im lặng không bày tỏ chính kiến.

Chế độ đến ngày tàn, nhưng nhiều lương tri vẫn thức. Linh mục Phạm Gia Thụy; Đại úy Kiều Văn Dậu, Trưởng  ban 3 – hành quân;  ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ nhiệm HTX mua bán (thực chất là một cán bộ tình báo của ta); ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ty Giáo dục; Đại úy Phạm Huỳnh Trung, phụ tá quân sự;  ông Nguyễn Phú Hội, Phó tỉnh trưởng hành chính và một số chức sắc dân sự trên đảo… đã bí mật gặp gỡ nhau bàn bạc, thống nhất kế hoạch ngăn cản việc thực hiện kế hoạch thủ tiêu. Tùy theo vị trí, họ tự nhận các nhiệm vụ vận động, lôi kéo, kiềm chế những kẻ hung hăng, mục đích duy nhất là kéo dài thời gian để lệnh thủ tiêu không được thực hiện.

Trong khi đó, từ những dấu hiệu bất thường, anh em tù chính trị cũng nhận ra ngày tự do đang đến rất gần. Ngày 29/4, anh em phát hiện ra có nhiều chuyến trực thăng bay lượn trên đảo, đồng thời có nhiều loạt đạn nổ liên tục phía núi Chúa. Đó là trực thăng bay rải truyền đơn kêu gọi sĩ quan, công chức trên đảo di tản ra Hạm đội 7. Còn những loạt đạn, chẳng qua là binh sĩ phòng thủ trong cơn hoảng loạn bắn vu vơ.

Trong từng buồng giam, khu giam, anh em đều đã công khai bàn nhau biện pháp đấu tranh chống bị địch chó càn cắn dậu thủ tiêu, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để phá tù, tự giải phóng khi thời cơ đến. Các trại dự định tổ chức kỷ niệm Quốc tế lao động 1/5 thật rầm rộ nhằm thăm dò tình hình vào đêm 30/4. Nhưng từ chiều 29, các khu giam đột nhiên im ắng lạ thường, lượng giám thị, lính gác cũng đột nhiên thưa hẳn. Kế hoạch, vì không cần thiết, đã không xảy ra như dự định.

Ở bên ngoài, sáng 29, Đại úy Phạm Huỳnh Trung triệu tập họp toàn bộ công chức, sĩ quan, binh lính trên đảo, kêu gọi mọi người bình tĩnh, không manh động khi chưa có lệnh, không bỏ trốn, tập trung phòng thủ đảo và bảo vệ trại giam. Động thái của viên đại úy rất phù hợp với vai trò phụ tá quân sự, nhưng nhờ đó đã thâu tóm được quyền hành, tránh để mệnh lệnh chết chóc được những tay chóp bu khác trong cơn hoảng loạn buông ra. Thấy ông Trung bình tĩnh, chủ động và thể hiện có trách nhiệm, Trung tá Lâm Hữu Phương bảo: “Anh coi sóc công việc, tôi đi kiểm tra một vòng quanh đảo”. Kỳ thực, Phương vọt ngay về nhà, thu xếp hành lý và đưa vợ con lên xe trực chỉ Bến Đầm chuồn lên tàu di tản trong chiều 29. Lê Văn Khương, Đỗ Văn Phục, Trần Văn Tức cũng vội vàng xuống ca nô vọt theo. Không thấy hạm đội 7 chờ sẵn đón tiếp như truyền đơn đã ghi, họ tấp vào Hòn Cau chờ thời. Mệnh lệnh chết chóc đến giờ chót đã bị quên mất, không hề được phát ra.

Rắn mất đầu, công chức, binh lính và nhiều sĩ quan trên đảo đều rất hoang mang. Chiều 30/4, họ kéo đến nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế trên đảo gặp linh mục Phạm Gia Thụy xin ý kiến. Linh mục Thụy cùng các ông Kiều Văn Dậu, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Đồng, Phạm Huỳnh Trung sau khi bàn bạc đã thống nhất: chế độ đã sụp đổ, phải dựa vào Cách mạng mới có thể giữ yên Côn Đảo.

Tối 30/4, nhóm người này đã kéo nhau đến phòng 24, khu H, Trại 7 chuồng cọp Mỹ gặp tù nhân Lê Câu, nguyên Trung tá tình báo của ta  bị  địch bắt, người có cấp bậc cao nhất trong số tù chính trị theo hiểu biết của họ, đề nghị ông và một số tù chính trị nguyên là cán bộ tình báo, điệp báo khác đứng ra tiếp quản nhà tù Côn Đảo,  giải phóng  tỉnh Côn Sơn.  Sợ bị cài bẫy, Trung tá Lê Câu và các đồng chí nhất định không mở cửa buồng giam, yêu cầu được nghe thông tin chính thức từ radio. Linh mục Thụy đồng ý, cho người mang radio tới ngay. Tin Sài Gòn giải phóng lan nhanh  như điện. Khắp trại 7 hò reo vang dội. Theo yêu cầu của Trung tá Lê Câu, tất cả cửa xà lim trong trại 7 đều được mở tung. Nhiều phòng, chìa khóa chưa kịp mang đến, anh em hè nhau phá bung cửa. Đến 3h sáng 1-5, toàn trại 7 được giải phóng.

Ban An ninh Côn Đảo được thành lập ngay khi đảo vừa giải phóng.

Đến 8h sáng, tất cả cửa phòng giam tù chính trị của các trại khác cũng được tháo khóa xích, gông xiềng. Thông báo số 1 của Ủy ban hòa giải – hòa hợp dân tộc tỉnh Côn Sơn vừa mới được thành lập đã được phát đi trên đài phát thanh của tỉnh lúc 10h sáng.

Những người Cộng sản lại bước vào một nhiệm vụ mới: giữ gìn trật tự, trị an Côn Đảo, tránh cho đảo không bị đập phá, không xảy ra trả thù, chờ đất liền đưa tàu ra đón những chiến sĩ kiên trung bị giam cầm về với đất mẹ.

Nguyễn Hồng Lam
.
.