Những người lính quả cảm trong trận chữa cháy kho xăng dầu Đức Giang

Thứ Ba, 28/04/2015, 20:06
Sự kiện chữa cháy  kho xăng dầu Đức Giang những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đi vào lịch sử của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC). Với thành tích xuất sắc bảo vệ an toàn hàng chục triệu lít xăng, lực lượng Cảnh sát PCCC  Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.

1.  Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi đến gặp Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ, nghe ông kể lại lần đầu dấn thân vào nghiệp chữa cháy khi tham gia chữa cháy tại kho xăng dầu Đức Giang năm 1972. Khi ấy, ông vừa tròn 19 tuổi.

Sau khi thất bại thảm hại trong chiến dịch mùa khô lần thứ nhất ở miền Nam, năm 1966, Mỹ điên cuồng chuẩn bị lực lượng cho đợt tấn công lần thứ hai nhằm tàn phá Việt Nam. Đồng thời với chiến lược này, chúng chủ trương đánh phá các tỉnh, thành phố lớn ở miền Bắc cùng các trung tâm dự trữ nguyên liệu quốc gia, đó là các tổng kho xăng dầu, kho lương thực, vũ khí... hòng có thể cản trở, phá hoại con đường chi viện của tuyến dưới cho tuyến trên của hậu phương cho tiền tuyến, của miền Bắc cho miền Nam...

Nắm rõ ý đồ ấy của đế quốc Mỹ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Công an Hà Nội đã chủ động xây dựng trước chi tiết kế hoạch chữa cháy như: củng cố, tăng cường lực lượng PCCC chuyên nghiệp ngày càng mạnh hơn đồng thời trang bị tối đa những thiết bị chuyên dụng gồm 20 xe chữa cháy, 600 mét vòi phun, 6 tấn thuốc chữa cháy...

Lúc 12h ngày 29/6/1966, không quân Mỹ mở đợt tấn công, đánh phá vào Tổng kho Xăng dầu Đức Giang làm một số thiết bị vỡ và một số bể khác bị mảnh bom xuyên thủng. Xăng dầu tràn ra làm thành một đám cháy dữ dội. Phòng PCCC Sở Công an Hà Nội đã điều động 12 xe, Cục Cảnh sát PCCC huy động thêm 8 xe của Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng và Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy. Công tác chữa cháy ở đây chủ yếu sử dụng nước. Lực lượng chữa cháy dùng lăng A, B cắt các vòi xăng phun bị cháy, làm lạnh các bể đang cháy, bảo vệ chiến sỹ chữa cháy và chia cắt từng cụm dứt điểm, dùng giẻ, que gỗ nút các lỗ thủng trong điều kiện nóng rát, khói đen mù mịt.

Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội chữa cháy kho xăng dầu Đức Giang.

Đến 5h15 ngày hôm sau, đám cháy lớn được dập tắt hoàn toàn, cứu được 12 bể xăng lớn và hàng ngàn phuy xăng với gần 25 triệu lít xăng dầu. Sau trận chiến đấu này, lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, trong đó có 4 điều Người dạy đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC. Để có chiến thắng ấy, máu các chiến sĩ CS PCCC đã đổ xuống;  Thượng úy Trần Ẩn đã anh dũng hi sinh...

2. Trong một đợt leo thang mới đánh phá khốc liệt miền Bắc mà trọng điểm là Thủ đô Hà Nội, một lần nữa máy bay Mỹ lại lựa chọn mục tiêu là Tổng kho xăng dầu Đức Giang.

"Khoảng 15h ngày 16/4/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đến đánh phá kho xăng dầu Đức Giang và kho kim khí hóa chất Đức Giang. Phòng PCCC Sở Công an Hà Nội đã tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá, Trưởng phòng Đinh Mười và Đại úy, Phó trưởng phòng Bùi Văn Hoàn. Bom bi của định đánh trúng kho xăng làm nhiều bể bị nổ tung, xăng phun ra thành vòi lửa hàng chục mét…” – Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn nhớ lại.

Chiều 16/4, khi lực lượng chữa cháy đến, kho xăng dầu đã là một biển lửa khổng lồ, bom bi rơi vãi, có thể nổ bất cứ lúc nào. Không chỉ bể chứa, téc xăng mà những đường ống dẫn ở khu vực này cũng bị cháy do bị bom bi và những mảnh bom găm thủng. Từ lỗ thủng, xăng phun lên gặp lửa rồi bốc cháy thành vòi. Nhìn đám cháy khổng lồ bùng lên nhưng anh em không quản ngại nguy hiểm lao vào chữa cháy.

Trung úy (nay là Thượng tá) Đặng Văn Lạc, nguyên Đội trưởng Đội Chữa cháy Phan Chu Trinh, bé nhỏ, chạy thoăn thoắt trong đám cháy, băng qua khói lửa lấy giẻ ướt nút vào những lỗ thủng trên va gông tàu chở xăng để lửa khỏi bén vào. “Hình ảnh đó đã cho tôi thêm rất nhiều sức mạnh khi bước vào những trận chiến với “giặc lửa” sau này của lính PCCC” - Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn tâm sự.

Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn.

Ông nhớ lại, mũ lá bay vào lửa, chân bị thụt, rút chân lên được thì dép nằm lại dưới bùn, ướt nhẹp và tơi tả từ đầu đến chân. Có những lúc lửa đuổi mình, thấy đường ống bục ra một chút, mải tiếp tục công việc, đến lúc nó loang ra chỉ trong nháy mắt lửa đã bao vây...

Phương tiện thì thô sơ, hầu hết là dùng vòi nước áp lực cao để dập lửa, trong khi nguyên tắc chữa cháy xăng là phải dùng bọt. Nhưng lúc đó máy trộn bọt lại bị hỏng, phải dùng tay pha bọt để dập lửa. Do chữa cháy bằng nước nên không được ngừng phun, nếu không xăng dầu từ các ngóc ngách ở trong lớp đá chân bể xăng lại loang ra và tiếp tục cháy. Để hạn chế tình trạng này, lực lượng chữa cháy của Công an Hà Nội đã phải dùng vòi phun nước vào bãi phuy và trực tiếp vào các phuy chứa xăng chống nổ…

Dập tắt biển lửa như vậy, kết hợp với biện pháp như đã cứu chữa ở lần cháy thứ nhất của kho xăng Đức Giang, lực lượng Cảnh sát PCCC đã dùng lăng A để cắt ngọn lửa. Để dập tắt hẳn phần lửa cháy ở dưới chân đê bao, các chiến sĩ PCCC đã phải dùng giẻ ướt nút những lỗ thủng trên đường ống dẫn và trên bể để vừa bảo vệ không cho xăng tràn ra ngoài vừa ngăn không cho lửa bén vào đây.

Cùng với chữa cháy các bể xăng dầu và khu vực bãi phuy, lực lượng PCCC đồng thời tập trung cứu chữa những khu vực khác. Một trong những khu vực không kém phần cam go so với bãi phuy trong việc cứu chữa là khu đong rót. Ở đây, có những bể chứa, téc xăng của tàu hỏa dài hơn nhiều so với téc xăng thường nên khi bị cháy, lửa bốc ngùn ngụt đến mức có cảm giác nhấn chìm khu đong rót trong biển lửa. Lửa đã biến lớp đá rải trên đường ray thành vôi. Lửa đã nung đỏ đường ray như thanh sắt của người thợ rèn và làm nó biến dạng.

Với tinh thần chiến đấu quên mình, quyết tâm bảo vệ đến cùng những giọt xăng trong kho, đến sáng hôm sau, đám cháy cơ bản được dập tắt. Lực lượng PCCC của Công an Hà Nội cũng đã thành công trong việc cứu chữa kho xăng Đức Giang lần thứ hai.

Sau này, Đỗ Văn Sơn được phân về Đội chữa cháy Giảng Võ, rồi về Phan Chu Trinh – một trung đội mạnh, nơi tập trung những người có thành tích tiêu biểu nhất, có sức khỏe, có nhiệt huyết để sẵn sàng chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Trong những tháng năm ấy, ông liên tục tham gia các trận chữa cháy lớn như Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Điện Yên Phụ, chữa cháy trận địa tên lửa ở Chèm, khu dân cư Lương Yên, Nhà máy Dệt 8-3, đặc biệt là tham gia chữa cháy trong 12 ngày đêm máy bay Mỹ đánh phá Thủ đô. Với những thành tích đạt được, năm 1973, mới 20 tuổi nhưng anh lính chữa cháy Đỗ Văn Sơn đã vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ. Lực lượng PCCC Hà Nội khi đó chỉ có 3 đồng chí được vinh dự này.

Những người tham gia chữa cháy kho xăng dầu Đức Giang năm ấy, nhiều người đã mất hoặc tuổi cao sức yếu. Trong đó, Thượng tá Đặng Văn Lạc, hiện  đang bị tai biến, phải nằm một chỗ. Ở tuổi 62 nay đã nghỉ hưu, Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn có hơn 43 năm gia nhập lực lượng Công an nhân dân, hơn 42 năm phục vụ trong lực lượng Cảnh sát PCCC. 

Minh Hiền
.
.