Bên chứng tích bi hùng đường Hồ Chí Minh trên biển, nghe chuyện “đất chết hồi sinh”

Thứ Năm, 30/04/2020, 08:08
Khi đặt chân tới vùng đất biển nằm cuối dãy cù lao Minh, tôi bị ám ảnh bởi những con số khi biết đây là một trong những nơi từng hứng chịu nhiều đau thương, mất mát của xứ dừa Bến Tre...


Điều đáng trân trọng chính là người dân vùng quê heo hút này, trong đó có thế hệ sinh ra sau thời khắc lịch sử 45 năm trước, luôn vị tha, vượt lên trên nỗi đau trong quá khứ, dốc sức cho cuộc hồi sinh mang tên “Đồng Khởi mới”, thực hiện di nguyện thiêng liêng của lớp cha anh đã đổ máu xương, anh dũng ngã xuống…

Vượt lên quá khứ đau thương

Hôm về xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tôi gặp chị Trần Thị Minh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã thuộc thế hệ 8X. Từng sống với bà ngoại từ lúc 6 tuổi ngay tại vùng đất này nên chị hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện. Hướng dẫn tôi vào thăm nơi yên nghỉ của 21 người, chị cho biết, tất cả đều là thường dân.

“Ngôi mộ tập thể này được đắp lên tại miệng hầm ngay hôm đó, 16/1/1964. Trong số các nạn nhân, có 2 phụ nữ đang mang thai. Sau trận càn đẫm máu 21 ngày xuống khu vực Cồn Rừng, bị quân ta chống trả quyết liệt, gây tiêu hao sinh lực, địch buộc phải rút lui khỏi bãi Thạnh Phong – Thạnh Hải. Và địch đã dùng máy bay ném bom oanh tạc bình địa toàn khu vực, gây nên tội ác này”, Khoa đỏ hoe mắt, kể.

Một góc Di tích lịch sử Quốc gia đường Hồ Chí Minh trên biển tại cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Vùng đất biển này, gần như nơi đâu cũng có câu chuyện bi thương từ thời mưa bom, bão đạn. Hôm ghé qua Thạnh Phong, tôi được kể câu chuyện, lại cũng liên quan đến con số 21. “Người dân địa phương quen gọi là vụ thảm sát Khâu Băng ngày 25/2/1969. 21 thường dân là người già, phụ nữ và trẻ em, bị đội biệt kích SEAL do Đại úy Hải quân Bob Kerry (sau này là thượng nghị sĩ Mỹ) chỉ huy, ra lệnh nổ súng, giết chết. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Doi kể. Đau lắm, người dân Thạnh Phong chẳng muốn khơi lại. Tấm lòng vị tha của người dân nơi đây cũng là tấm lòng của bao người dân Việt, gác lại nỗi đau nhưng không thể quên…

Thế hệ trẻ hôm nay có thể chưa hình dung hết những gì trong quá khứ nhưng vẫn luôn tự hào về sự thủy chung, một dạ, một lòng của người dân vùng quê biển này dành cho cách mạng. Khoa kể, dù giờ ngoại đã mất, vườn trầu trước nhà cũng không còn, nhưng chị luôn nhớ chuyện về căn hầm do ông bà ngoại đào phía dưới vườn trầu trước nhà.

“Ngoại kể, mỗi khi cậu hai cùng đồng đội hành quân ghé qua, dì tư tôi được ngoại giao nấu cơm, chuyển xuống hầm. Những hôm nửa đêm trời mưa, ngoại lọ mọ lấy mền, áo cũ đắp cho con và đồng đội của con”. Sau chiến tranh, Thạnh Hải – Thạnh Phong có gần 90 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 155 liệt sĩ, hơn 120 thương bệnh binh, hàng trăm người và gia đình có công. Người bà của chị Khoa là Mẹ Việt Nam Anh hùng, ông nội và cậu hai là liệt sỹ…

Bừng lên cuộc hồi sinh

Trước đây, từ trung tâm huyện lỵ Thạnh Phú, muốn về các xã Thạnh Hải – Thạnh Phong, phải theo con đường đất, nắng bụi, mưa sình, phong cảnh làng quê xơ xác. Giờ thì rất khác. Thay thế những cánh đồng trước đây vốn là “vương quốc” của những con còng gió thụt ló, giờ là những cánh đồng tôm, cánh quạt guồng nước tung tóe.

Chỉ tay về hướng có nhiều căn biệt thự sang trọng, tân Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú – anh Lê Văn Khê kể, với người dân vùng cuối dãy cù lao này, mốc ngoặt “đổi đời” trong thời kỳ dựng xây quê hương phải kể đến ngày chiếc phà cầu Ván hoàn thành sứ mệnh, để rồi quốc lộ 57 (nâng cấp từ TL 888) được đầu tư kéo dài, kết nối ra tận mé biển. Cuộc hồi sinh càng ấn tượng hơn khi người dân linh hoạt tận dụng yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thoát nghèo, vươn lên…

Trưa ngày cuối tháng tư, vừa qua Cầu Ván nối đôi bờ sông Eo Lói, tôi hỏi đường tìm nông dân trẻ, giỏi của xứ Dừa – anh Đặng Văn Bảy. Vừa nghe tôi hỏi, ông Quỳ, nhà gần UBND xã Giao Thạnh gặng hỏi thêm: “Vua tôm Bảy An đó phải không?”, rồi nhiệt tình: “Đi thêm cỡ 12 cây số nữa”.

Cũng đang nuôi cả chục ao tôm cạnh cửa sông Cổ Chiên, ông Quỳ kể: “Trước, Bảy An cũng như nhiều anh em tụi tui thôi. Ba bốn năm trở lại đây, nhờ nuôi tôm công nghệ cao, giờ Bảy An phất như… diều gặp gió”. Nếu lấy tiêu chí “phất nhờ tôm”, Bảy An đứng đầu danh sách, đang sở hữu 20 ao nuôi mô hình công nghệ cao. Đội cái nắng như thiêu, như đốt, anh Khê cùng  chúng tôi băng qua cánh đồng, đi về hướng biển để tận mắt nơi nông dân trẻ Bảy An đang đầu tư hạ tầng 6 ao nuôi tiếp theo.

Đứng giữa công trường gần 5ha, Bảy An say sưa kể hiệu quả mô hình nuôi công nghệ cao: “Năng suất gấp 4 lần, rủi ro rất thấp, trong khi nuôi theo cách truyền thống thì… năm ăn, năm thua”. Năm ngoái, khi ghé thăm cơ sở này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT rất tâm đắc trước chuyện sản xuất tôm sạch, chuẩn thế giới, kích cỡ “ngoại hạng”, lại rất ngon.

Tôm sú “ngoại hạng” đang là hấp lực của nhiều nông dân vùng biển Thạnh  Hải  – Thạnh Phong.

Nghề nuôi trồng thủy sản chủ yếu của huyện là tôm, tập trung ở Thạnh Hải -Thạnh Phong; và hiệu quả nhất là mô hình như của anh Bảy An. Con tôm “ngoại hạng” mà hơn 20 thành viên trong Tổ hợp tác của Bảy An đang khiến vùng  quê này rộn ràng hẳn lên, nhiều người làm theo, đất đai chuyển mình. “Giờ bà con mong dự án đường giao thông 3 xã - xuyên qua vùng nuôi tôm trọng điểm của huyện, sớm thành hiện thực. Xong đường này, bảo đảm sẽ có thêm nhiều người phất lên lắm”, anh Bảy An quả quyết.

Có một niềm vui chung mà người dân nơi đây đang đếm ngược từng ngày, đó là dự án điện gió quy mô sắp đi vào vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia. Hàng loạt dự án điện sạch khác cũng đang được quyết liệt triển khai trên bờ biển Thạnh Phong -Thạnh Hải. “Thạnh Phú sẽ là trung tâm năng lượng sạch của tỉnh, đó là điều chắc chắn. Du lịch và nông nghiệp sạch sẽ trở thành kinh tế mũi nhọn, được quan tâm phát triển. Nay mai đây thôi, cuối dãy cù lao sẽ hình thành khu đô thị ven biển”, Bí thư Lê Văn Khê cho biết và kể thêm không khí vui nhộn tại các bãi biển đẹp, hoang sơ trên địa bàn vào các dịp lễ, Tết.

Có một câu chuyện khác mà cả chính quyền và người dân cũng đang rất hào hứng, dồn sức. “Nhiệm kỳ tới đây, Thạnh Phú sẽ là huyện nông thôn mới. Xã Thạnh Phong cán đích mục tiêu này ngay trong năm nay, Thạnh Hải sau đó vài tháng. Hiện tiêu chí về ANTT các xã đều đã đạt. Lực lượng Công an chính quy đã được tăng cường, bà con yên tâm lắm”, Bí thư Lê Văn Khê phấn khởi cho biết.

Giữa trưa tháng tư lịch sử, dưới tán phi lao trong khuôn viên Di tích lịch sử Quốc gia đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi được nghe kể về chuyến vượt biển lịch sử của cô Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) từ năm 1946, tạo tiền đề quan trọng để hơn chục năm sau đó, hình thành con đường vận chuyển vũ khí huyền thoại trên biển. Cho đến cuối năm 1970, những con tàu không số trên biển đã 23 chuyến cập bến Thạnh Phong - Thạnh Hải, chở hàng ngàn tấn vũ khí từ Bắc vào phục vụ chiến trường Nam Bộ.

“Khi cách bờ chừng 20 hải lý thì bị tàu tuần tiễu địch phát hiện và cuộc đọ súng không cân sức đã diễn ra. Các chiến sĩ quyết định cho nổ tung con tàu đang chở 50 tấn vũ khí. 5 chiến sĩ may mắn còn sức bơi vào bờ, 3 chiến sỹ vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển khơi”. Cùng nghe kể về chuyến tàu cuối cùng - tháng 11/1970, tôi nhìn thấy trong mắt của Bí thư Huyện ủy Lê Văn Khê và nông dân Bảy An ngân ngấn những giọt nước mắt.


Binh Huyền
.
.