Tình người ở bản Sáng Tùng

Thứ Bảy, 18/08/2018, 12:29
Sáng Tùng – ngôi làng hàng trăm năm tuổi nằm ở chân núi Tả Ngảo bị xóa sổ chỉ sau một đêm hạ tuần tháng 6-2018 khiến cho hơn trăm con người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

162 con người không bị mất mạng là may mắn lắm rồi, còn người là còn của, đó là câu nói chất chứa sự u sầu của một cao niên trong bản Sáng Tùng. 

Dân chạy kịp trước khi lũ ống cuốn phăng cả bản trôi xuống vực sâu. Đó là nhờ sự phát hiện kịp thời các vết nứt ở nương lúa quanh bản, rồi cuộc vận động đầy vất vả của lực lượng Công an và các lực lượng chức năng đã cứu 162 con người thoát chết trong gang tấc.

Băng rừng, vượt lũ vào cứu dân

Nhớ lại trận mưa lũ cuối tháng 6 vừa qua, người dân Lai Châu vẫn không khỏi rùng mình hoảng sợ. Đây là trận mưa lũ lớn nhất trong vòng 50 năm qua ở tỉnh miền núi nghèo cả nước, cướp đi sinh mạng của 25 người, tàn phá nhiều tuyến đường giao thông, cuốn trôi hàng trăm nhà cửa, ruộng vườn, trường học, thiệt hại ước tính lên tới 500 tỷ đồng. 

Dù sự kiện trôi qua đã gần 1 tháng, nhưng 162 con người thoát chết ở bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ nơi “chôn nhau cắt rốn”. 

Kể với tôi về giây phút lũ nuốt chửng cả bản, anh Hạng A Mình vẫn còn run rẩy: “Khoảng 2h sáng 27-6, chân núi bắt đầu trôi. Tiếng núi nứt nghe rõ mồn một, đất và nước từ trên núi theo khe nứt trôi xuống. Đến 3h thì bà con thật sự hoảng sợ khi thấy tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc, chỉ trong chớp mắt cả bản đã biến mất”.

Anh Mình miêu tả hình ảnh “lũ bê cả bản đi” trong chất chứa đau thương. Bởi là Trưởng bản, từ lúc sinh ra tới nay, mỗi ngôi nhà, lương lúa anh đều thuộc trong lòng bàn tay. 

Nay chính mắt chứng kiến lũ “bê cả bản”, anh không miêu tả được cảm xúc của mình lúc đó: đau đớn có, lo lắng có, hoảng sợ có. Nhưng sâu trong đáy lòng anh thầm cảm tạ trời cao, bởi những nỗ lực suốt hai ngày qua của anh với lực lượng Công an, chính quyền cơ sơ đã cứu sống 162 con người. 

“Nếu không phát hiện vết nứt mà di dời cả bản thì không thể tưởng tượng được hậu quả còn khủng khiếp cỡ nào, có lẽ chính tôi và người thân trong gia đình cũng bị vùi xác dưới kia”- anh Mình hoảng hốt kể.

Các chiến sĩ PCCC Công an tỉnh Lai Châu khuân vác lương thực cho bà con từ bản Sáng Tùng ra nơi an toàn.

Khi đến Sáng Tùng, nhìn những xác nhà bị lũ cuốn xuống vực sâu hàng trăm mét, cả bản chỉ còn trơ lại đất đỏ, chúng tôi chợt nhớ đến hình ảnh dầm mưa lội trong bùn đất của CBCS Công an tỉnh Lai Châu. Bởi không có các anh, người dân Sáng Tùng có lẽ không còn được vẹn nguyên và đầy đủ đến vậy. 

Đã 3 ngày trôi qua từ đêm mưa lũ xảy ra sự cố “bản trắng” Sáng Tùng, Trung tá Sùng A Xuân, Phó trưởng Công an huyện Sìn Hồ ở tại hiện trường để cùng anh em vận động, ổn định tư tưởng cho bà con. 

Trong cái rủi lại có cái may. May ở đây là 162 con người kịp chạy lũ, bảo toàn được sinh mệnh. Mà để có được điều này là do lực lượng Công an làm tốt công tác nắm tình hình, sớm phát hiện điểm nứt, nếu không hậu quả thật khôn lường.

Theo lời kể của Trung tá Sùng A Xuân thì ngày 25-6, qua công tác nắm tình hình của Công an viên tại địa bàn Sáng Tùng xuất hiện một số vết nứt ở trên nương đã vội vã báo cáo về Công an huyện. Mưa to suốt nhiều ngày qua đã được dự báo nhiều khả năng sạt lở ở các tỉnh miền núi. 

Do vậy, Công an huyện tham mưu cho chính quyền địa phương kiểm tra, nắm tình hình, đồng thời tham mưu cho UBND huyện di dời dân. Trong ngày 25-6 các anh đã trao đổi với chính quyền xã Sáng Tùng, giao nhiệm vụ cho Trưởng bản, Bí thư chi bộ vận động nhân dân di dời. Nhưng thông tin mà các anh nhận được là dân bản lại không nghe, họ nói không sợ, cứ ở lại. 

Nhận thấy tình hình khó khăn, Công an huyện đã cử Trung tá Sùng A Xuân và một tổ công tác gồm 30 CBCS vào bản Sáng Tùng. Lúc này đường vào bản đã hoàn toàn bị cô lập, các anh phải leo bộ lên cánh rừng bên cạnh trong tiết trời mưa xối xả để sang bản Sáng Tùng.

Trưởng bản Sáng Tùng – Hạng A Mình kể lại: “Lúc chúng tôi tới vận động, người thì cho rằng cứ ở lại chẳng sao đâu, người lại bảo có gì mà sợ, thậm chí người lại đưa ra lý do mình không làm điều ác nên không sợ trời phạt…”. 

Đã có những lúc tưởng bất lực trong việc vận động, nhưng nhận thấy mỗi giờ trôi qua, mưa lũ càng thêm nghiêm trọng, Trung tá Sùng A Xuân trong lòng rất lo lắng. Anh chỉ đạo anh em vừa thuyết phục, vừa vận động nhưng cũng phải cương quyết. Bởi chỉ cần chậm một vài giờ thôi, có thể hậu quả sẽ vô cùng lớn.

Trận mưa lũ, chỉ 2 giờ nhưng sau tiếng gầm thét điên cuồng ào đến cuốn phăng cả bản, bà con ôm nhau khóc. Ai cũng thất thần, hoảng sợ cực độ. Nếu không chạy thoát thì 162 con người đứng đây đã bị chôn vùi trong đó. 

Những ngày tiếp theo, bà con vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh, người thì nói rằng do bị trời phạt, người thì nói tại xây cầu nên cả bản phải hứng chịu đen đủi. Người thì muốn quay về nơi ở cũ để nhặt con gà, con lợn còn sót lại; có người trốn vào hiện trường chỉ để ôm hai cái chum sành vì là tài sản của cha mẹ để lại…

Do dự báo trước tình hình có thể xảy ra mất ANTT, Công an tỉnh Lai Châu đã cử Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động gồm 38 CBCS và một tổ 15 CBCS của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đến hiện trường giúp dân. Công an huyện thì triển khai công tác đảm bảo ANTT, ổn định tư tưởng cho dân, vận động bà con không hoang mang, không nghe theo kẻ xấu, chờ chính quyền tìm nơi ở mới.

Đại diện Báo CAND và Ngân hàng Agribank thăm hỏi, ủng hộ người dân ở Sáng Tùng mất nhà.

Nỗ lực giúp dân an cư

Đã gần 1 tháng bản Sáng Tùng bị xóa sổ, gọi điện cho anh Hạng A Mình, tôi vẫn không khỏi cảm khái. Anh Mình nói, bà con vẫn sống tạm trong 26 lán trại xây dựng cách hiện trường hơn 2km. Nơi ở mới là đỉnh Chung Há Là cách bản Sáng Tùng gần 3km được cho là đỉnh an toàn, dùng để làm nơi an cư cho 162 con người đã san gạt nhưng vẫn chưa xây dựng xong. 

Một số hộ tự dựng nhà bằng những vật dụng cũ còn sót lại, một số hộ vài hôm nữa mới làm nhà mới. Bà con hiện vẫn sống bằng nguồn trợ cấp và sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm trên cả nước. 

Một số hộ ruộng nương ở xa không bị lũ nhấn chìm thì vẫn còn, một số hộ nương rẫy gần bản thì mất trắng. Nhưng tâm lý của người dân Sáng Tùng theo anh Mình là “chưa có nhà ở ổn định thì chưa đi làm”. Nương rẫy bỏ không, ăn ở tạm tại lán. “Tết năm nay không biết kiếm gì mà ăn”- anh Mình buồn bã nói với tôi.

Những hình ảnh đẹp của Công an Lai Châu giúp dân ở bản Sáng Tùng.

Đại úy Vũ Văn Hùng, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, nhiệm vụ đầu tiên mà các anh đến Sáng Tùng chính là cùng Công an huyện ổn định tình hình, lần lượt đưa bà di chuyển ra nhà lán tạm và giúp dân vận chuyển đồ đạc, lương thực. 

Dù hiện trường sạt lở kinh hoàng, mưa rơi quất vào mặt, ướt đẫm quần áo, nhưng các anh vẫn băng rừng vào vùng nguy hiểm để khuân vác đồ đạc cho dân ra khỏi đống đổ nát. Đây là hình ảnh mà có lẽ dân bản Sáng Tùng không bao giờ quên. 

Bởi hiện trường nham nhở có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, nhưng các chiến sĩ vẫn không quản ngại nguy hiểm, cận kề giữa sự sống và cái chết, xông pha vào cứu tài sản giúp dân. Các anh chỉ nghĩ rằng, giúp dân cứu vớt được chút tài sản nào thì hay chút đó, bởi cuộc sống an cư của họ còn bề bộn phía trước, tài sản này đối với họ là vô cùng quý giá.

Dù thoát chết, nhưng cuộc sống sinh nhai và an cư của người dân Sáng Tùng  còn là điều trăn trở rất lớn. Chia sẻ khó khăn với họ, Báo CAND và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã ủng hộ mỗi hộ mất nhà 3 triệu đồng trong tổng số tiền 300 triệu đồng cho nhân dân vùng lũ Lai Châu. 

Như một cao niên trong bản – ông Giàng Giống Páo thì “còn người là còn của”, chúng tôi tin rằng người dân Sáng Tùng sẽ vực dậy sau lũ, xây dựng một bản mới từ sự nỗ lực của chính mình cũng như của chính quyền địa phương, của Công an huyện Sìn Hồ và sự ủng hộ của người dân trên cả nước.

Trần Hằng
.
.