Khóc cười mùa triều cường, triều dâng

Thứ Năm, 29/10/2020, 09:14
Những câu chuyện "húc nước" mùa nắng, rẽ sóng tìm đường đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc đối với người dân TP Hồ Chí Minh vào mỗi độ triều dâng...


Đến hẹn... triều lên

Người dân sống tại khu dân cư Phú Xuân (Nhà Bè) hơn 2 tuần nay phải chứng kiến mùa triều cao nhất trong năm (dự báo mức triều có thể đạt hơn 1,7m, vượt báo động III 1,5m). Nước tràn lên, mênh mông không biết đâu là bờ. Phụ huynh đưa đón con đi học tại trường THPT Dương Văn Dương xe chết máy hàng loạt, học sinh xắn quần lội bì bõm. Ông Nguyễn Thành Tiến (đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè) cho biết: "Tôi ở khu vực này hơn chục năm rồi, nhưng năm nay triều lên cao nhất. Sáng nay chở con đi học mà tới nửa đường thì xe chết máy, dắt lên vỉa hè sửa mãi vẫn chưa chạy được. Con bé mếu máo sợ trễ học. Bí quá tôi phải bỏ xe lại, hai cha con dắt nhau vượt qua con đường nước cao quá đầu gối đưa cháu tới trường cho kịp giờ".

Bà con trong khu dân cư ví von, mùa này đi trên đường chẳng khác nào đi ca nô giữa sông. Sóng đánh dập dìu, bọt tung trắng xóa. Tội nhất là các em học sinh, đến lớp học mà quần áo ướt như chuột. Nhiều em phải mang theo quần áo dự phòng để thay.

Triều lên cao làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân. Bi đát nhất là các hộ kinh doanh buôn bán, hầu như cả mùa triều đều ế ẩm, thua lỗ. Bà Lê Thị Hạnh (60 tuổi, hẻm 793 Trần Xuân Soạn, quận 7) não nề: "Tôi bán trái cây ven con đường này gần chục năm rồi, mà năm nay khổ sở nhất vì thủy triều. Nước từ Kênh Tẻ tràn qua bờ, dâng lên tới lưng quần thì còn thứ gì không bị ngập". Hàng trái cây của bà Hạnh nào là chuối, bưởi, mãng cầu đã chín đỏ nay gặp nước nên mềm lả, rũ ra nát bét hết, cho không ai lấy thì bán sao được.

Triều cường bắt đầu xuất hiện ở tuyến đường này vào khoảng 16 giờ. Mực nước tràn từ từ ra đường, sau đó dâng lên rất nhanh. Đến 17 giờ 30, mực nước triều đã dâng cao khoảng 40-50cm, có nơi đến hơn 70cm tràn ngập vào nhà của một số hộ dân.

Mọi phương pháp đối phó với nước thủy triều dâng đều được bà con mang ra vận dụng, chủ yếu là tát, múc, dùng bao cát hoặc miếng tôn be thềm...Ông Lê Quang Chánh, nhà đầu hẻm 1005 Trần Xuân Soạn (Q.7, TP. Hồ Chí Minh) nói mà như khóc: "Nước tràn vào nhà, mình không thể thu chân ngồi trên giường mãi được. Phải đi lại dọn dẹp, tát nước để sinh hoạt. Phải ngâm chân vào dòng nước đỏ đục, hôi tanh đủ thứ từ kênh tràn vào nên chân giờ mới rách bươm, lở loét. Năm ngoái cũng vậy, hai đứa con của tôi bị da liễu đi bệnh viện chữa mãi mới hết. Năm nay tôi không cho chúng xuống nước nữa. Về nhà là cho lên ghế ngồi, đi vệ sinh mình chịu khó cõng chúng".

Nước mênh mông tại các con đường trong khu dân cư Phú Xuân (Nhà Bè).

Biết trước là năm nào cũng phải đối diện với mùa triều lên, nên từ hai tháng trước, ông Chánh đã đầu tư nâng cấp nền nhà thềm 0,5m. Làm xong, trong lòng ông khấp khởi vui mừng, nghĩ năm nay nhà cao ráo, chắc là sống khỏe đây. Ai ngờ, triều lên vượt đỉnh đã nhấn chìm hy vọng sống an nhàn của ông Chánh.

Kể chuyện nhà mình xong, ông Chánh chỉ vào chiếc xe máy ướt nhèm đang dựng ở góc nhà cho biết: "Đây là xe máy của cha con người đàn ông ở bên Phước Kiểng để nhờ. Hôm qua đi đón con tan trường thì gặp đợt nước lớn ngập quá bánh xe khiến nó chết máy không đi nổi. Lúc đầu anh ấy cho con ngồi trên yên dắt, được một đoạn sóng đánh hai cha con ngã dúi dụi, ướt hết. Vậy là anh đành gửi xe ở nhà tôi rồi cõng đứa con đi bộ men theo vỉa hè về nhà".

Tình trạng xe máy ngập nước chết máy diễn ra hàng loạt trên các tuyến đường bị ảnh hưởng do thủy triều như Trần Xuân Soạn, Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Tôn Thất Thuyết (quận 4)... Hôm nào gặp trời mưa gió nữa thì coi như "chết chân" luôn. Chị Lý Thanh Hoài (đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Thuận, quận 7) hai ngày liền phải "bỏ xe chạy lấy người". Là phụ nữ sức yếu không có khả năng dắt xe đoạn đường bị ngập sâu 50cm, chị Hoài liền tấp vào một quán cà phê gửi xe rồi lội bộ đến chỗ khô ráo bắt xe ôm về nhà. "Triều lên đúng giờ tan sở, giờ đón con cái nên không thể tránh được, cứ húc nước mà đi thôi", chị Hoài cho biết. 

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế, người dân thành phố đã quá quen thuộc với mùa triều cường. Họ chấp nhận sống chung với nước, vì không còn cách nào khác. Một vài hộ mạnh dạn bán nhà đi nơi khác cao ráo hơn, số khác bỏ tiền nâng bậc thềm, nền nhà cao cả mét, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Đa phần dân sống bên dòng kênh đều buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ. Mặt khác, nhà của họ không đảm bảo kết cấu để sửa chữa. Nếu nâng thềm thì nhà thành hầm, nước tràn vào sẽ không có lối thoát. Hoặc nâng nền thì đầu người chạm mái tôn, nhìn căn nhà giống cái chuồng chim câu.

Học sinh đi học phải xắn quần lội bộ.

Chuyện xóm Bè

Được ở trên đất liền, có căn nhà cố định vẫn là may mắn và hạnh phúc. Đó là niềm ao ước, mơ tưởng của những con người ở xóm sông Bình Điền (dọc theo đường Rạch Cát Bến Lức ra bến đò Phú Định, phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Bao năm nay, mái nhà của họ nằm nổi bồng bềnh trên mặt nước, những đứa trẻ lớn lên chưa từng thấy cục đá, khóm cây. Vẫn biết là dân sông nước thì con nước lớn nước ròng là lẽ thường tình, chẳng khiến họ phải bận tâm.

Ngày thường, "nhà" của họ bị che khuất bởi đám lau sậy dày đặc, đi trên đường ít ai nhìn thấy. Ấy vậy mà mùa triều năm nay, nước mênh mông trắng trời đã đẩy những con bè trồi khỏi vùng kín, để lộ ra sự khó khăn của cuộc sống bần hàn. Hai bên cầu, nhiều vật dụng ngổn ngang. Dưới sông là rác ngập kín cả mặt nước từ khắp nơi tụ về, mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Nguyễn Văn Bé ngước khuôn mặt gầy trơ xương, nhăn nhúm lên nhắc nhở chúng tôi: "Mấy nay nước lớn ngập hết mấy thanh cầu dẫn lên bè, mấy cô cậu tới chơi chút về sớm kẻo sẩy chân té xuống nguy hiểm".

"Cầu" mà ông Bé nói chính là con đường độc đạo dẫn vào xóm bè. Mỗi lối vào chỉ có một thanh gỗ duy nhất. Vào mùa triều, nước lên cuốn trôi hết "cầu", người dân trên bè phải dùng lốp xe, thau chậu vận chuyển trẻ nhỏ qua lại.

"Mình sống ở đây lôi thôi lắm. Chuyện sinh hoạt không được thẩm mỹ cho lắm, mà con nước lên để lộ hết trơn, người đi đường nhìn vào là thấy, mình cũng ái ngại", ông Bé thật thà tâm sự.

Hơn 7 giờ tối, nước vẫn ngập sâu trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7).

Những đứa trẻ ở xóm Bè bao năm nay lặn ngụp với dòng nước đục trong. Chân tay chúng rất ít bị các loại bệnh ngoài da do nước. Hai thằng con của ông Bé đứa 12 tuổi, đứa 8 tuổi ngày nào cũng khua chân, sục tay vào nước mà không bị sao. Ông Bé cho biết, ngày mới về đây có đôi lần bị nổi mẩn đỏ ngứa, cho chúng ngâm vào nước muối ấm một hai lần là hết không cần đi bệnh viện. Mùa nước lớn, những gia đình sống trên bè sợ nhất là con cái sơ sẩy té xuống sông rất nguy hiểm.  Chị Lê Thị Tám (32 tuổi, quê Bến Tre) sống trên bè được hơn 5 năm và đã có 3 mặt con. Con nhỏ, chị Tám không đi làm được, chỉ ở nhà quanh quẩn mấy việc chăm con. Mọi gánh vác đều nhờ vào đồng tiền ít ỏi của anh chồng đi phụ xây dựng. Thời gian này ảnh hưởng của bão, rồi áp thấp, chồng thất nghiệp nên cả nhà ru rú lại một chỗ, ăn nay lo mai. Con bè của chị Tám đã cũ sờn, mục nát vì dầm mưa dãi nắng mấy chục năm. Chị Tám lo lắng, nếu nước lên cao quá, sóng đánh mạnh có thể làm vỡ vụn "ngôi nhà" duy nhất của gia đình. Chị chỉ mong cho qua mùa triều dâng, rồi cuộc sống lại trở về bình thường, con bè được trở về đúng vị trí của nó. Chứ bây giờ, bè nào bè đấy bồng bềnh, đung đưa va đập vào nhau choang choác. Nhà nọ giáp mặt nhà kia, đến cái đi vệ sinh cũng thấp thỏm, giật mình vì sợ "lộ hàng". 

Kể về hoàn cảnh bất cập mùa thủy triều, nhưng chị Tám không than trời trách đất, bởi đó là lẽ tự nhiên. Rồi chị chép miệng, thở dài: "Mấy nay nghe nhà đài nói về bão lũ miền Trung dữ quá, vợ chồng tôi xem mà xót xa chẳng đặng. Mình ở đây khổ nhưng không là gì cả. Nhà tôi thì nghèo, không có tiền ủng hộ nhưng có mấy tập sách cũ của xấp nhỏ còn dùng được nên định mai sẽ gửi cho người ta mang ra đó tặng các em nhỏ".

Việc triều cường dâng cao là nỗi ám ảnh của người dân TP Hồ ChíMinh nói chung và các khu vực có triều cường nói riêng. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ khuyến cáo mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh ở cấp độ 3. Đây là kỳ triều cao nhất trong năm, cần đề phòng khả năng triều cao kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt các vùng trũng, thấp.

Ngọc Thiện
.
.