Gian nan cõng chữ lên non

Thứ Hai, 02/10/2017, 18:08
Trồng người là công việc đòi hỏi nhiều hy sinh và nhẫn nại, đặc biệt với những người “cõng chữ” lên những thôn bản vùng cao lại càng đòi hỏi sự hy sinh gấp nhiều lần.


Câu chuyện của thầy Nguyễn Sỹ Hà, người đã có hơn 40 năm gian nan gieo chữ ở vùng cao, có lẽ sẽ giúp chúng ta thấy được một phần nào những sự gian khó, hy sinh của các thầy cô vùng cao.

Đi mòn dép mới đến nơi

Xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là vùng đất sâu hút giữa đại ngàn Trường Sơn, là một trong những xã khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Bình. Địa phương này có rất nhiều bản làng nằm sâu trong rừng, chưa có điện, đường đi lại vô cùng khó khăn. Đặc biệt cách đây 40 năm, khi giáo sinh Nguyễn Sỹ Hà vừa tốt nghiệp, xã vùng cao này còn heo hút hơn.

Năm 1979, Nguyễn Sỹ Hà tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm 10+2 Quảng Bình (nay là khoa Sư phạm Trường đại học Quảng Bình). Với hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, thầy Hà không chọn cho mình những điểm trường ở dưới xuôi, điều kiện thuận tiện hơn, mà quyết tâm “cõng” con chữ lên vùng cao xã Thượng Trạch, Quảng Bình, địa bàn sinh sống của đồng bào người dân tộc Ma-Coong.

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hà đánh kẻng gọi học sinh đầu năm học mới 2017-2018.

"Thời điểm mình chọn lên vùng cao, gia đình phản đối lắm. Thời đó ở đây xa xôi, hẻo lánh, phải đi bộ mấy ngày rừng mới lên đến nơi, đã lội bộ đến mòn dép, lên đến vùng cao lại bất đồng ngôn ngữ. Nói thật, lúc đó bản thân mình cũng ngán ngẩm và nhiều lúc muốn bỏ cuộc”, thầy Hà nhớ lại.

Trường PTCS Tân Thượng Trạch là ngôi trường đầu tiên trong sự nghiệp trồng người của thầy giáo Nguyễn Sỹ Hà. Tại ngôi trường này, thầy được giao nhiệm vụ xây dựng điểm trường và dạy học cho học sinh tại bản Ban, một bản làng hẻo lánh của đồng bào dân tộc Ma-Coong.

Những ngày đầu tới bản, thầy cùng các đồng nghiệp phải xin ở nhờ nhà dân, mượn nhà dân làm lớp học, rồi các thầy phải đến từng nhà, thậm chí vào tận trong rừng để tìm và vận động học sinh đến lớp.

Thầy Hŕ nhớ lại, có những lúc cňn không có cơm để ăn, nhớ nhà mà không thể về. Muốn về xuôi, thầy phải đi bộ ròng rã mấy ngày đêm liền. Hành trình băng rừng, lội suối với biết bao hiểm nguy rình rập nhiều lúc đã khiến đôi chân những người thầy miền xuôi chùn bước.

Thế nhưng, khó khăn không dừng ở đó. Bất đồng ngôn ngữ mới chính là trở ngại rất lớn mà những người thầy cắm bản như thầy Hà gặp phải. Thầy Hà cho biết phải mất gần một năm trời, thầy mới nghe, hiểu được tiếng của đồng bào. Việc khó khăn trong giao tiếp là rào cản trong việc thầy đi vận động con em trong bản đi học, và cũng là rào cản trong việc truyền tải con chữ cho học trò.

Nhưng tất cả những khó khăn gian khổ, những rào cản trở ngại đó đã không làm giảm được nhiệt huyết của người thầy giáo trẻ. Với tình yêu nghề, thầy Hà và các đồng nghiệp tại Trường PTCS Tân Thượng Trạch đã quyết tâm vượt lên. Biết bao gian nan thầy Hà đã trải qua, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành cũng chính nhờ con chữ, bài giảng của thầy. Để giờ đây, học sinh người dân tộc có thêm kiến thức để xây dựng bản làng, xây dựng quê hương, đất nước.

Thầy giáo đi xin áo

Ngoài việc nắn nót dạy cho đám trẻ vùng cao từng con chữ, phép tính, những ngày hè, các thầy giáo cắm bản thâm niên như thầy Hà còn đi xin các nhà hảo tâm ủng hộ quần áo mới cho các em học sinh nghèo nơi đây mỗi mùa tựu trường về.

Điểm trường bản Troi, nơi thầy Hà sẽ công tác trong năm học 2017-2018, là một trong những điểm của xã Thượng Trạch. Điểm trường này hiện có tất cả 17 học sinh và được chia làm 2 lớp ghép. Đối với học sinh nơi đây, cuộc sống các em luôn thiếu thốn, từ ăn mặc cho đến sách vở. Những cuốn sách cũ nhàu được sử dụng qua nhiều thế hệ học trò đã không phải là điều xa lạ.

Hình ảnh các em học sinh co ro trong chiếc áo mỏng khi đông về, những bộ quần áo cũ sờn mặc đi mặc lại và cả những đôi chân nhem nhuốc không giày dép là điều khiến thầy Hà luôn đau đáu trong lòng.

Với tình thương dành cho học trò, muốn các em có được những cuốn sách, tập vở mới, mong các em có được những chiếc áo lành lặn, ấm áp hơn trong mùa đông, thầy Hà cùng các giáo viên cắm bản tại xã Thượng Trạch nhiều năm qua đã không quản ngại khó khăn, vượt hàng trăm cây số để về đồng bằng, đi vận động, xin quần áo, sách vở cho học trò của mình.

Thầy và trò điểm trường bản Troi, Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch lao động đầu năm học mới.

Chính vì vậy, thầy Hà còn pha trò rằng mình có hai nghề, một là nghề giáo, còn nghề tay trái của thầy là “ăn xin”. Thật vậy, đối với thầy Hà và các thầy giáo của Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch, việc đi “ăn xin" từ lâu đã không còn là điều xa lạ. Để rồi sau những chuyến “ăn xin” đó, thầy lại gồng gánh “tay xách nách mang”, dùng xe máy cõng những bao tải quà, vượt rừng để mang niềm vui về với học sinh bản nghèo.

“Học sinh dân tộc thì mô cũng rứa, các em thiếu thốn nhiều. Nhìn các em không có quần áo mặc, không có dép để mang thương lắm, chưa nói những ngày mưa rét càng tội hơn. Thôi thì “cũ người mới ta”, ai có đồ cũ là mình xin hết, rồi đưa lên cho các em, nhìn các em vui, một người thầy như mình cũng vui theo”, thầy Hà nói.

Cũng chính vì lẽ đó, tình cảm của người thầy vùng cao và các em học sinh cũng như đồng bào dân tộc luôn vô cùng đặc biệt. Với những người thầy vẫn hằng ngày cõng con chữ lên vùng cao này, đi dân bản nhớ, ở dân bản thương, tình thầy trò cũng vì thế mà vô cùng thân thiết.

“Nhờ có thầy, bọn em mới được học cái chữ, được học làm người tốt. Thầy còn cho chúng em nhiều quần áo đẹp, giày dép và cả sách vở nữa. Thầy thương chúng em nhiều lắm, nên mỗi lần thầy về xuôi là bọn em lại nhớ, chỉ mong thầy sớm quay lại với bản để dạy chúng em học”, em Y Dụ, học sinh lớp 4, điểm trường bản Troi chia sẻ.

Bên gian bếp nhỏ tại điểm trường bản Troi, thầy Hà tự hào kể về sự thành công của những học trò: “Đồng bào dân tộc họ không như miền xuôi, mong muốn lớn nhất của người giáo viên cắm bản là các em được học cái chữ. Từ cái gốc đó mới có thể học lên, học nhiều kiến thức xây dựng quê hương thoát nghèo. Chứng kiến con em đồng bào thành công trong cuộc sống là điều vui nhất của những người thầy cắm bản như mình. Nhiều học sinh của mình giờ đang giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, tiêu biểu đó là anh Đinh Hợp, học trò của mình ngày xưa, giờ là Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch rồi”.

Như Thành
.
.