Chiến dịch chống thuốc ung thư giả ở Đức, Thuỵ Sĩ và Hungary

Chủ Nhật, 17/02/2019, 17:45
Cảnh sát Đức, Thuỵ Sĩ và Hungary đang phối hợp điều tra các Giám đốc điều hành công ty dược phẩm lớn ở châu Âu bị cáo buộc bán thuốc điều trị ung thư trong các bao bì thuốc giả mạo. Hiện chưa rõ liệu các loại thuốc này có khác biệt đáng kể so với thuốc ban đầu hay không.


Hôm 12-2, cảnh sát đã đột kích một loạt địa điểm đáng ngờ ở cả 3 nước Đức, Thuỵ Sĩ và Hungary sau khi phát hiện ra rằng một công ty thương mại dược phẩm của Đức đang bán thuốc giả. Cảnh sát Đức sau đó cũng ban lệnh truy nã Giám đốc điều hành 42 tuổi của chi nhánh công ty dược này ở Tây Nam nước Đức.

Trong khi đó, Hungary cũng đang điều tra một Giám đốc chi nhánh 37 tuổi của một công ty dược phẩm tại Hungary. Các nghi phạm và nhân chứng khác đã bị giam giữ trong các cuộc truy quét phối hợp của cảnh sát bang Brandenburg, Đức.

Thuốc giả đang tràn lan trên khắp thế giới. ảnh: Getty

Hãng tin DW dẫn lời phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát cho hay, theo lời khai ban đầu của Giám đốc điều hành 42 tuổi ở Đức, các thuốc gỉa điều trị ung thư này được phát tán ở châu Âu từ đầu năm 2018 và các công ty sản xuất thuốc gốc không tìm thấy sự khác biệt đáng kể so với thuốc giả. ban đầu.

"Một mối đe dọa sức khỏe cụ thể cho các bệnh nhân ở Brandenburg vẫn chưa được xác định", một quan chức Brandenburg nói. Cảnh sát cũng thu giữ nhiều tài liệu và dữ liệu điện tử trong quá trình điều tra; phát hiện thêm những hành động sai trái xảy ra tại một công ty bán buôn dược phẩm khác có trụ sở tại Brandenburg. Công ty bán buộc dược phẩm này chuyên phân phối các lô hàng điều trị ung thư ở Đức và châu Âu.

Cuộc điều tra diễn ra chỉ vài tháng sau khi một dược sĩ người Đức bị kết án 12 năm vì pha loãng thuốc trị ung thư và nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mới về tình trạng lan tràn thuốc giả điều trị ung thư ở lục địa già.

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Anh (BMJ), phần lớn lượng lớn thuốc chữa ung thư trên thị trường châu Âu không có tác dụng kéo dài tuổi thọ hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống. Cụ thể, 39/68 (57%) loại thuốc chống ung thư được chứng minh rằng không có tác dụng như quảng cáo mặc dù tất cả loại thuốc này đều được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép từ năm 2009 và phân phối rộng rãi trên thị trường.

Trong 5 năm đầu theo dõi (từ 2009-2013), BMJ ghi nhận rằng, chỉ 23/68 thuốc có tác dụng kéo dài sự sống bằng với công cụ đánh giá tiêu chuẩn. Nhưng chỉ có 11 loại thuốc trong số đó được đánh giá là có lợi ích về mặt lâm sàng, theo các học giả từ Đại học King's College London và Trường Kinh tế & Khoa học Chính trị London (LSE).

Vì thế, BMJ đã kêu gọi gọi EMA đưa thêm bằng chứng về việc cấp phép cho những loại thuốc mới này bán trên thị trường. Còn Tổ chức Nghiên cứu Ung thư ở Anh cho rằng nghiên cứu không phản ánh tình trạng thuốc ung thư ở Anh. 

Viện Y tế và Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia Anh (NICE) có nhiệm vụ xem xét tất cả loại thuốc ung thư mới trong vòng 90 ngày kể từ khi chúng được cấp phép sử dụng tại Anh. Sau khi đánh giá hiệu quả về lâm sàng và chi phí, NICE sẽ quyết định loại thuốc đó có nên được sử dụng rộng rãi trong Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) hay không.

Nhưng trên thực tế, hơn một nửa loại thuốc chữa ung thư được đưa ra thị trường ở Anh không có bằng chứng cho thấy có tác dụng với sức khỏe của bệnh nhân. Thậm chí, nhiều loại thuốc gián tiếp (thay thế) đắt tiền có lợi ích lâm sàng được phê duyệt sử dụng nhưng không đưa lại hiệu quả khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng, nguồn lực xã hội bị lãng phí và việc chăm sóc y tế bị suy giảm.

Cho đến nay, thuốc giả vẫn đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Từ châu Phi đến châu Âu, thuốc giả khiến khoảng 100.000 đến một triệu người chết mỗi năm… Một báo cáo gửi lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, Ấn Độ là trung tâm nhộn nhịp cho hoạt động sản xuất thuốc giả và thuốc kém chất lượng.

Ngành công nghiệp thuốc giả đang phát triển bùng nổ ở Ấn Độ với giá trị xuất khẩu lên đến 8,5 tỷ USD ở hầu hết các thị trường như châu Phi và các quốc gia Mỹ Latin. Và hơn 50% thuốc giả có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thuốc giả từ Trung Quốc thường được xuất khẩu theo hai đường: quá cảnh ở Hong Kong, sau đó được đóng thành kiện gửi đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Nam Mỹ; đường thứ hai của thuốc giả là trung chuyển sang Trung Đông, sau đó gửi theo từng lô đến châu Phi bằng đường biển hay đường hàng không.

Linh Oanh
.
.