Xét xử vụ tàu Hải Thành 26-BLC bị đâm chìm trên biển khiến 9 thuyền viên thiệt mạng

Thứ Tư, 09/01/2019, 16:10

Ngày 9-1, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo tăng hình phạt của các đại diện gia đình bị hại, giữ nguyên quyết định hình phạt tiền của bản án sơ thẩm, tuyên phạt Trần Kiên (34 tuổi, thuyền phó tàu Petrolimex 14) 700 triệu đồng, Nguyễn Xuân Sang (30 tuổi, thuyền viên tàu Petrolimex 14) 650 triệu đồng.


Riêng hai bị cáo nguyên là thuyền viên tàu Hải Thành 26 là Nguyễn Viết Thắng (47 tuổi) và Hoàng Tiến Khôi (28 tuổi), mỗi người bị phạt 300 triệu đồng. Cả bốn bị cáo đều bị truy tố và xét xử về tội “điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Các bị cáo tại toà

Về phần trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên hủy toàn bộ, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Trước đó, bản án sơ thẩm đã xác định xác định lỗi thuộc về trách nhiệm của 2 tàu, trong đó 70% lỗi thuộc về tàu Petrolimex và 30% lỗi thuộc về tàu Hải Thành 26-BLC.

Với mức độ lỗi trên, chủ tàu Petrolimex là Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco có trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 18 tỷ đồng cho chủ tàu Hải Thành 26-BLC. Ngoài ra, chủ tàu Petrolimex cũng phải bồi thường cho gia đình của 9 thuyền viên tử vong số tiền từ 130 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng.

Theo nhận định của HĐXX, trong vụ án này các bị cáo bị truy tố trong khung hình phạt có mức phạt tù và phạt tiền nên cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo hình phạt tiền thay vì phạt tù là đúng quy định. 

Ngoài ra, trong vụ án này, lỗi được xác định là lỗi hỗn hợp nên xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Về phần dân sự, theo HĐXX, quá trình điều tra và xét xử, cấp sơ thẩm chưa xác định công ty cho thuê tài chính BIDV hay công ty Phương Thịnh là nguyên đơn dân sự. Trong vụ án này công ty Vitaco được xác định lỗi 70% nhưng tòa cấp sơ thẩm tuyên công ty này bồi thường toàn bộ thiệt hại là trái quy định của pháp luật.

Trước phiên tòa sơ thẩm công ty Vitaco có bồi thường cho công ty Phương Thịnh số tiền 900 triệu đồng nhưng trong bản án sơ thẩm không cấn trừ. Ngoài ra, quá trình điều tra xét xử không đưa Công ty bảo hiểm Bảo Việt vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng...

Theo nội dung vụ án, ngày 23-3-2017, tàu Hải Thành 26-BLC chở 3.000 tấn clinker từ cảng Hải Phòng đi Cần Thơ, trên tàu có 11 thuyền viên do Nguyễn Viết Thắng làm thuyền trưởng. Trong đó, có 6/11 người không có trong danh sách thuyền viên và không có chứng chỉ chuyên môn. Khoảng 23h50 ngày 27-3-2017, Thắng bàn giao ca trực buồng lái cho Khôi là sĩ quan boong và thợ máy Ninh Văn Quỳnh đến buồng lái trực ca và điều khiển tàu từ 0h đến 4h ngày hôm sau.

Sau khi nhận ca trực, thợ máy Quỳnh lái tàu, Khôi làm nhiệm vụ cảnh giới thì phát hiện thấy 1 tàu (sau này được xác định là tàu Petrolimex 14) tiến gần về phía bên phải của tàu Hải Thành 26-BLC, khoảng cách 3-4 hải lý. Khôi đã sử dụng hệ thống thông tin liên lạc VHF gọi 5 lần để thông báo hướng đi, còn Quỳnh cầm đèn pin chạy ra mạn phải, chiếu vào tàu mục tiêu để ra hiệu tránh đâm va. Tuy nhiên, không có tín hiệu trả lời từ tàu này. Khi hai tàu đến gần nhau, có khả năng xảy ra đâm va cao thì Quỳnh bảo Khôi giảm ga để giảm tốc độ của tàu và điều khiển tàu qua bên trái. Tuy nhiên, tàu mục tiêu đã đâm thẳng vào mạn phải của tàu Hải Thành 26 khiến tàu này nghiêng qua trái và bị chìm cùng với toàn bộ thuyền viên và hàng hóa trên tàu.

Khôi và thuyền trưởng Thắng ôm được phao cứu hộ của tàu Hải Thành 26 nổi lên rồi phát tín hiệu cấp cứu. Đến 6h30 cùng ngày, cả hai được tàu Petrolimex 14 đến cứu.

Về phía tàu Petrolimex 14, qua điều tra xác định, khoảng 16h ngày 27-3-2017, tàu Petrolimex 14 do ông Phạm Văn Lộc (thuyền trưởng) điều khiển, trên tàu có 24 thuyền viên rời cảng Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh hành trình đi Quảng Ngãi. Đến 23h45 cùng ngày, thuyền phó 2 là Trần Kiên và thủy thủ Nguyễn Xuân Sang lên nhận bàn giao ca trực.

Sau khi nhận ca, Kiên chỉ đạo Sang cảnh giới, còn Kiên đi vào buồng hải đồ để làm phúc trình hàng hải. Một lúc sau, thấy có ánh đèn phía bên trái chiếu vào mặt ở khoảng cách gần nên Sang giật mình. Sang đến bàn điều khiển, chỉnh cho tàu chuyển sang chế độ lái tay và bẻ lái sang phải. Tuy nhiên, do tàu Hải Thành 26-BCL ở cự ly quá gần nên không tránh kịp và đã đâm thẳng vào. Hậu quả là 9 thuyền viên trên tàu Hải Thành 26-BCL đã tử vong.

Sau phiên toà sơ thẩm, bị đơn dân sự công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco kháng cáo yêu cầu xác định lại nguyên nhân chính của vụ tai nạn và nguyên đơn dân sự phải có một phần trách nhiệm bồi thường cho gia đình các bị hại.

Nguyên đơn dân sự là công ty TNHH thương mại và vận tải biển Phương Thịnh kháng cáo yêu cầu công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco bồi thường 36 tỷ đồng và phải tự chịu toàn bộ chi phí sửa chữa khắc phục Petrolimex 14. Trong khi đó, Công ty cho thuê tài chính BIDV (được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) kháng cáo yêu cầu công ty cổ phần vận tải xăng dầu Vitaco có trách nhiệm bồi thường 28 tỷ đồng.

Đại diện gia đình của 7 bị hại kháng cáo yêu cầu tăng số tiền bồi thường thiệt hại, tăng hình phạt đối với bị cáo Kiên và bị cáo Sang. Yêu cầu làm rõ vai trò trưởng tàu Petrolimex 14 và những người liên quan. Yêu cầu xác minh rõ lỗi cụ thể của công ty Vitaco và Phương Thịnh. Yêu cầu tiếp tục kê biên tàu Petrolimex 14 nhằm đảm bảo việc bồi thường.

Đến giữa tháng 8-2018, công ty bảo hiểm Bảo Việt có đơn xin tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự vì công ty Bảo Việt là chủ tài sản trên tàu Hải Thành.

A.Huy - Hồng Sơn
.
.