Nói không với việc giải quyết mâu thuẫn trái pháp luật

Thứ Hai, 18/11/2019, 10:08
Dùng giang hồ để giải quyết mâu thuẫn trong kinh doanh, vay mượn nợ là chuyện nổi lên ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây. Câu chuyện về cái chết của “trùm” giang hồ Mai Văn Quân (hay còn gọi là Quân “khùng”, Quân “xa lộ”) một lần nữa đã chứng minh cho một thực trạng rất đáng lo ngại này.


Biết thì đã muộn

 Từ lời khai của nhiều đối tượng thuộc các băng nhóm giang hồ bị Phòng CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ cho thấy, thời gian biểu của các thành phần này rất khác so với người bình thường, có việc làm ổn định.

Theo các điều tra viên thì các đối tượng đá gà, bài bạc, ghi đề và làm “cò” các loại thường “ngồi đồng” ở quán cà phê để chờ phi vụ làm ăn hoặc bàn bạc tụ tập tìm nơi sát phạt. Riêng các đối tượng ghi đề thì quán cà phê là nơi chi trả tiền trúng đề và ghi đề.

Vợ chồng Phước-Trang cùng băng nhóm đập phá nhà hàng bị bắt giữ, xử lý.

Sau khi tập hợp lại, các phơi đề sẽ chuyển cho tổng thầu thông qua điện thoại di động. Đến khi có kết quả xổ số kiến thiết, xem như kết thúc “ngày làm việc”. Hôm nào trúng mánh thì ăn nhậu, chơi bời đến nửa đêm; ngược lại thì quay về nhà đánh bạc online trực tuyến và lặp lại đúng chu kỳ cho ngày hôm sau.

Vì làm nghề bất chính, ăn chơi trác táng nên dù số tiền kiếm được mỗi ngày khá lớn nhưng các đối tượng này hầu như lúc nào cũng “cháy túi”. Nhất là khi đã vướng vào ma túy thì coi như chúng buông xuôi cuộc đời, liều mình như chẳng có và trở thành tay sai cho các bậc đàn anh, giang hồ cộm cán.

Có một thực tế khá đau lòng mà khi bị bắt giữ các đối tượng đàn em mới ngộ ra đó là sự liều mình của mình đã đặt không đúng chỗ. Trong vụ hàng chục giang hồ lăm le hung khí tấn công nhân viên, đập phá nhà hàng trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) được xác định là do mâu thuẫn trong việc thuê mặt bằng.

Chủ căn nhà này là vợ chồng Nguyễn Minh Phước - Hàn Hoàng Thùy Trang (cùng 29 tuổi) cho chị Đông thuê mặt bằng để mở nhà hàng.

Tuy nhiên, do xích mích với nhau, vợ chồng Phước đơn phương chấm dứt hợp đồng và ký kết cho người khác thuê mặt bằng nhưng chị Đông không chấp nhận trả lại nhà. Để dùng áp lực buộc chị Đông trả lại nhà, vợ chồng Phước thuê Nguyễn Trung Hậu (28 tuổi; ngụ quận 1) với giá 500 triệu đồng để thực hiện.

Hậu gọi cho chiến hữu của mình là Nguyễn Văn Hiền (tự Nhóc, 28 tuổi; ngụ quận 4), kêu tập hợp đàn em đến nhà hàng chị Đông đập phá. Hàng chục đối tượng côn đồ được Hiền rủ sang một quán nhậu ở quận 7 để chiêu đãi rồi nhờ anh em giúp mình vì đây là chỗ của người quen, sẽ gửi ít tiền cho anh em ăn nhậu khi hoàn thành công việc.

Khi bị bắt giữ, nhóm đàn em mới biết mình bị lừa vì họ không hề hay biết chuyện Hậu, Hiền nhận “hợp đồng” đến những 500 triệu đồng của vợ chồng Phước. “Nếu biết vậy em đã không làm” - một đối tượng trong nhóm đàn em khai với cơ quan điều tra.

Đừng tự mình chuốc họa vào thân

Sau khi vụ án giết Quân “xa lộ” xảy ra, Công an quận Thủ Đức và Phòng CSHS đã nhanh chóng bắt giữ các đối tượng cầm đầu và nhóm đàn em. Trước đó, Đội 2, Phòng CSHS (Công an TP Hồ Chí Minh) cũng đã ngăn chặn hai băng nhóm giang hồ hẹn thanh toán nhau tại khu vực ngã tư An Sương cách đây không lâu.

Với tang vật thu giữ gồm 1 khẩu súng rulo tự chế, 1 quả lựu đạn, 7 mã tấu, 15 ống tuýp sắt và 2 cây búa mà “hỗn chiến” diễn ra thì có lẽ sẽ “thảm khốc”. Thế nên, giải pháp phòng ngừa luôn được cơ quan Công an đặt lên hàng đầu là vậy.

Mỗi năm, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý hàng trăm băng nhóm tội phạm có tổ chức. Điều này được lý giải như là quy luật tất yếu của một đô thị lớn, hàng chục ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các vấn nạn khác như bài bạc, lô đề, cá độ bóng đá, ma túy… ngày càng diễn biến phức tạp, kéo theo một lượng lớn đối tượng hình sự mới phát sinh tại chỗ và từ khắp các tỉnh, thành khác đổ về.

Thực tế cho thấy, muốn hạn chế tối đa tội phạm có tổ chức gây nguy hại cho xã hội, cho người dân thì vấn đề chính là phải sớm phát hiện và ngăn chặn khi chúng mới manh nha, chưa tập hợp thành băng nhóm.

Với tính chất phức tạp của các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” nên đầu năm 2019, Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an các quận, huyện và các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các nhà hàng, vũ trường, các dịch vụ vui chơi công cộng…; quản lý chặt chẽ tạm trú, tạm vắng, không để hình thành cộng đồng người cư trú trái phép dẫn đến hoạt động vi phạm pháp luật.

Tập trung triệt phá các tổ chức tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng vũ khí “nóng”; tội phạm đâm thuê, chém mướn và đòi nợ thuê.

Về phía các đối tượng thuê mướn giang hồ để giải quyết mâu thuẫn thì họ tự biến mình từ nạn nhân trở thành tội phạm.

Vợ chồng Nguyễn Minh Phước- Hàn Hoàng Thùy Trang trong vụ đập phá nhà hàng ở quận 1; Võ Thùy Linh trong vụ Quân “xa lộ”… có cuộc sống sang giàu bỗng chốc trở thành tội phạm và đối diện với bản án thích án với hành vi mà mình đã gây ra. Qua đó, nhắc nhở mọi người rằng, phải sống và làm việc theo pháp luật, chớ có hành xử theo kiểu “luật rừng” vì như thế sẽ tự chuốc họa vào thân.

Mã Hải
.
.