Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:

Với nghệ thuật, quan trọng nhất là được làm điều mình muốn

Thứ Ba, 11/04/2017, 15:42
Nguyễn Quang Dũng được coi là đạo diễn tiên phong cho những xu hướng làm phim mới ở Việt Nam. Nhưng anh nói, anh không làm phim để chứng minh mình là một tài năng hay đi đầu một xu hướng. Bởi với Nguyễn Quang Dũng, làm phim là kể một câu chuyện mà anh cảm xúc và muốn kể.


- Khá lâu rồi, sau "Siêu nhân X" anh mới trở lại với một bộ phim bi, có sức nặng như "Dạ cổ hoài lang". Vì sao anh chọn lối đi khá mạo hiểm này trong thời buổi phim hài, ma đang chiếm lĩnh thị trường?

+ Hơn 10 năm trước, tôi đã nhiều lần đi xem vở kịch "Dạ cổ hoài lang" trên sân khấu 5B Võ Văn Tần, TP HCM. Đây là vở diễn mà càng xem, tôi càng ngấm, càng chiêm nghiệm được những cảm xúc, bài học triết lý về tuổi già, về sự cách biệt văn hóa, lối sống giữa các thế hệ người Việt.

Khi đến với nghề đạo diễn, tôi ấp ủ có một ngày làm phim chuyển thể từ tác phẩm này. Cách đây ba năm, tôi đã đem ý tưởng trao đổi với nhà sản xuất và tìm được sự đồng thuận, thế là tôi bắt tay vào làm. Tôi đã liên hệ nhiều lần với nghệ sĩ Thanh Hoàng trao đổi việc mua tác quyền chuyển thể vở kịch và rất vui khi anh đồng ý. Kịch bản và ''Dạ cổ hoài lang'' cho tôi nhiều cảm xúc, tôi thích sự đơn giản, bình dị gần gũi của câu chuyện đó.

- Chọn kịch bản chuyển thể từ một vở kịch được coi là kinh điển của sân khấu đương đại với những diễn viên tầm cỡ như Thành Lộc, Việt Anh, nên rất dễ bị so sánh. Anh chịu áp lực làm thế nào để phim thoát khỏi cái bóng của kịch?

+ Bây giờ tôi vẫn còn những ký ức đẹp của cảm xúc về vở kịch cũng như nhân vật mà các nghệ sỹ sân khấu thời kỳ đó đã in đậm. Chính vì thế tôi nghĩ phim và kịch cần phải khác như 2 góc nhìn khác nhau, 2 cách kể chuyện khác nhau. Điều đó nó thú vị cho người sáng tác và tôi cũng hy vọng điều đó truyền đến khán giả. Khi hiện nay kịch vẫn đang diễn, phim vẫn đang phát hành, khán giả có thể xem cả 2 là điều tôi mong muốn.

- Ở kịch, vai ông Tư gắn với nghệ sĩ Thành Lộc, còn vai ông Năm gắn với nghệ sĩ Việt Anh. Còn phim, anh chọn Hoài Linh và Chí Tài, những nhân vật đã quen với khán giả bằng các vai hài để đóng vai bi? Vì sao?

+ Anh Hoài Linh và anh Chí Tài có những năm tháng sống đất khách quê người, tôi nghĩ 2 anh đồng cảm được với nhân vật. Và thực chất với câu chuyện ''Dạ cổ hoài lang'' là cười ra nước mắt. Màu sắc bao trùm của phim là chất bi nhưng cũng như kịch, sẽ có những chi tiết nhỏ trong mối quan hệ của người già và người trẻ mang đến tiếng cười nhẹ nhàng. Nhưng có thể người ta vừa cười đó rồi lại khóc vì những chi tiết rất đời thường, mang nặng tình cảm gia đình, tình nghĩa sâu nặng giữa các mối quan hệ. Tôi đặt hy vọng anh Hoài Linh tạo nên nét riêng mới cho dạng vai bi, vai người già trên phim. Với ''Dạ cổ hoài lang'', anh vẫn có thể kéo được khán giả đến rạp như những phim hài giải trí mà anh từng tham gia.

- Nhưng xem phim vẫn có cảm giác hời hợt, anh chưa chạm tới được sự lưu lạc trong tâm hồn của những người xa xứ?

+ Mỗi người có mỗi cảm nhận khác nhau, tôi cũng không phải là người tài năng đến nỗi thuyết phục được tất cả. Nếu tôi thấy thiếu vắng gì đó thì tôi đã làm rồi. Với tôi những gì tôi tưởng tượng, cảm nhận từ kịch bản thì tôi đã làm ra bộ phim như thế. Tôi nghĩ đó là khả năng của mình, cảm nhận của mình.

- Nhiều ý kiến cho rằng, "Dạ cổ hoài lang" thiếu ngôn ngữ điện ảnh, nửa sân khấu, nửa điện ảnh. Anh nghĩ sao?

+ Tất cả các ý kiến khán giả tôi đều ghi nhận. Có cái tôi cảm nhận được, nhưng cũng có cái chưa. Có cái tôi biết trước, cũng có cái tôi bất ngờ. Tôi cũng thấy có vài điều nếu mình có điều kiện hơn, thời gian hơn, tài năng hơn thì chắc sẽ tốt hơn. Nhưng mình cũng không cố gồng những gì mình quá sức hay mình không có. Thật ra ngôn ngữ điện ảnh mỗi người có những quan niệm khác nhau. Quan trọng là người kể và người xem có đồng cảm với nhau được bao nhiêu phần.

Cảnh trong phim Dạ cổ hoài lang.

- Anh là một đạo diễn khôn ngoan, luôn biết tìm tòi đề tài và nắm bắt tốt các xu hướng của điện ảnh thế giới, tiên phong trong các thể loại phim ở Việt Nam, từ thể nghiệm dòng phim musical với "Nụ hôn thần chết" và "Những nụ hôn rực rỡ", rồi dòng phim chick-flick với "Mỹ nhân kế" và kịp thời với thể loại siêu anh hùng, "Siêu nhân X". Nhưng giới chuyên môn thấy thiếu vắng một cá tính điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng?

+ Tôi chưa bao giờ nghĩ làm phim là để chứng minh mình giỏi hay như thế nào với giới chuyên môn cả. Tôi chỉ nghĩ mình đang kể một câu chuyện mà mình cảm xúc và muốn kể theo cách của thời điểm đó mình có hứng và trong khả năng của mình, thế thôi. Hồi mới làm phim, tôi từng có ý nghĩ rằng, mình phải làm phim thế nào để kéo được khán giả đến rạp. Rồi sau đó, tôi đau đáu với câu hỏi: "Mình làm phim với mục đích gì". Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra, trong nghệ thuật được làm điều mình muốn là quan trọng nhất.

- Những thử nghiệm đó mang lại cho anh điều gì, kể cả những thất bại?

+ Nó cho ta những trải nghiệm và cả kinh nghiệm.

- Anh được coi là đạo diễn chịu chơi khi những bộ phim của anh chi phí rất lớn và doanh thu phòng vé cũng khủng (Mỹ nhân kế). Nhưng với "Dạ cổ hoài lang" thì chắc sẽ không. Anh có buồn không?

+ Khi một bộ phim doanh thu không cao thì buồn chứ, nhất là sự chia sẻ với nhà đầu tư, nhà sản xuất. Và điều đó làm cho chúng ta khó khăn hơn ở những dự án sau, khi ta thuyết phục các thể loại kiểu như vậy. Còn công bằng mà nói trong sự nghiệp không thể lúc nào cũng thành công, cũng như mình mong muốn. Có khi được cái này mất cái kia hoặc ngược lại. Nhiệm vụ của chúng tôi là làm, còn đón nhận như thế nào là của người xem.

- Một tín hiệu vui cho phim Việt là trong tháng 4 này, khá nhiều phim nghệ thuật ra rạp, sau "Dạ cổ hoài lang" có "Lô tô", "Cha cõng con", và sắp tới  là "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa". Vượt thoát khỏi các đề tài mua vui giải trí nghèo nàn để hướng tới những thân phận bên lề xã hội, đó là tín hiệu vui nhưng cũng là thách thức đối với các nhà làm phim trong bài toán doanh thu. Anh có quan điểm thế nào về vấn đề này?

+ Tôi nghĩ cũng không thể nói phim hài, hay bi, giải trí bình thường, hay gì gì đó... thì xu thế nào mới hay. Theo tôi một thị trường lành mạnh là cần đa dạng mới thú vị và cho cả nhiều đối tượng nữa. Lâu lâu ta xem phim bi thì thú vị chứ ngày nào cũng xem phim để khóc thì cũng không thể. Mà một thị trường toàn phim hài không thì cũng chán.

Nguyễn Quang Dũng là giám khảo của khá nhiều chương trình truyền hình thực tế.

- Sau "Dạ cổ hoài lang'', anh đã có dự định gì, liệu có phải là một thử nghiệm mới nữa không?

+ Tôi sẽ đạo diễn phiên bản Việt hóa phim Sunny của Hàn Quốc. Đây là dạng phim hồi ký, mang tính nghệ thuật cao. Mình chuyển thể thì chắc không hay bằng người ta, mà cũng khác nhiều bởi tác phẩm gốc đã quá xuất sắc rồi. Hiện nay ở nước ta, tôi thấy việc làm lại và chuyển thể phim là một xu hướng cần thiết. Chúng ta cần những câu chuyện mới để làm đa dạng hơn màu sắc, trong khi đó, nguồn kịch bản có sẵn từ nước ngoài nằm trong số các chất liệu chính.

Ngoài ra, tôi nghĩ, những sáng tạo của nghệ sĩ đã đạt tới đỉnh cao cần được tận thu. Như nghệ sĩ Thanh Hoàng, khi "Dạ cổ hoài lang" được chuyển thể sang kịch bản phim, anh cũng có một nguồn thu nhập khác từ phim chứ không chỉ sống bằng kịch. Chất liệu nằm ở các kịch bản chuyển thể khá phong phú và hay. Chúng ta cần phát huy điều đó bởi đó cũng là cách khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ.

- Mải mê với các dự án và làm giám khảo truyền hình, anh định sống độc thân đến bao giờ?

+ Đến khi nào có gia đình (Cười)

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

* Kịch "Dạ cổ hoài lang" kể về cuộc sống và nỗi niềm của hai ông già người Việt trên đất Mỹ công diễn lần đầu tiên trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Kịch do Công Ninh làm đạo diễn. Nghệ sĩ Việt Anh vào vai ông Năm, Thành Lộc đóng vai ông Tư. Hồng Vân - Quốc Thảo đóng vai nhân vật chàng trai, cô gái trẻ. Vở chỉ có bốn diễn viên nhưng thể hiện được trọn vẹn tâm tư, nỗi lòng người xa xứ. Vở diễn ăn khách vì ra mắt đúng giai đoạn nhiều Việt kiều đang muốn quay về quê hương. Tâm lý nỗi niềm của họ được diễn tả khiến vở tạo cơn "sốt vé", khán giả xếp hàng dài để đi xem kịch. Mỗi ngày, kịch diễn ba suất vẫn không đủ bán vé cho người xem. Vở cũng vài lần công diễn phía Bắc và gây tiếng vang.

Hơn 20 năm qua, ''Dạ cổ hoài lang'' có hơn 1.000 suất diễn, từng đoạt bốn huy chương vàng cho bốn diễn viên trong Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995. Nhiều thế hệ nghệ sĩ lần lượt thể hiện vai hai ông già trong kịch.

Năm 2014, đạo diễn Vũ Minh dàn dựng lại ''Dạ cổ hoài lang'' phiên bản mới cho sân khấu Idecaf và kịch tiếp tục tạo cơn sốt vé.

V. Hà (thực hiện)
.
.