Nước mắt "đời tranh"

Thứ Hai, 19/10/2015, 08:00
Tự nhận mình là họa sĩ đam mê trọn đời với hội họa, nhưng cuộc đời của Lý Ngọc Thành (SN 1941) luôn chìm ngập trong đói nghèo. Hơn 50 năm khoác áo họa sĩ, lão đã vẽ hàng nghìn bức tranh đủ thể loại, mà chẳng có mấy người mua. Cuối đời, lão phải sống dựa vào túi ve chai của vợ và những bữa cơm từ thiện.

1.Con hẻm nhỏ trên đường Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) tấp nập người qua lại nhưng không ai để ý đến tấm biển quảng cáo vẽ tranh của lão. Hình như nó chỉ có tác dụng chỉ đường cho người đưa cơm từ thiện đến nhà lão vào buổi trưa mỗi ngày. Mình trần chân đất, lão hì hục sơn chiếc cột gỗ để thay vào cái chòi phía sau cho thằng con. Vào nhà lão cứ tưởng là một vựa ve chai tối tăm ẩm ướt.

Không tìm đâu ra chỗ ngồi cho khách, lão ái ngại: "Thôi ngồi tạm ngoài này chứ ở trong tối lắm, muỗi nhiều". Xen giữa đống ve chai là những bức tranh ố vàng, cũ mục của lão. Đây chính là "tài sản" quý báu và giá trị nhất mà cả cuộc đời này lão trân quý, tự hào. Dù nghèo "rớt mồng tơi" nhưng đi đâu lão cũng ưỡn ngực xưng danh mình là họa sĩ. Quả thật, lão là họa sĩ được học hành bài bản và tốt nghiệp loại ưu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh).

Bức tranh Cụ Hồ vẽ mấy chục năm lão vẫn giữ trong nhà.

4 năm miệt mài học vẽ, lão ra trường với tấm bằng hạng ưu, bắt đầu theo đuổi khát vọng chinh phục đỉnh cao của nghệ thuật hội họa. Lão vẽ xong để đó, ai mua thì bán còn không lão cất hết vào trong tủ. Qua năm tháng, giờ gia tài của lão toàn tranh. Những bức vẽ nhàu nhĩ, rách bươm, rêu rợ bám xanh lè. Hơn 10 năm trước, tranh của lão còn bán lai rai có đồng ra đồng vào nuôi con.

Hơn 10 năm sau thì suýt "chết đói" vì tranh. Lão treo tấm bảng ở ngoài đầu hẻm ba năm rồi mà chưa có ai nhòm ngó. Lão cười nhăn nhó kể: "Ngày mới treo có một cô gái trẻ lại nhà hỏi tới hỏi lui, mặc cả chán chê rồi lặng lẽ quay ra. Sau ngày mở hàng ấy, tui ế thê thảm luôn. Vài hôm nữa tôi tính thay tấm biển khác, viết chữ mới lên đó xem có thay đổi chút nào không".

Mải miết theo hội họa, tuổi tứ tuần mà lão vẫn đi về lẻ bóng. Tuổi trẻ lão cũng quen nhiều cô, nhưng tất cả đều như gió thoảng qua. Chỉ có cô Điệp ở Hà Tiên (Kiên Giang) là mặn nồng hơn cả. Lẽ ra lão đã lấy cô Điệp rồi nhưng cô này không chịu về Sài Gòn với lão, mà lão thì không chịu cắp nón đi ở rể. Thế là thôi. Năm 49 tuổi, lão gặp Đào Thị Hương thua lão đúng 21 tuổi, con một người bạn bán hàng tạp hóa. Cha Hương mất, lão sốt sắng lao vào phụ việc ma chay. Thế rồi đứa cháu cảm tình luôn với ông chú, nắm được tình cảm của "cháu", lão quyết định dừng chân luôn. Gia đình nhà Hương không chịu vì chê lão nghèo, không có nghề ngỗng gì.

Lão tuyên bố: "Tôi nghèo vẫn có cái nhà chui ra chui vào, tôi có phải thằng đàn ông ăn chơi quậy phá đâu. Tôi không để vợ chết đói đâu mà sợ". Nghe lão nói như đinh đóng cột, mọi người dần nguôi ngoai. Cô Hương quý lão ở nghĩa khí hào hiệp, thương lão cục mịch, thật thà nên chấp nhận về làm vợ. Đám cưới tổ chức tại nhà gái, vì nhà bên đó rộng rãi hơn. Lão bán tống bán tháo mấy bức tranh được hơn trăm ngàn làm sính lễ rước dâu.

Ngoài vẽ tranh ra lão không làm việc gì cả, lão lý giải: "Đời tôi sinh ra để làm họa sĩ, bây giờ bắt tôi đi làm việc khác sao được". Vậy là lão ở tịt trong nhà dán mặt vào tranh. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, vợ lão nghỉ hẳn công việc trong xí nghiệp may mặc. Khi cái đói còn bám lưng thì một đứa nữa ra đời. Lão nhận việc chăm con để vợ bươn ra ngoài kiếm tiền. Bà Hương làm đủ thứ nghề để có tiền mua sữa cho con. Họa hoằn lắm mới bán được bức tranh, lão mừng không sao tả xiết. Lão kể: "Năm vừa rồi có mấy người ở đâu tới mua hai bức tranh cũ kỹ của tôi với giá 800 ngàn đồng. Đó là giá bán lớn nhất trong số các tranh vẽ của tôi từ trước đến nay".

Dù nghèo đói nhưng vợ chồng lão chưa bao giờ to tiếng với nhau.

Lão không hiểu tại sao mình không biết ăn chơi, quậy phá nhưng luôn nghèo kiết xác, lấy vợ về lão không thể lo ngày hai bữa ăn cho vợ. Lời tuyên bố hùng hồn ngày còn "cua" vợ, lão quên béng đi. Vỡ mộng làm giàu từ tranh của ông chồng họa sĩ, bà Hương an phận với nghề lượm ve chai nuôi cả gia đình. Con gái lớn 23 tuổi suốt ngày ngồi trong nhà thêu thùa, có ai cạy răng thì nó mới nói. Còn đứa con trai 21 tuổi chỉ thích nói chuyện và làm bạn với mèo. Hai đứa con "sớm nắng chiều mưa", như hai món nợ đè lên đầu vợ chồng người họa sĩ già. Lão nói mà thở hắt ra tiếng: "Chỉ mong có ai rước nó là tôi mừng. Nhưng nó không thích quen ai, cũng không giao du bên ngoài. Còn thằng út nếu nhà có chút tiền cũng kiếm đứa con dâu được rồi". 

2. Lão vẽ tranh theo trường phái cổ điển, mà lại vẽ theo sở thích chứ không quan tâm đến nhu cầu thị trường nên ngày càng ế ẩm. Với đôi tay khéo léo của mình, lão có thể vẽ được tất cả những gì liên quan đến hội họa, như: Tranh thêu, tranh quảng cáo, tranh trang trí… Nhiều khi buồn, lão kỳ cọ bút mực rồi hì hục vẽ, xong đóng gói chất một đống trong nhà ngoài hiên, dưới bếp. Nhà của lão nào là thiên la địa võng bao bọc, giây nhợ, vỏ lon, giẻ rách bày la liệt ngày này qua tháng khác, ẩm ướt và hôi hám.

Hai đứa con lớn, lão làm một chiếc chòi tôn trên mái bếp cho thằng con ngủ, một cái khác trên nóc nhà cho con gái. Vợ chồng lão nằm chung với mấy con mèo ở ngoài cửa để "canh" đống ve chai. Toàn bộ căn nhà lão chỉ dám dùng một bóng điện tròn, còn lại là đèn dầu. Bao nhiêu năm như thế, lão bắt vợ con phải nấu ăn bằng củi. Gian bếp nhà lão đen kịt bồ hóng, mùa mưa nước tù đọng thành vũng, ruồi muỗi như ong vỡ tổ. Sống giữa trung tâm thành phố, lão khẳng định gia đình lão thuộc hàng "quý hiếm" bởi nhiều thứ không ai sánh nổi. Riêng việc thắp đèn dầu và nấu ăn bằng củi là độc nhất.

Vợ lão đang là trụ cột chính trong gia đình thì một hôm về khuya chẳng may vấp phải nắp ống cống trước nhà ngã đập mặt xuống đất, bất tỉnh. Từ ngày vợ nằm một chỗ, lão cũng không biết phải làm sao kiếm cơm cho con ăn. May được một tổ chức từ thiện mỗi ngày cho ba hộp cơm, 4 người chia nhau ăn. May mắn, bà Hương khỏe lại, xách bao đi lượm ve chai. Ngày xưa bà thường đi vào ban đêm, nhằm lúc xe thu gom rác chưa tới bà lao vào bới trước, kiếm chai lọ, bịch bọc. Gom nửa tháng bán một lần được hơn trăm ngàn mua gạo dự trữ. Sau đói quá bà đi cả ban ngày, bỏ qua luôn cái sĩ diện có chồng là họa sĩ. Người quen nhìn thấy hay gọi vào cho đồ ăn, cho quần áo cũ hai đứa con mặc.

Riết mà quen, giờ bà Hương trở thành tay lượm ve chai chuyên nghiệp. Lão họa sĩ thì ngày một móm mém, già nua, răng đã rụng gần hết. Nhưng còn đôi mắt vẫn tinh anh và do không rượu bia thuốc lá nên tay chân lão vẫn cứng cáp trong việc vẽ tranh. Nhưng cũng chỉ vẽ để đấy, không có ai mua.

Bếp ăn đầy bồ hóng và ẩm ướt.

Từ ngày bà Hương đổ bệnh, người 'lúc mưa lúc nắng", gia đình lão sống bằng tiền trợ cấp hộ đặc biệt khó khăn 500 ngàn/tháng, ăn cơm bằng gạo từ thiện. Chính quyền địa phương xây cho lão căn nhà tình thương nhưng nay cũng rách xơ xác, mưa gió quật vào tơi tả. Cơn mưa nào to là cả nhà lão ngồi dấm dúi vào nhau trốn nước dột. Có thể khẳng định, lão là họa sĩ nghèo nhất trong giới họa sĩ và tranh của lão bán rẻ nhất trong số các bức tranh. Lão bảo, tranh của lão là đẹp nhất thời đại và lão luôn tự hào về những tác phẩm của mình. Do lão không có điều kiện triển lãm, lão tự ti về hoàn cảnh và mặc cảm về khâu ăn nói trước công chúng nên đời họa sĩ của lão mới thê thảm như thế và lão vui vẻ chấp nhận sự thiệt thòi trong cuộc đời này. 

Nhiều người khuyên lão bán mảnh đất đó ra ngoại thành mà mua một căn nhà tươm tất hơn, cho con cái mở mày mở mặt. Nhưng lão không nghe. Lão sống ở đây từ năm 19 tuổi, tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ rồi. Mọi buồn vui, đau khổ đều trải qua trên mảnh đất này, nên lão thề dù thế nào đi nữa, cũng không bao giờ bán mảnh đất của mình đi.

Ngọc Thiện
.
.