Người phụ nữ đơn thân và 10 năm làm việc "trần gian có một"

Thứ Bảy, 20/05/2017, 08:43
Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Thủy ở xóm 7, xã Thạch Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình và những lời xì xào, bàn tán của người đời để "sưởi ấm" những đứa trẻ bị bỏ rơi.


Từ thành phố Vinh, vượt hơn 100 cây số, tôi tìm tới xã Thạch Sơn để gặp người phụ nữ ấy. Sau khi chuẩn bị đồ đạc cho hai đứa con đến trường kịp giờ học buổi chiều, chị Thuỷ mới có thời gian tâm sự về việc làm của mình: "Ở đời, ai cũng mong ước có một mái nhà riêng, một tổ ấm hạnh phúc, mỗi người một số phận. Có lẽ ông trời đã sắp đặt cho tôi làm công việc này.

Chị cho biết thêm, là con út trong nhà, ở tuổi hai mươi khi chị nghĩ đến hạnh phúc riêng cho mình thì cũng là lúc mẹ già lâm trọng bệnh nên chị nhận trách nhiệm chăm sóc, đỡ đần cha mẹ lúc tuổi già mà chưa muốn nghĩ đến chuyện chồng con.

Cưu mang những cô gái lầm lỡ, trẻ em bị bỏ rơi

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, khi ngoảnh lại, chị đã ngoài 30 tuổi và quyết định ở vậy. Cơ duyên để chị thực hiện công việc "trần gian có một" đến với chị từ đó.

Ấy là một ngày cuối năm 2010, trong một lần đến bệnh viện thăm người bà con, chị Thuỷ tình cờ bắt gặp cô gái trẻ mặc đồng phục học sinh, một mình đang thập thò tại phòng khám thai.

Chị Thủy cùng 2 đứa con mình đang cưu mang.

Chị Thủy nhớ lại: "Nhìn vào khuôn mặt, cách ăn mặc và linh cảm của một người phụ nữ, tôi đoán rằng cô bé kia đã có thai và đó là hậu quả của tình yêu tuổi học trò nên tìm cách đi phá. Sau khi lại làm quen, được biết cô bé tên H., đang học lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn Nghệ An. H. trót dại mang thai với người yêu nhưng bị ruồng bỏ nên nói dối gia đình đi kiếm việc làm rồi vào viện phá thai".

Biết cái thai H. mang trong bụng đã hơn 5 tháng tuổi, chị Thuỷ can ngăn, động viên cô gái đừng bỏ đi giọt máu của mình mà mang tội. Sau đó, chị đưa cô bé bụng mang dạ chửa về nhà chăm sóc cho đến ngày sinh nở mẹ tròn con vuông.

Ngày H. sắp đến kỳ ở cữ, chị Thủy nhẹ nhàng khuyên H. nên báo với gia đình bởi chưa làm mẹ nhưng chị hiểu cuộc vượt cạn, nhất là đối với đứa trẻ mới lớn như H. sẽ không dễ dàng gì. Hay tin, bố mẹ H. lập tức tìm đến, thấy con gái bụng chửa vượt mặt thì hiểu mọi chuyện, cũng không nỡ trách mắng con.

Hai năm sau, một lần nữa chị Thủy lại gặp và cưu mang thêm cô sinh viên tên M. đang theo học ngoài Hà Nội nhưng lỡ mang bầu nên phải bỏ học giữa chừng về quê. Cũng như H., cô sinh viên M. được chị Thuỷ tìm cách động viên, chia sẻ và khuyên bảo đừng bỏ đi đứa trẻ rồi đưa về nhà mình ở để chờ ngày sinh nở.

Khi M. sắp đến ngày sinh thì một cặp vợ chồng trong làng đi đánh cá, vớt được hộp xốp có đứa trẻ ở trong, thấy đứa trẻ vẫn khỏe mạnh nên mang đến cho chị Thủy. Chị Thủy đặt tên con bé là Hoài Thu lấy theo họ của chị.

Ít ngày sau thì M. cũng lâm bồn, sinh một cậu con trai. Sữa của M. không đủ nuôi cả 2 đứa trẻ, hàng xóm làng giềng góp người dăm chục, người hộp sữa, người bộ quần áo để chị Thủy cùng M. nuôi con.

Khi thằng bé tròn 1 tháng thì M. xin phép để lại nhờ chị Thủy nuôi để đi làm công nhân. Bé trai được khai sinh với cái tên Nguyễn Trần An, ghép cả họ chị Thủy lẫn họ của mẹ đẻ. "Sau đó thì M. cũng quay lại thăm nuôi con. Đợt lấy chồng, cả hai vợ chồng cũng về thăm thằng bé, đó là lần cuối cùng M. gặp con", chị Thủy tâm sự.

Người mẹ đơn thân bên ngôi nhà xuống cấp.

Chị đưa những cô gái về nhà cho ăn ở mà chẳng hề tính toán thiệt hơn. Tại đây, chị chấp nhận bỏ ngoài tai những lời thị phi của hàng xóm và phiền toái cho chính bản thân mình để cưu mang họ. Chị luôn tâm niệm: "Cứu được một người phúc đẳng hà sa".

Sau khi sinh "mẹ tròn, con vuông", chị lại tìm cách liên lạc với gia đình và người yêu của cô gái và khuyên nhủ họ. Nhờ vậy, có không ít đôi đã hàn gắn lại  và nên vợ nên chồng.

Đó là một đôi ở xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn. Năm 2009, cô gái trẻ tên L. làm công nhân tại một công ty ở Anh Sơn. Làm ở đây được 1,5 tháng thì L. mang bầu và phải nghỉ làm. Vì gia đình nhà người yêu giàu có, nhà L. lại nghèo nên khi biết chuyện họ yêu nhau, gia đình chàng trai kiên quyết phản đối.

Có lúc, L. đã tính đến chuyện tự vẫn nhưng được mẹ ruột can ngăn kịp thời và đưa xuống bệnh viện tính chuyện phá thai. Biết chuyện, chị lập tức tìm đến khuyên răn và nhận đưa cô gái về nhà chăm sóc, chờ ngày sinh nở.

May sao, người con trai yêu L. lúc đó đang làm việc ở nước Nga biết chuyện người yêu đang mang giọt máu của mình đã gọi về cho gia đình đến đón cô gái về. Khi L. gần đến ngày sinh nở, bố mẹ người yêu đã đến nhà chị Thủy xin đón cô về và tổ chức đám cưới mà vắng mặt chú rể.

Một năm sau, "chồng" L. từ nước Nga xa xôi có dịp về thăm nhà, họ tổ chức đám cưới lại trong niềm hân hoan của gia đình hai bên. Hiện giờ con gái của họ đã được 7 tuổi. Thi thoảng, cô gái ấy vẫn đưa con về nhà chị Thủy chơi để tạ ơn ân nhân đã cho cô cuộc sống thứ hai và một mái ấm hạnh phúc.

Niềm vui của chị Thủy là đã khuyên răn được những cô gái trẻ từ bỏ ý định nạo phá thai. Thời gian đầu, thấy chị đón những cô gái bụng mang dạ chửa và hai đứa trẻ về nuôi, người thân, nhất là anh trai chị đã kịch liệt phản đối, nhưng rồi ai cũng thương những đứa trẻ vô tội và dần dà đã hiểu và cảm thông trước việc làm của chị. Từ đó, người dân xung quanh, người  cho gạo, người cho bộ quần áo động viên giúp chị có thêm động lực nuôi hai đứa trẻ.

May sao, ông trời cũng thương tình cho chị có được sức khỏe. Để có tiền nuôi hai đứa con thơ ăn học, chị Thủy nuôi thêm 2 con lợn nái và khi có thời gian, chị còn tranh thủ đi nhặt ve chai.

Nói về việc làm của người con gái út, ông Nguyễn Văn Chế, SN 1940, bố chị Thủy bộc bạch: "Khi thấy con gái dẫn mấy người mang bầu về chăm, tôi lo lắm. Tôi không lo thiếu ăn hay tốn tiền mà chỉ sợ lỡ xảy ra chuyện gì thì mình lại mang tội. Về sau thấy con kiên quyết với việc mình làm, tôi chỉ biết âm thầm ủng hộ. Điều tuyệt vời nhất của gia đình tôi đến nay là có hai đứa cháu xinh xắn, ngoan ngoãn".

Xây nghĩa trang cho hài nhi xấu số

Đưa tôi ra nghĩa trang - nơi yên nghỉ của hàng trăm sinh linh xấu số chưa một lần được cất tiếng khóc chào đời, chị Thủy bùi ngùi nhớ lại: Năm 2007, một lần chị xuống Bệnh viện Đô Lương, thấy cảnh người ta nạo hút thai và nhận thấy đây là một việc làm trái lương tâm và thương những sinh linh vô tội bị bỏ rơi, không được chôn cất tử tế nên chị đã quyết định "sưởi ấm" tâm hồn của những hài nhi bất hạnh. "Thai nhi cũng là con người, phải làm điều gì đó để an ủi cho những linh hồn xấu số", chị Thủy tự nhủ.

Thực hiện công việc "trần gian có một", chị trực tiếp vào những nơi tập kết rác thải y tế tại các bệnh viện để tìm xác những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi, đặt vấn đề xin những hài nhi sau khi bị nạo hút thai để về chôn cất. Ban đầu, các bác sỹ bệnh viện vẫn còn hoài nghi nhưng rồi nhận ra việc làm cao đẹp của chị, họ đã bằng lòng.

Có những ngày, chị nhặt được từ 8-10 hài nhi. Mỗi trường hợp như vậy chị thường đưa về nghĩa trang khâm liệm rồi chôn cất tử tế. Với những  hài nhi ít tuần tuổi, chị cho vào những bát hương hay bình nhựa rồi bịt kín, đổ bê tông xung quanh trước khi chôn cất.

Không ít những hài nhi khi bị phá thai còn nguyên hình hài, chị Thủy nhặt về tắm rửa, khâm liệm như người bình thường, sau đó mua tiểu sành rồi mang ra nghĩa trang chôn cất. Chị Trần Thị Lương, SN 1978 hàng xóm của chị Thủy cho biết: "Từ khi biết việc làm của chị Thủy, tôi ở gần nhà nên thường sang giúp chị khâm liệm và chôn cất các cháu bé".

Cứ thế nhiều năm qua, không kể đêm hay ngày, nắng hay mưa, hễ có người gọi là chị Thủy lại xuôi ngược tới các bệnh viện, phòng khám trong vùng để đưa xác thai nhi về nghĩa trang chôn cất. Dần dà, khu vực chôn cất những hài nhi xấu số diện tích ngày một lớn thêm.

Hai đứa trẻ chị Thủy cưu mang được gia đình, làng xóm đùm bọc, chăm sóc.

Biết việc làm của chị, anh em họ hàng và một Mạnh Thường Quân đã ủng hộ bê tông, ngày công để xây dựng một khu chôn cất hài nhi riêng ngay trong khuôn viên lăng mộ họ tộc của nhà chị Thủy. Chị nhẩm tính đến nay nơi này đã là nơi yên nghỉ của hơn 200 hài nhi xấu số.

"Điều chị mong mỏi nhất là chấm dứt được thực trạng nạo phá thai, đặc biệt là trong giới trẻ", chị Thủy tâm sự. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: Việc làm của chị Nguyễn Thị Thuỷ nhận nuôi các trẻ mồ côi và giúp đỡ nhiều cô gái trẻ lỡ dại mang bầu qua kỳ sinh nở là chính quyền xã cũng đã nắm bắt được. Đây là một việc làm tốt và đầy tính nhân văn của chị nhưng vì điều kiện kinh phí địa phương hạn hẹp nên cũng không hỗ trợ vật chất được mà chỉ động viên tinh thần.

Thạch Văn
.
.