Người bản Cheng kể chuyện vị vua yêu nước Hàm Nghi

Thứ Năm, 15/06/2017, 14:58
Chuyện vua Hàm Nghi trên đường bôn tẩu sau thất bại chống lại giặc Pháp năm 1885 tại kinh thành Huế, qua nhiều nơi như Tân Sở - Quảng Trị, Tuyên Hóa-Quảng Bình, đã để lại rất nhiều dấu ấn trong lòng người dân yêu nước bấy giờ. Qua hơn 132 năm, người dân bản Cheng, xã Hướng Phùng, huyện rẻo cao Hướng Hóa- Quảng Trị (nơi vị vua yêu nước từng đến và ở lại nhiều ngày) vẫn còn truyền tai nhau nhiều câu chuyện thú vị về nhà vua.


Từ Tân Sở qua Tá Linh sơn đến rẻo cao Cheng

Sau cuộc tấn công giặc Pháp thất bại năm 1885 tại kinh thành Huế, vua Hàm Nghi được Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết cùng các quan đại thần phái chủ chiến hộ giá ra thành Tân Sở, một khu căn cứ được phái chủ chiến xây dựng trước đó nhiều năm, phòng khi nhà vua phải bôn tẩu cứu nước, tại vùng Cùa với nhiều núi non hiểm trở bao quanh (nay thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

Sau khi ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân cùng đứng lên chống lại giặc Pháp xâm lược, vua Hàm Nghi cùng các quan đại thần đã quyết định rời Tân Sở, tiếp tục lên đường lập nên nhiều căn cứ chống Pháp.

Ông Hồ Trung Xanh (giữa) kể lại giây phút người dân bản biết tin vua Hàm Nghi và đoàn phò giá đến bản.

Theo sử liệu, đoàn của nhà vua đi theo lối nhỏ giữa rừng già thâm u, trùng điệp núi non từ Tân Sở ra phía Bắc tới chân một đồi cao cách đó khoảng 30 cây số (ngày nay gọi là chân đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị).

Từ đây đoàn ngược lên phía Tây, cũng theo lối nhỏ băng qua nhiều rừng rậm và núi cao. Sau nhiều ngày đêm gian khổ, đoàn phát hiện một thung lũng với cây cối trù mật, đất đai màu mỡ, nằm ngay dưới chân một ngọn núi cao chót vót, ước chừng gần 2.000 mét so với mặt nước biển. Đoàn quyết định chọn nơi này làm điểm dừng chân thứ 2 (sau thành Tân Sở) và dựng lán trại nghỉ ngơi ngay trong đêm.

Theo các già làng, trưởng bản ở các xã rẻo cao Hướng Linh, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), từ xa xưa, ngọn núi trên được người đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây đặt tên là núi Voi Mẹp. Bởi đỉnh núi có hình như một con voi đang mẹp suối với hai chân trước quỳ xuống, đầu và vòi nhô lên cao quay về hướng Đông.

Sau này Voi Mẹp được kể với rất nhiều câu chuyện li kì, tựu trung là chuyện vua Hàm nghi có đến, ở lại nhiều ngày rồi cùng với đoàn phò giá khai hoang đất đai phát triển sản xuất, xây dựng nên các vườn tược, trồng các loại cây ăn quả lâu năm, xung quanh được đào giao thông hào và dựng hàng rào để ngăn chặn việc giặc Pháp có thể phát hiện, xâm nhập.

Voi Mẹp từ đó trở nên linh thiêng, đẹp đẽ hơn bởi tình cảm con người với thiên nhiên gắn bó, các muông thú lần lượt tìm về, sinh sống lâu dài, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm như voi, hổ, bò tót…

Bởi một kỳ tích như vậy nên Voi Mẹp từ đó còn có tên gọi Tá Linh sơn, nghĩa là ngọn núi linh thiêng, nhiều tình cảm. Ngày nay, nói về Tá Linh sơn, trong dân gian các vùng rẻo cao này vẫn truyền tai nhau những câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai. Như chuyện cọp đen, voi trắng, vườn thiêng với nhiều hoa thơm quả lạ trên đỉnh Voi Mẹp. Rồi lưng chừng núi thì có các hang sâu bí ẩn chứa đựng nhiều báu vật của nhà vua lúc bôn tẩu, trú tránh để ra lời kêu gọi ái quốc.

Tá Linh sơn nơi ngày nay vẫn còn lưu giữ những câu chuyện huyền bí về vua Hàm Nghi.

Kể chuyện vị vua yêu nước Hàm Nghi

Nghe tôi hỏi chuyện vua Hàm Nghi trên đường bôn tẩu từng ở lại bản Cheng, Phó chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý (phụ trách mảng văn hóa, xã hội, có tuổi đời sau vua Hàm Nghi gần tới cả trăm năm) đã rất hồ hởi kể về vị vua yêu nước này với những câu chuyện được người dân nơi đây kể lại từ đời này sang đời khác một cách am tường.

Trong câu chuyện của anh, bên cạnh chiếc áo bào, mâm cơm nhà vua tặng người dân, còn có nhiều câu chuyện thú vị khác. Tuy nhiên, để khách được tường tận hơn, anh đã giới thiệu và dẫn tôi đi gặp nguyên Chủ tịch xã Hướng Phùng Hồ Trung Xanh, có nhà ở cuối bản Cheng.

Ông Xanh làm chủ tịch xã những năm 80 của thế kỷ 19, nay đã xấp xỉ 90 tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn rất minh mẫn. Vừa nghe tôi trình bày, đôi mắt ông đã trở nên sáng long lanh, rồi ông kể một mạch chuyện vua Hàm Nghi cách đây hơn 130 năm từng đi ngang qua đây và ở lại bản làng này.

"Ông nội tôi kể lại, vào một ngày trời nắng như chảo rang, bỗng xuất hiện từ xa xa hướng chân núi Voi Mẹp một đoàn người khá đông với kiệu, dù đi xếp thành hàng dài tiến về phía bản.

Một góc bản Cheng trù mật hôm nay.

Vì không hiểu chuyện gì nên lúc họ tới gần bản, nhà nào cũng đóng kín cửa, ngồi bên trong quan sát. Rồi từ trong đoàn người, có một người đàn ông trung niên với thân hình vạm vỡ, gươm đeo sát bên hông, tiến vào gõ cửa ngôi nhà của ông Hồ Chưa ở ngay đầu bản.

Sau một lúc hai người hỏi han nhau, ông Chưa vội bước ra khỏi nhà với gương mặt rạng rỡ, rồi nói to lên với bà con "Vua của chúng ta đã đến đây, mọi người mau ra đón tiếp!". Cả bản lúc đó bỗng mở toang cửa ngỏ, chạy ùa ra, reo hò, vui mừng đón nhà vua".

Ông Xanh nhấp một ngụm chè xanh đặc quánh rồi thong thả kể tiếp: "Theo ông nội tôi thì vua Hàm Nghi và đoàn phò giá đã ở lại đây hơn một tuần lễ trước lúc vòng qua Châu mường Mahasay và đi tiếp đến núi Ấu ở Hương Khê, Hà Tĩnh.

Trong suốt hơn một tuần lễ đó, nhà vua thích ăn mặc như dân thường, cũng xắn tay áo, ống quần lao động cuốc đất, trồng cây như mọi người dân khác trong bản, mặc dù các quan đại thần đã hết lời can ngăn để cho nhà vua được nghỉ ngơi nhưng ông nhất quyết không chịu.

Vua lúc đó trông chỉ nhỉnh hơn một cậu thiếu niên nhưng phong thái của ông hơn hẳn những người bình thường, với vầng trán cao, đôi mắt sáng, lời ăn tiếng nói rất đĩnh đạc.

"Nước mất, ta không còn là vua nhưng ta muốn làm mọi cách, kể cả hy sinh mạng sống để cứu người dân mình khỏi nô lệ cho giặc Pháp. Nay ta khổ cực bôn tẩu đến đây cũng chỉ vì điều đó. Ta mong mọi người cùng nhau đoàn kết một lòng đứng lên, bao bọc yêu thương lẫn nhau, góp sức, góp trí chống lại lũ giặc Pháp xâm lăng, tàn ác, đã đô hộ dân tộc chúng ta, đất nước chúng ta hàng chục năm qua, giành lại đất nước chúng ta vốn độc lập, tự do như ông cha ta ngày trước đã xây dựng, giữ gìn". Vua Hàm Nghi đã nói như vậy với người dân bản Cheng ngay khi nhà vua vừa đặt chân đến đây.

Hình ảnh về ông lưu lại trong lòng người dân bản nối tiếp qua từng thế hệ, là tình cảm thiêng liêng cùng những kỷ niệm đẹp đẽ không thể nào quên về một vị vua yêu nước".

Ông Xanh có thể kể mãi chuyện vua Hàm Nghi mà không biết chán nhưng theo Phó chủ tịch xã Hồ Văn Quý, chúng tôi phải chia tay ông, tìm gặp già làng Hồ Văn Liệc của bản Cheng để hiểu thêm về những nghĩa cử, hoạt động tri ân của người dân đối với nhà vua từ hơn 130 năm.

Con đường đến ngôi nhà sàn của già làng Liệc quay trở lại đoạn giữa bản rồi rẽ theo một nhánh nhỏ cheo leo bên sườn núi đi tít lên phía Tây giáp với bản Cheng của nước bạn Lào.

Già làng Hồ Văn Liệc (trái) kể về tình cảm của người dân bản Cheng đối với vị vua yêu nước Hàm Nghi.

Khi chúng tôi đến, già Liệc đang chỉ đạo nhóm thợ xây dựng nhà cho con trai út Hồ Văn Lương. Già dẫn chúng tôi vào ngôi nhà sàn của già với các bức tường đều chi chít bằng khen, giấy khen do có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn ANTT, giúp đỡ bà con dân bản áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình trồng lúa nước, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp.

Hỏi chuyện nghĩa cử, tình cảm của người dân đối với vị vua yêu nước Hàm Nghi, già Liệc cho biết: "Tuổi đời của những người già nhất ở bản chúng tôi còn sống hôm nay cũng ít hơn so với lúc vua Hàm Nghi đến cả vài chục năm đến nửa thế kỷ. Vậy nên tất cả những gì người dân ở đây biết về nhà vua là qua những câu chuyện được kể lại, ghi nhớ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và, xuất phát từ những tình cảm đặc biệt được lưu giữ lại ấy, hàng năm, người dân bản Cheng chúng tôi đều lấy ngày nhà vua đến 25-8 làm ngày thi đua học tập, khen thưởng cho con em mình. Vào ngày này, tại nhà văn hóa truyền thống của bản, già làng có nhiệm vụ thay mặt những cao niên trong bản, kể cho bà con những câu chuyện về nhà vua. Trong đó, chuyện tình cảm của ông đối với người dân được kể mãi. Bên cạnh đó, vào ngày trước lúc vua mất một ngày (3-1), dân bản đều tổ chức cúng kỵ nhằm tưởng nhớ, tri ân tình cảm của ông".

Phó chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho hay, không chỉ ở bản Cheng mà sau này, 15 thôn bản của xã, nơi hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô và Vân Kiều sinh sống, những câu chuyện về vị vua yêu nước Hàm Nghi đã thường xuyên được truyền tai nhau, giữ gìn, dựng xây, phát triển nên một tinh thần yêu nước rất nồng nàn, quật khởi của người dân.

Không chỉ lời nói của Phó chủ tịch Quý, trên các bản làng rẻo cao xa xôi này, dường như ở đâu chúng tôi đặt chân đến đều cảm nhận được rất rõ sức sống truyền cảm của nhà vua.

Và, dẫu thời gian có làm phai nhạt đi nhiều thứ, những dấu vết, kỷ vật của vua Hàm Nghi ở chốn thâm sơn cùng cốc này hay ở nhiều nơi khác có thể vĩnh viễn không còn tìm thấy nhưng tinh thần yêu nước của ông thì sống mãi với thời gian.

Phan Thanh Bình
.
.