Khóc cười "chợ online"

Thứ Hai, 05/10/2020, 12:02
Hiện nay, mạng xã hội được xem là một "khu chợ" đa năng, mà ở đó, nhà nhà, người người nô nức bán hàng. Đây là phương thức kinh doanh tuyệt chiêu thời 4.0. Tuy nhiên, phía sau thế giới hàng hóa online vẫn còn nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt".


Chấp nhận mất bạn để bán hàng

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng du lịch, Nguyễn Thị Thanh T. (25 tuổi, Bình Thuận) về làm việc cho một công ty lữ hành ở quận 3 (TP. Hồ Chí Minh). Với vai trò là hướng dẫn viên du lịch, T. có cơ hội đi đây đó và thỉnh thoảng xuất ngoại được vài nước. Có kinh nghiệm, mối quan hệ cùng chút ít nhan sắc, T. mạnh dạn ứng thí trong cuộc thi người đẹp cấp khu vực và vinh dự "giật" được giải duyên dáng.

Lận lưng được chút danh hiệu, T. mở mày, mở mặt với thiên hạ, gia đình, chòm xóm, quê hương. Đi đâu T. cũng ưỡn ngực tự giới thiệu về bản thân với vẻ hào nhoáng và đầy tự tin.

Vô số kiểu quảng cáo hấp dẫn trên "chợ online"

Dịch bệnh COVID - 19 ập về, ngành du lịch điêu đứng, nhiều công ty tạm đóng cửa. Hướng dẫn viên như T. phải nghỉ không lương và bỏ ngỏ ngày đi làm trở lại.

Cuộc sống lao đao, nhưng vì sĩ diện mà T. không dám về quê ăn bám cha mẹ. T. cố bám trụ ở thành phố, sống lay lắt tìm cách vực dậy bản thân. Móc nối các mối quan hệ xã hội, T. kiếm được nguồn mỹ phẩm giá rẻ. Vậy là, ánh sáng lóe lên trong đầu T. Cô lập tức xây dựng hình ảnh của mình thật lộng lẫy và hào nhoáng trên facebook. Tăng cường khoe sắc đẹp qua làn da, ánh mắt, bờ môi và không quên đính kèm sản phẩm trắng da bên cạnh.

Tỉ lệ tương tác với T. khá cao, chủ yếu là bạn bè đã quen biết từ trước cùng các mối quan hệ công việc trên khắp cả nước, thậm chí ra tới nước ngoài.

Sắc đẹp thật của T. ở ngoài đời cũng thuộc hàng tương đối, khi lên ảnh được mài dũa, bôi trát thêm các lớp phấn son thì càng rực rỡ. T. bắt đầu có nguồn thu từ việc bán mỹ phẩm online. Ban đầu là bạn bè mua ủng hộ, sau đó lan rộng ra các tầng lớp khác.

Thu nhập của T. không ngừng tăng lên, cô phải thuê người đóng gói, thuê người giao hàng. Thấy mình buôn bán cũng "mát tay", T. có ý định mở hẳn công ty mỹ phẩm và từ bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Kem tắm trắng toàn thân của T. bán cho bạn bè sau thời gian sử dụng, người bị dị ứng nổi mề đay, người rụng hết lông, người sưng phù mặt... Nặng nhất lại là cô em gái của T., mới tắm trắng đến lần thứ 3 thì bị tróc lở hết người, một số vùng nhạy cảm còn bị mưng mủ.

Khách hàng dồn dập phản hồi với sự lo lắng và tức giận. Họ bắt T. phải chịu trách nhiệm. Toàn là người thân quen, T. năn nỉ khóc lóc xin họ bỏ qua và bình tĩnh khắc phục. May mắn sau khi đi bệnh viện thăm khám, lấy thuốc uống thì tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng do tắm trắng đều khỏi.

Một chủ bán hàng online bị người mua túm tóc đánh vì gian dối.

Từ đó, họ cũng cạch mặt T. luôn. Nhiều người còn hủy kết bạn, chặn điện thoại không bao giờ quan hệ với T. nữa. Cô bạn thân nhất của T. không kiềm chế được đã lên mạng xã hội bêu rếu, nói xấu T. thậm tệ.

Một lần mất tín, vạn lần mất tin. Tuy không hao hụt về tiền bạc nhưng T. đã mất bạn bè, mất uy tín, danh dự không thể nào lấy lại được. T. quay sang bắt đền nhà cung cấp, cô dọa sẽ đâm đơn kiện vì bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc dẫn đến gây nguy hại con người.

Bên bán hàng không phải dạng vừa, họ thách T. vác đơn đi mà kiện. Nếu họ bị phạt thì T. cũng là một đồng phạm. Chính T. là người mua rẻ bán đắt, rồi lên mạng quảng cáo dối trá, lừa gạt người dùng... T. tiu nghỉu như chuột bị nhúng nước, giờ cô mới thấm thía thế nào là dân "chợ trời".

T. còn một lô hàng sữa tắm trắng "rởm", nhưng vì tiếc tiền, xót của nên cô đã không bỏ đi mà lén lút sang nhượng lại cho một bạn buôn online với giá gốc. T. không hề nói cho người này biết tác hại khủng khiếp của sản phẩm. Và tất nhiên, bằng cái miệng dẻo như bánh mật của người bán hàng, sản phẩm "chết người" này lại tiếp tục lên sàn shipper khắp các vùng miền. T. buồn rầu bộc bạch rằng, thời buổi kiếm đồng tiền khó khăn nên cô đành chấp nhận mất đi vài bạn bè, giảm vài mối quan hệ để tồn tại.

Đẩy được "của nợ" sữa tắm trắng, T. quyết tâm phục hồi lại uy tín, danh dự. Lần này, cô bán túi xách, ví, bóp. T. rao bán trực tiếp trên "sạp" online của mình, phát huy sở trường ăn nói, phân tích, lý lẽ rất logic và thuyết phục khiến cho không ít tín đồ mua sắm phải vào xem. Các mặt hàng của T. đều gắn nhãn mác hàng hiệu, vì thế giá bán cũng không rẻ. Tiền nào của nấy, T. chỉ cần bán được một chiếc túi hoặc ví cũng bỏ túi ít nhất 500.000 đồng.

Lê Thùy L. (21 tuổi, Bình Dương) mua chiếc túi xách hiệu Michael Kors của Mỹ với giá 3,2 triệu đồng. Theo giới thiệu của T., đây là hàng xách tay chính hiệu, nếu mua với giá gốc bên Mỹ thì 250 USD. Sở dĩ T. bán giá "hạt dẻ" như vậy vì có mối lớn bên Mỹ chuyên đi săn hàng khuyến mãi. T. từng là hướng dẫn viên du lịch, đi đây đi đó và quen biết nước này nước nọ là chuyện rất đáng tin cậy. Tậu được chiếc túi hàng hiệu xịn xò, L. hí hửng xách đi ăn đám cưới ngay.

Livestream bán áo thun giá rẻ.

Xách túi đi chơi được lần thứ 3 thì túi… bị đứt móc. L. mang ra tiệm sửa, ông thợ bảo đây là háng nhái, loại này bán đầy ngoài vỉa hè chỉ vài trăm ngàn một chiếc. Để chứng minh cho L. biết, ông thợ đổ một lớp nước nóng lên túi rồi nhẹ nhàng lấy tay cạo từng mảng sơn ra.

L. chụp hình lại chiếc túi loang lổ, hoen ố màu sắc gửi cho T. xem. Cứ ngỡ bạn của mình sẽ xin lỗi rồi trả lại tiền, ai ngờ T. bơ đi, nói là sẽ cho kiểm tra rồi "lặn".

Cạnh tranh khốc liệt

Hiện nay, mạng xã hội được xem là một "khu chợ" đa năng, mà ở đó, nhà nhà, người người tận dụng tối đa lợi thế để bán hàng.

Thực tế, phương thức kinh doanh này được mệnh danh là tuyệt chiêu thời 4.0, cho thấy khả năng xâm chiếm mạnh mẽ môi trường bán hàng không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Hàng bán online rẻ hơn giá thị trường hoặc trong các siêu thị, cửa hàng ngoài đời bởi vì người bán không phải đóng thuế, trả tiền thuê mướn mặt bằng. Chính vì vậy, nhiều người mua hàng online đã phải "ngậm quả đắng" khi mua phải hàng giả, hàng nhái.

Anh Trần Văn Tuấn (32 tuổi, ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh) đặt một đôi giày hiệu Nike sau khi xem và nghe người bán livestream vô cùng hấp dẫn. Giá của đôi giày nếu mua ngoài shop từ 500.000 -700.000 đồng nhưng ở đây chỉ có 350.000 đồng, mua hai đôi sẽ miễn phí giao hàng. Ham quá, anh Tuấn đặt liền 2 đôi để hưởng khuyến mãi. Ngày giao hàng, anh Tuấn được phép kiểm tra trước khi nhận. Ngày hôm sau, anh Tuấn hào hứng đeo giày đi chạy bộ. Trời vừa mưa, giày của anh ngấm nước chỉ chạy được đúng 2 vòng thì "lở mồm long móng". Anh Tuấn muối mặt xách giày đi chân đất về nhà.

Mang nỗi bực tức trong lòng, anh nhắn tin ngay cho trang bán hàng nhưng tính năng tin nhắn đã bị tắt hoặc chặn.

Anh Tuấn đã từng mua hàng online rất nhiều, phần lớn anh đều hài lòng vì người bán là chỗ quen biết, có uy tín, quảng cáo sao thì bán vậy. Duy chỉ có lần mua giày là bị lừa, cũng vì chủ quan.

Chiêu thức bán hàng lừa đảo chính là xong một đợt là họ tắt tương tác, không khách hàng nào tìm ra người bán nữa. Tâm lý người mua là tặc lưỡi cho qua, vì số tiền bị lừa không nhiều. Cả trăm người đều nghĩ như vậy, thì số tiền thu về của họ là rất "khủng".

Tuy nhiên, không phải phường gian dối, lừa đảo nào trên thế giới online cũng đều tẩu thoát thành công. Mới đây, một trang bán quần áo có tên là Q.T đã bị khách hàng mò tới tận "hang ổ" vạch trần bộ mặt.

Theo đó, chủ nhân của trang Q.T livestream điên đảo, giảm giá "khủng" mặt hàng áo khoác chống nắng của Nhật với giá 60.000 đồng/chiếc. Mua 3 chiếc chỉ 150.000 đồng, giao hàng toàn quốc. Vừa đăng đàn, khách hàng online nhộn nhịp nhảy vào đặt hàng. 3 ngày sau, họ nhận hàng qua shipper. Tuy nhiên, món hàng không phải là áo khoác Nhật, mà là vải thường nhăn nhúm, thô ráp, nhiều đường chỉ lệch lạc, nứt rách. Một nhóm khách hàng đã liên kết lại với nhau, lần tìm tới tận nhà của người bán ở huyện Bình Chánh chửi bới, quay clip tung lên mạng, dọa sẽ rạch nát mặt loại người làm ăn dối trá. Chủ trang Q.T khóc lóc xin tha thứ và sẽ hoàn lại tiền cho khách hàng. 

Ngày nay, một bộ phận dân bán hàng online là người có nghề nghiệp ổn định trong xã hội hoặc những người buôn bán chuyên nghiệp đưa sản phẩm lên mạng đều có địa chỉ công ty rõ ràng. Người mua hàng ngày càng tỉnh táo, thông minh để phân biệt đâu là hành vi lừa đảo, và nếu có, họ lập tức phơi bày lên mạng xã hội. Cái ác, cái tiêu cực bị đưa ra ánh sáng luôn có sức lan tỏa chóng mặt. Đây cũng là "con dao" nguy hiểm có thể làm chùn bước phường gian dối, lừa đảo.

Ngọc Thiện
.
.