Ưu đãi thuế chỉ là thứ cấp trong thu hút đầu tư

Thứ Sáu, 01/12/2023, 07:03

Đánh giá về “tác động nghịch” khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là khó khăn trong thu hút đầu tư, các chuyên gia cho rằng ưu đãi thuế chỉ là vấn đề thứ cấp. Vì vậy, để hóa giải thách thức khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bắt đầu từ ngày 1/1/2024, Việt Nam sẽ chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng. Nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng và số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia, xét theo góc độ tích cực, chính sách thuế này được đánh giá là giúp tăng thu thuế cho quốc gia. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra các thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài gồm những chính sách phổ biến là ưu đãi thời gian miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm đối với dự án đầu tư mới; miễn thuế 2 năm, giảm 4 năm đối với dự án đầu tư mở rộng.

Ưu đãi thuế chỉ là thứ cấp trong thu hút đầu tư -0
Ưu đãi thuế không phải là lý do chính để thu hút FDI vào Việt Nam.

Một số tính toán cho thấy trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI trong kỳ ưu đãi thuế trung bình là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %. Điều này đồng nghĩa với khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác hoặc nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực và tính hấp dẫn chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp.

“Các chính sách ưu đãi về thuế trong thu hút đầu tư của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như: tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn..., dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Tuy nhiên, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phân tích.

Trước thách thức đặt ra khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ông Jochen Schmittmann - Trưởng Đại diện thường trú, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Lào và Campuchiacho rằng, ưu đãi thuế chỉ là vấn đề thứ cấp trong thu hút đầu tư và thuế tối thiểu toàn cầu là sáng kiến quan trọng tránh “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Jochen Schmittmann việc thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý, không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá. Hiện nay, nhiều quốc gia đang chuẩn bị triển khai thuế tối thiểu toàn cầu nhằm tạo sân chơi công bằng. Theo ông Jochen Schmittmann, nếu triển khai chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư lớn, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào Việt Nam, và, các ưu đãi thuế không phải là lý do chính để thu hút FDI vào Việt Nam. Yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam chính là từ môi trường chính trị, sự chăm chỉ của người lao động tận tâm với công việc và trình độ lao động ngày càng cao…

Để hạn chế những tác động nghịch khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các chuyên gia cho rằng không có cách nào khác, cả về trước mắt và dài hạn muốn thu hút đầu tư phải có môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác.

Chỉ ra những việc cụ thể, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng cần phải đẩy mạnh giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và về tốc độ và phạm vi, trong đó trọng tâm là hoàn thiện và thực thi thể chế; hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh Chính phủ điện tử, Chính phủ số…

Hà An
.
.