Tìm nhà ở, cái khó bó cái khôn

Thứ Bảy, 25/12/2021, 09:42

Chịu tác động từ hàng loạt vấn đề, đặc biệt là đại dịch COVID-19 hoành hành suốt 2 năm qua, thu nhập của đại đa số người dân đều giảm sút. Thế nhưng nghịch lý giá nhà ở thời gian qua vẫn liên tục tăng, khiến cơ hội tiếp nhận nhà ở của đại đa số người dân đô thị có thu nhập trung bình ngày càng thêm khó. Phân khúc nhà giá rẻ gần như đã cạn kiệt, và để có thể mua được nhà với mức tài chính khoảng 2 tỷ đồng, người mua nhà hiện phải chấp nhận đi xa.

12 năm làm giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, để tìm được chốn an cư, hơn 2 tháng qua, anh Đoàn Hùng Tráng lúc nào cũng phải đau đầu cân nhắc với bài toán tìm nhà. Anh Tráng chia sẻ, với mức thu nhập của giảng viên đại học khoảng 15 triệu đồng/tháng, sau một thời gian dài tích cóp, cùng với sự hỗ trợ từ gia đình, anh quyết định tìm một căn hộ ở mức tài chính khoảng 1,5 tỷ đồng để an cư. Phương án lựa chọn đầu tiên là mua nhà mới. Thế nhưng với mức tài chính hiện có, tìm hiểu khắp nơi, nhờ rất nhiều bạn bè làm môi giới nhà đất, anh không thể tìm được dự án mới nào phù hợp.

“Để mua được nhà ở dự án mới, phải chấp nhận vay thêm một ít nữa nhưng vẫn phải đi xa ra ngoài rìa quận Hà Đông, hoặc sang huyện Gia Lâm. Trong khi đó trường tôi dạy lại ở đường Lĩnh Nam, khoảng cách từ nhà đến trường hơn 20 cây số. Hàng ngày đi làm, cả đi lẫn về đến bốn mươi, năm mươi cây số thì quá cực. Để tìm được nhà phù hợp thì hiện phải có tài chính từ 2-3 tỷ đồng”, anh Tráng cho hay và chia sẻ thêm, chính vì tài chính có hạn, cố vay mượn để mua nhà ở dự án mới, sau này áp lực trả nợ quá lớn nên anh quyết định mua một căn hộ giá rẻ cũ ở khu vực Linh Đàm với mức giá 1,35 tỷ đồng. Dù biết dự án này chưa được cấp sổ đỏ, còn nhiều rắc rối về pháp lý nhưng cái khó đành bó cái khôn.

Thách thức trong việc giải bài toán nhà ở hiện nay là câu chuyện của rất nhiều người dân đô thị có thu nhập trung bình. Vợ chồng chị Nguyễn Thanh Thúy (quận Thanh Xuân) sau mấy tháng trời ròng rã tìm nhà cũng không thể tìm được căn hộ ưng ý dù số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Với mức tài chính khoảng 1,5 đến 2 tỷ đồng, trong đó phương án kỳ vọng của vợ chồng chị Thúy cũng là mua nhà mới. Tuy nhiên, 3 tháng trôi qua, tìm hiểu cả chục dự án mà cũng không thể mua được nhà.

“Mức giá đó thực sự là thách thức cho ai muốn tìm nhà ở dự án mới. Những dự án gần khu vực đường vành đai 3 thì các căn hộ diện tích nhỏ, chủ đầu tư đã bán hết từ lâu. Những căn hộ còn lại giá vừa phải nhưng diện tích lớn thì tổng giá trị căn nhà lại lớn, vượt quá khả năng chi trả. Quá mệt mỏi với việc tìm nhà nên cuối cùng vợ chồng tôi đành chốt mua một căn hộ cũ của chủ đầu tư Vinaconex tại dự án Kim Văn - Kim Lũ. Căn hộ chỉ 54m2 mà giá cũng đã sấp xỉ 1,8 tỷ đồng. Chủ nhà trước đây nhận xong, không ở mà cho thuê nên về vợ chồng tôi hoàn thiện lại thành ra tổng giá trị căn hộ cũng đã xấp xỉ 2 tỷ đồng”, chị Thúy chia sẻ.

6-3.jpg -0
Cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân đô thị có thu nhập trung bình ngày càng khó khăn. Ảnh minh họa.

Báo cáo của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội thời gian qua đều khẳng định, căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng 1m2 tại các quận nội đô hay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ khan hiếm, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm. Trong khi đó, theo dữ liệu từ Vhome - kênh dữ liệu bất động sản phát triển bởi VnExpress thì trên thị trường Hà Nội khoảng một năm qua vẫn xuất hiện những căn hộ có mức giá 1-2 tỷ đồng, song chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở phía Đông Hà Nội, tại huyện Gia Lâm, căn hộ dưới 1 tỷ đang rao bán tập trung tại dự án Vinhomes Ocean Park với diện tích khoảng 31 - 36m2, giá từ 870 - 980 triệu đồng/căn.

Khu vực phía Tây, số lượng dự án khoảng dưới 1-2 tỷ đồng/căn nhiều hơn, song cũng chỉ có vài ba cái tên, trong đó có các căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng là các căn studio diện tích từ 28-30m2, giá từ 920 đến 980 triệu đồng/căn tại dự án Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm)… Hầu hết các dự án có sản phẩm quanh mức giá 1-2 tỷ chỉ còn ở các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì và lượng căn hộ quanh mức giá này chiếm tỷ trọng không lớn trong các dự án.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, hiện nay, nguồn cung căn hộ giá 1-2 tỷ đang khan hiếm trầm trọng. Tuy vậy, đây lại đang là phân khúc nhà ở có nhu cầu ở thực rất lớn. Nguồn cung khan hiếm khiến cho tình trạng giá nhà của phân khúc này liên tục tăng.

“Tình trạng này đang khiến cho rất nhiều người dân đô thị có thu nhập trung bình ngày càng khó tiếp cận nhà ở. Vấn đề này đã được đặt ra suốt một thời gian nhưng vẫn chưa tìm được những giải pháp hợp lý. Nguồn cung thiếu trầm trọng bởi hơn 2 năm qua rất ít dự án mới được cấp phép nên giá bán phân khúc căn hộ bình dân, tầm trung bị đẩy lên ngưỡng cao hơn và thị trường thiết lập một mặt bằng giá mới khiến việc sở hữu nhà của người dân khó khăn hơn. Bình ổn giá nhà cũng là để đảm bảo an sinh xã hội nên bài toán cần sớm có lời giải. Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ cấp phép mới cho các dự án, đặc biệt là phân khúc căn hộ bình dân”, ông Đính cho hay.

Đồng tình với giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp  phép cho dự án mới, chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu thị trường tiếp tục thiếu hụt nguồn cung thì những năm tới giá bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng.

Theo GS Đặng Hùng Võ: “Dịch bệnh đã khiến cho chuỗi sản xuất bị đứt gãy, gián đoạn các hoạt động phê duyệt và xây dựng dự án. Nếu không gỡ các vấn đề về pháp lý thì thị trường bất động sản sẽ bị tác động trong trung hạn khi các dự án đang triển khai bị dừng lại để rà soát, còn công trình mới cũng không triển khai được. Không sớm tháo gỡ được những vướng mắc này thì giá nhà sẽ còn tăng, từ đó, cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân lại ngày càng khó hơn".

Phan Hoạt
.
.