Kinh tế 9 tháng, "tạo đà" để phục hồi nhanh hơn

Thứ Bảy, 30/09/2023, 07:39

Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới có triển vọng tiêu cực. Tuy nhiên, với sự đồng hành hiệu quả của Chính phủ, Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp đã được ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm, kinh tế Việt Nam vượt khó, đang dần lấy lại đà tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, GDP 9 tháng tăng 4,24%.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 của nước ta tiếp tục được duy trì với mức tăng 4,24%. Trong bức tranh tăng trưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong xuất siêu 21,68 tỷ USD của cán cân thương mại hàng hoá 9 tháng. Cùng với đó, thị trường đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm với giá ổn định là nền tảng trong kiểm soát lạm phát bình quân 9 tháng ở mức 3,16%.

Kinh tế 9 tháng,
Tăng trưởng được thúc đẩy, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Một điểm sáng của nền kinh tế là kết quả hoạt động của lĩnh vực đầu tư nước ngoài, với số vốn mới thu hút đạt gần 20,21 tỷ, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lượng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện giải ngân tại Việt Nam 9 tháng qua cũng đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm gần đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tín dụng được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên trong khi cán cân thương mại duy trì xuất siêu góp phần bảo đảm cán cân thanh toán…

Một số địa phương vẫn giữ được phong độ và đóng góp xứng đáng vào kết quả chung cả nước. Đơn cử, 9 tháng đầu năm 2023, GRDP của Hà Nội tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,93%; quý III tăng 6,49%). Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp (DN) trong nước gặp khó khăn về đầu ra...nhưng Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, 2023 là năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam, tăng chậm lại chủ yếu do sức cầu bên ngoài yếu, DN trong nước gặp khó về cơ hội tiêu thụ nhưng nền kinh tế vẫn trụ vững, ổn định vĩ mô. Dự báo, mức tăng trưởng vẫn thuộc hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho biết, dự báo lạm phát bình quân cả năm 2023 trong khoảng 3,5%-4% thấp hơn mục tiêu đã được Quốc hội thông qua, tạo dư địa cho điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trong 9 tháng năm 2023, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm.

Đặc biệt, với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả chỉ đạo lên trên hết của Chính phủ; với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp ban hành và triển khai thực hiện đúng thời điểm; với tinh thần năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn của cộng đồng DN đã đưa kinh tế nước ta vượt khó, đang dần lấy lại đà tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn. Kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 phản ánh tăng trưởng được thúc đẩy, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong quý IV/2023 và tăng trưởng cao hơn trong năm tới.

Tận dụng cơ hội, chủ động bứt tốc

Song, nền kinh tế cũng bộc lộ không ít điểm yếu cũng như tiếp tục đối diện nhiều thách thức, bất lợi. Hai lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và xuất khẩu nhìn chung vẫn chưa hết giai đoạn trầm lắng; trong đó giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ trong khi cùng thời gian kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu trong nước bị thu hẹp trong khi thị trường nhập khẩu hàng Việt chưa "nóng" lại như mong muốn. Các thị trường quan trọng như trái phiếu, bất động sản, nhiên liệu… cũng tiềm ẩn bất lợi, khó đoán định nên rất cần sự theo dõi sát sao, điều hành vĩ mô có hiệu quả. Đồng thời, hiện đã xuất hiện một số dấu hiệu, yếu tố cho thấy khả năng tăng tốc của nền kinh tế khi sức cầu nhìn chung có sự phục hồi và đó cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động sản xuất cũng như đà tăng trưởng GDP được cải thiện khá rõ qua từng quý. Mức độ lạc quan của DN cũng "ấm hơn". Tổng cục Thống kê cho biết, dự kiến quý IV/2023, có 39,1% số DN ngành chế biến chế tạo đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023 trong khi tỷ lệ tương ứng của quý III so với quý II là 30,1%.

Để nền kinh tế phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong thời gian tới, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trước hết, Chính phủ tiếp tục khẳng định và thực thi quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển, coi việc tháo gỡ rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tạo nền tảng cho DN phục hồi nhanh, phát triển bền vững, có đủ năng lực chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ chính sách tài khoá và tiền tệ, trong đó chính sách tài khoá là trọng tâm, với cơ chế đặc thù về chính sách thuế đối với thuế thu nhập DN của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho DN.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chia sẻ, từ nay đến hết năm cần tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ; đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, thực hiện mạnh mẽ cuộc Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thông với hiện đại. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp nhằm kích cầu thương mại, dịch vụ và du lịch; chủ động và quyết liệt trong đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai…

Với tinh thần quyết tâm vượt khó, với nỗ lực chung của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị,  kinh tế nước ta sẽ hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tạo thế và lực, tạo niềm tin để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.

Lưu Hiệp
.
.