Kết quả nổi bật trong triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lâm Đồng

Thứ Hai, 30/10/2023, 19:04

Những kết quả tích cực từ chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Lâm Đồng (được thực hiện từ khi triển khai thí điểm năm 2009 theo Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững “lá phổi xanh” của vùng Tây Nguyên và an sinh xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi kinh tế, xã hội vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, huy động các nguồn lực khác nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước để tăng cường đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Tại Lâm Đồng, sau 14 năm thực hiện, kết quả của chính sách trên đã chứng minh chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội hóa trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo kế sinh nhai, hỗ trợ người dân nâng cao đời sống nhờ rừng.

anh 1.jpg -0
Trụ sở Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng. 

Tính đến năm 2022, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt là 2.983 tỷ đồng (riêng năm 2022 thu được 437,9 tỷ đồng). Nguồn thu đến chủ yếu từ các cơ sở sản xuất thủy điện (năm 2022 là 50 cơ sở), với tỷ trọng thu chiếm hơn 95% tổng thu, một số nhà máy thủy điện như Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận, Đồng Nai 4, Trị An đều có số tiền nộp trên 35 tỷ đồng/đơn vị/năm.

Các cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch hàng năm đóng góp 5% số thu. Ngoài ra, còn nguồn thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nhưng số tiền không đáng kể. Riêng các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch từ năm 2020 chuyển sang hình thức chi trả trực tiếp. Số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hàng năm của Lâm Đồng luôn nằm trong 3 tỉnh có số thu cao nhất cả nước và hầu như không có đơn vị nợ đọng.

Kết quả nổi bật trong triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lâm Đồng -0
Hộ nhận khoán tham gia tuần tra bảo vệ rừng cùng chủ rừng.

Với số tiền thu được, hằng năm tỉnh Lâm Đồng đã chi trả cho hơn 74% diện tích rừng toàn tỉnh (400.000 ha/năm), đơn giá chi trả tương đối cao và gấp đôi đơn giá chi trả từ ngân sách cho phần diện tích không cung ứng (năm 2022 đơn giá chi trả: 936.000 đồng/ha - 1.214.000 đồng/ha).

Tỉnh Lâm Đồng với đặc thù hầu hết chủ rừng có diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường là chủ rừng nhà nước - chiếm hơn 95% diện tích được chi trả. Cùng với yếu tố lịch sử để lại và tình hình thực tế đời sống, tập quán canh tác bám vào rừng của đồng bào khu vực Tây nguyên, các đơn vị chủ rừng nhà nước đã khoán bảo vệ rừng hơn 90% diện tích được giao với hơn 16.000 hộ tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nguồn thu nhập hằng năm của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng lên tới 15 đến 20 triệu đồng/hộ. Điều này đã góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho các gia đình, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Chi trả tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng còn giúp các đơn vị chủ rừng nhà nước huy động được lực lượng hùng hậu là bà con địa phương chung tay, đoàn kết, nâng cao ý thức tham gia công tác bảo vệ rừng, chống lại các hành vi lấn chiếm, hủy hoại rừng, giữ vững “lá phổi xanh” ở Lâm Đồng.

Kết quả nổi bật trong triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lâm Đồng -0
Một điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt.

Thời gian tới, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, khi mà chi trả dịch vụ môi trường đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp và qua quá trình thử nghiệm, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đang trình Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP trong đó có hướng dẫn thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với loại dịch vụ: hấp thụ và lưu trữ Cacbon của rừng. Nếu được thông qua, nguồn thu sẽ tăng và người dân làm công tác quản lý bảo vệ rừng được hưởng lợi nhiều hơn, thể hiện rõ hơn nữa hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Kết quả nổi bật trong triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lâm Đồng -0

Cùng với Trung ương, tỉnh Lâm Đồng xác định nguồn thu từ thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng là nguồn tài chính quan trọng ngoài ngân sách để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng.

Minh Kỳ
.
.