Hội quán nông dân, cách làm hay ở Đồng Tháp

Thứ Năm, 09/11/2023, 05:24

Hội quán nông dân là mô hình mở dựa trên hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh tại Đồng Tháp. Hội quán không giới hạn địa giới hành chính, chỉ cần người dân có cùng chung ngành nghề, chung lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều có thể tham gia.

Hội quán là mô hình mới, sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp do ông Lê Minh Hoan (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, hiện là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) khởi xướng. Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn (huyện Châu Thành) được thành lập vào năm 2016 với 105 hội viên, đến nay Đồng Tháp có 144 hội quán, với 7.556 thành viên và 3 hợp tác xã được thành lập từ mô hình hội quán.

hoi quan 2.jpeg -0
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (ngoài cùng bên trái) khảo sát tiến độ xây dựng mô hình làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân.

Hội quán hoạt động với phương châm “3 không” (không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất), “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định) và “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hướng). Qua 7 năm phát triển đến nay, hội quán có 11 lĩnh vực hoạt động từ chăn nuôi đến sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, làm du lịch…

“Đồng Tháp đang đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, đông lạnh đến vận chuyển, thực hiện hậu cần xuất khẩu... và thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Do đó, vai trò của Ban Chủ nhiệm các hội quán rất quan trọng trong tuyên truyền, vận động các thành viên tích cực tham gia mô hình sản xuất tiêu biểu và liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo hướng mới, kết nối doanh nghiệp với nông dân để liên kết sản xuất - tiêu thụ, hợp tác sản xuất theo hướng nông sản sạch, chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị, hướng đến xuất khẩu, tham gia thực hiện Chương trình OCOP tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng”, ông Lê Thành Công, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hội quán giúp giải bài toán “liên kết - hợp tác” giữa các nông dân với nhau, đây là mắt xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng”, hình thành vùng nguyên liệu, hướng tới tăng cường chế biến và tạo thuận lợi trong việc liên kết với doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực du lịch, hội quán góp phần giữ được nét truyền thống văn hoá, thay đổi bộ mặt nông thôn, tăng thu nhập nông hộ. Nhiều hội quán đi vào hoạt động với phương châm phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương xứ sở.

Trong xây dựng nông thôn mới, hội quán góp phần tổ chức tốt công tác vận động và chủ động xây dựng những công trình đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Hội quán tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng rác thải nhựa, không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, kinh doanh. Hội quán còn giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Các hội viên giúp nhau quản lý con cháu không tham gia các tệ nạn xã hội, chăm ngoan học tốt. Một số hội quán còn tích cực vào công tác hòa giải cộng đồng.

Theo ông Lê Thành Công, hội quán dần trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng và là chất xúc tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua mô hình hội quán dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới. Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp được phát huy bắt đầu từ các hội quán, hợp tác xã và tổ hợp tác. Sau 7 năm phát triển, hoạt động của hội quán đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Điển hình, Tâm Quê Hội quán tại xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh) được thành lập vào năm 2017, hoạt động và sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ kết hợp với xây dựng làng thông minh, phát triển du lịch trải nghiệm. Trong quá trình sản xuất và chuyển giao kỹ thuật, các thành viên luôn tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm hoặc không rõ nguồn gốc, tạo tiền đề cho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP. Các thành viên có sự liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu xoài đi các nước Nhật, Úc, Nga và một số quốc gia khác. Hội quán còn kết hợp với công ty du lịch tổ chức tour du lịch trải nghiệm cộng đồng. Hội quán cùng nhau làm du lịch tại phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) với ngành nghề du lịch gắn với sản xuất kinh doanh hoa kiểng. Từ khi hoạt động vào năm 2019, đến nay chất lượng sinh hoạt của hội quán ngày càng phong phú. Quá trình sinh hoạt, các thành viên thay đổi nhận thức từ sản xuất hoa kiểng truyền thống gắn kết với làm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, hình thành các khu Homestay. Các dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút du khách đến làng hoa Sa Đéc.

Văn Vĩnh
.
.