Cách làm hay trong xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Nam Giang

Thứ Năm, 28/09/2023, 06:30

Nam Giang là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, nơi có khoảng 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ bao đời nay, người dân địa phương sản xuất, canh tác chủ yếu theo phương thức “tự cung tự cấp”, do đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trong những năm gần đây, bằng nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp mà người dân huyện Nam Giang đã dần thay đổi từ tư duy sản xuất “tự cung tự cấp” sang sản xuất hàng hóa, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất quy mô lớn.

Huyện Nam Giang gồm 11 xã, 1 thị trấn với dân số gần 27.000, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao 43,54% (năm 2022). Nhằm đẩy mạnh phát triển bộ mặt nông thôn tại địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong giai đoạn hiện nay, huyện Nam Giang đang triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa bàn 11 xã của huyện; phấn đấu đến năm 2024, xã Tà Bhing đạt chuẩn NTM; năm 2025 có 2 xã đạt chuẩn NTM là La Dêê và Đắc Tôi.

Cách làm hay trong xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Nam Giang -0
Anh Bríu Chéo chăm sóc đàn lợn cỏ bản địa tại Tổ liên kết nông - lâm nghiệp thôn A Liêng, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, ngày 19/1/2021, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Quan điểm của Huyện ủy Nam Giang xác định, việc xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó phát huy nội lực của cộng đồng dân cư ở địa phương cơ sở là chính. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực,… để người dân phát huy vai trò vừa là chủ thể trong xây dựng NTM và đồng thời là chủ thể hưởng lợi ích từ kết quả xây dựng NTM; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo; thực hiện theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”.

Ngoài ra, ngày 5/4/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang đã có kết luận về tiếp tục thực hiện việc phân công giúp đỡ các xã, thị trấn xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. “Ban Thường vụ Huyện ủy xác định việc tiếp tục phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã, thị trấn trong xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững là giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ huyện và Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy (khóa XX) đã đề ra nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM trên địa bàn huyện”, ông Lê Văn Hường nhấn mạnh.

Từ sự quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm trong xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững mà số hộ thoát nghèo của huyện Nam Giang được nâng lên theo từng năm. Thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Giang cho thấy, nếu trong năm 2021 toàn huyện chỉ có khoảng 260 hộ thoát nghèo thì sang năm 2022, con số này là gần 500 hộ.

Để có được kết quả đó, huyện Nam Giang đã nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình hoạt động sản xuất cụ thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, ngày càng ổn định đời sống. Và đặc biệt, đã tạo được sự thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân từ sản xuất “tự cung tự cấp” sang sản xuất hàng hóa, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị.

Một trong những mô hình hoạt động rất hiệu quả là mô hình Tổ liên kết nông - lâm nghiệp A Liêng, xã Tà Bhing. Dù chỉ mới được thành lập vào tháng 9/2022, song mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho các thành viên tham gia tổ liên kết. Anh Bríu Chéo (SN 1993, trú thôn A Liêng, xã Tà Bhing) chia sẻ, Tổ liên kết nông - lâm nghiệp A Liêng hiện có 15 hộ gia đình là người Cơ Tu tham gia chăn nuôi lợn cỏ bản địa, bò và trồng các loại cây ăn quả như chuối, bưởi da xanh trên diện tích đất khoảng 3.000m2.

“Ở giai đoạn đầu, các cơ quan chức năng của huyện hỗ trợ chúng tôi làm chuồng trại chăn nuôi, con giống và tập huấn kỹ thuật nuôi, trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi đã ổn định thì các thành viên chúng tôi tự hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vào lúc cao điểm, chúng tôi có hơn 150 con lợn cỏ và 15 con bò. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với 10 hộ dân khác trong xã để thu mua lợn cho bà con. Nhờ mô hình liên kết sản xuất này đã giúp chúng tôi có nguồn thu nhập đáng kể. Trước khi vào tổ liên kết, gia đình tôi là hộ nghèo, nhưng nhờ khoảng thu nhập trung bình 50 triệu đồng/ năm từ khi vào tổ liên kết mà gia đình tôi đã thoát nghèo rồi đó”, anh Bríu Chéo phấn khởi nói.

Ngoài mô hình liên kết chăn nuôi, trồng trọt như kể trên, tại xã Tà Bhing còn có mô hình trồng bưởi da xanh quy mô lớn cũng rất hiệu quả. Hiện có gần 10 hộ dân xã Tà Bhing tham gia trồng bưởi da xanh, và ông Bling Chon (SN 1978) là một trong số đó. Ông Chon cho biết, năm 2018, ông được huyện hỗ trợ gần 150 gốc bưởi da xanh để trồng trên diện tích khoảng 0,3ha đất rẫy của gia đình. Nhờ được hướng dẫn tập huấn kỹ thuật chăm sóc mà đến nay, số bưởi của ông Chon đã bắt đầu cho quả.

“Nhìn bưởi phát triển tốt, chúng tôi vui lắm. Càng vui hơn nữa khi sản phẩm bưởi sẽ được các cơ quan chức năng hỗ trợ tìm đầu ra, giúp người dân nâng cao thu nhập và không lo cảnh bưởi “được mùa, mất giá” do không bán được sản phẩm”, ông Chon vui vẻ trò chuyện. Theo kế hoạch, mô hình tổ liên kết nông - lâm nghiệp và trồng bưởi da xanh sẽ được nhân rộng tại 2 thôn khác của xã Tà Bhing trong thời gian tới, qua đó góp phần giúp người dân trong xã nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững; đồng thời để xã Tà Bhing về đích NTM trong năm 2024.

Ngọc Thi
.
.