Bàn giải pháp xúc tiến xuất khẩu giai đoạn hậu COVID-19

Thứ Tư, 15/12/2021, 17:30

Tại “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021” diễn ra ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tính đến hết tháng 11 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 602 tỷ USD tăng 22,8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2021 ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Hết 11 tháng, có 34 nhóm hàng XK đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD, như điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may, giày dép, gỗ, sắt thép...

Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư kéo dài từ cuối tháng 4-2021 đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, các khó khăn này lần lượt được giải quyết và hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh thông qua hình thức trực tuyến đã giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại.

Theo ông Vũ Bá Phú, năm 2022, các hoạt động xúc tiến thương mại tới đây sẽ chú trọng vào các chương trình trung - dài hạn với những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, khu vực ASEAN, EU, Mỹ... trong đó có những thị trường ghi nhận thương mại song phương hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EU, ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư Thứ Nhất/Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ liên kết thương mại song phương của hai nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường 500 triệu dân của châu Âu rất có tiềm năng nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ. Các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu rất cao nhưng người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho ác sản phẩm chất lượng. Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội.

Bàn giải pháp xúc tiến xuất khẩu giai đoạn hậu COVID-19 -0
Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Andrew Jeffries cho rằng, sự hồi phục về nhu cầu thị trường và khởi sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực đem lại nhiều cơ hội cho XK của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần khắc phục những thách thức để giảm chi phí thương mại; hỗ trợ DN nhỏ và vừa tích hợp vào chuỗi cung ứng hướng tới khả năng phục hồi.

Theo dự báo của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, năm 2022 thị trường thế giới có nhiều khởi sắc khi nhu cầu tăng, sản xuất bắt đầu hồi phục là cơ sở tốt cho Việt Nam thúc đẩy XK. Tuy nhiên làm được điều này không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chưa thể đánh giá được tác động của biến thể Omicron tới thị trường thế giới. Tuy nhiên, những dấu hiệu khởi sắc của thị trường đã rất rõ rệt, để tận dụng cơ hội này, tại diễn đàn, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đề xuất: Bộ Công Thương kịp thời tháo gỡ khó khăn về những vướng mắc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu, chính sách phát triển hạ tầng logistics để thành phố triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hỗ trợ phát triển thương mại.

Tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình XTTM theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào thị trường truyền thống và tiềm năng. Tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn kịp thời về chủ trương chính sách và cập nhật thường xuyên về tình hình thị trường quốc tế để có các biện pháp thích nghi, phù hợp với hoàn cảnh mới khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Để làm tốt công tác XTTM, xúc tiến XK trong năm tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, đầu tiên là doanh nghiệp cần ý thức hơn nữa đến việc tạo ra các sản phẩm xanh, sạch, được sản xuất theo phương thức bền vững và coi lợi ích của người tiêu dùng là tối thượng. Ngoài ra, chú trọng đến đảm bảo cân đối cán cân thương mại, việc đẩy mạnh xúc tiến XK cũng nên đi đôi với xúc tiến nhập khẩu. Quan tâm đến môi trường pháp lý của chuyển đổi số, chú ý đến phương tiện và mô hình và đào tạo kỹ năng cho DN trong chuyển đổi số. Cùng đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, thuế nhập khẩu… tạo tiền đề cho công tác XTTM, xúc tiến XK ngày càng hiệu quả.

Lưu Hiệp
.
.