Thịt nhập khẩu đe dọa chăn nuôi trong nước

Thứ Ba, 06/01/2015, 09:07
Một đất nước nông nghiệp như Việt Nam nhưng chăn nuôi trang trại bị nước ngoài thâu tóm, cộng với đe dọa ngày càng lớn của thịt nhập khẩu đang là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại.

Việc xâm lấn thị trường ngày càng lớn của thịt nhập khẩu đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước đây, tuy nhiên, càng về cuối năm, lượng thịt nhập khẩu càng nhiều hơn.

Tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu chính ngạch hơn 2.350 tấn thịt các loại, trị giá 4,6 triệu USD, nhiều nhất vẫn từ Mỹ, châu Âu. Ảnh hưởng nhãn tiền có thể nhìn thấy là giá gà trong nước liên tục giảm sâu kể từ đầu tháng 12 do cạnh tranh từ thịt nhập. Một đất nước nông nghiệp như Việt Nam nhưng chăn nuôi trang trại bị nước ngoài thâu tóm, cộng với đe dọa ngày càng lớn của thịt nhập khẩu đang là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại.

Chăn nuôi trong nước ngày càng khó cạnh tranh với nước ngoài.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, giá gà lông trắng bắt tại chuồng tại các tỉnh phía Nam hiện chỉ còn 27.000 – 28.000 đồng/kg, giảm hơn 6.000 đồng/kg so với đầu tháng 11/2014. Với mức giá này, người nuôi đang lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Tương tự, gà lông màu, gà Tam hoàng vốn được xem là thế mạnh của ngành Chăn nuôi Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh mạnh với gà ngoại, giá giảm mạnh.

Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 12/2014, gà lông màu liên tục giảm, từ 48.000 đồng/kg xuống còn 38.000 đồng/kg. Người nông dân lo lắng càng về cuối năm, thịt ngoại nhập về càng nhiều, giá gà trong nước sẽ còn tiếp tục  giảm. Tính chung trong cả năm 2014, giá thịt gà tại các tỉnh miền Nam biến động mạnh, giá bắt đầu giảm từ tháng 2/2014, đến giữa tháng 3 xuống mức thấp nhất khoảng 23.000-24.000đ/kg đối với gà lông màu, sau đó tăng dần, đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 6 ở mức 46.000-47.000đ/kg, sau đó tăng giảm thất thường đến tháng 12/2014.

Sản phẩm thịt bò trong nước hiện cũng đang phải cạnh tranh mạnh với thịt bò nhập từ Úc. Hiện thịt bò Úc đã chiếm từ 70 - 80% thị phần tại thị trường TP Hồ Chí Minh, với giá nhập khẩu khoảng 3USD/kg bò hơi (tương đương 60.000 đồng/kg), trong khi bò nội có giá bán cao hơn, từ 70.000 - 75.000 đồng/kg hơi. Ước tính của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, trong năm 2014, nước ta sẽ nhập khẩu khoảng 150.000 con bò Úc, cao gấp 2,24 lần năm 2013. Nguồn tin này cho biết, càng vào cuối năm, thịt ngoại nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Đặc biệt là mấy tháng qua, việc Nga cấm nhập khẩu thịt từ Mỹ, EU, khiến các nhà xuất khẩu chuyển sang Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng. Với ưu thế về chất lượng, giá cả, thịt ngoại đang dần lấn át thịt nội. Mặc dù phải chịu thuế nhập khẩu nhưng nhiều loại thịt ngoại nhập đang có giá rẻ hơn, như giá gà công nghiệp trong nước (nguyên con làm sẵn) đang ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg tại phía Nam, trong khi thịt gà nhập về chỉ 35.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu chính ngạch hơn 2.350 tấn thịt các loại, trị giá 4,6 triệu USD, nhập nhiều nhất vẫn từ Mỹ, châu Âu. Theo cơ quan Thú y Vùng VI, nơi kiểm soát phần lớn thịt nhập khẩu về Việt Nam, thì trong 10 tháng qua, cơ quan này đã kiểm dịch hơn 87.300 tấn sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu, tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, các sản phẩm truyền thống như thịt gà đông lạnh cùng phụ phẩm (cánh, chân, tim, mề…) vẫn chiếm nhiều nhất với gần 57.000 tấn (tăng 64,3%). Tuy nhiên, năm nay thịt lợn đông lạnh và phụ phẩm (chân giò, tim, gan…) nhập về tăng đột biến, hơn 135% với gần  3.700 tấn và xương (bò, lợn, gà) nhập 2.667 tấn, tăng hơn 300%. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nhập cả thực phẩm đông lạnh từ vịt, bồ câu (210 tấn) mà năm 2013 chưa hề nhập.

Theo các nhà nhập khẩu, sở dĩ giá thịt ngoại rẻ hơn thịt nội là do các sản phẩm như đùi gà, cánh gà, chân gà hay tim, phín, lưỡi bò… là phụ phẩm ở nước ngoài, nhưng lại là những sản phẩm “đặc sản” đối với người dân Việt Nam. Thị trường tiêu thụ tốt, giá cả cạnh tranh, khiến các nhà xuất khẩu đã tìm đến nước ta như một thị trường mới đầy tiềm năng.

Việc các loại thịt ngoại nhập khẩu ngày càng nhiều vào nước ta được Bộ Công Thương nhận định chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi nông hộ, do chất lượng thịt ngoại rất cạnh tranh, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, để góp phần khắc phục tình trạng thịt nội bị thịt ngoại lấn át, cần triển khai chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi cho các hộ chăn nuôi. Cần kêu gọi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành lập HTX để tổ chức sản xuất quy mô lớn, từ đó giảm chi phí; thông qua HTX, hiệp hội cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y... cho người chăn nuôi với giá hợp lý và bao tiêu sản phẩm. Liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ giúp HTX nói riêng và hiệp hội kiểm soát được chất lượng sản phẩm, cũng như giảm giá thành, từ đó dễ dàng đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn.

Một số chuyên gia cho rằng, làm được điều đó, chúng ta sẽ không sợ thịt ngoại đông lạnh nhập về nhiều hay ít nữa, bởi người dân Việt Nam vẫn có thói quen ăn thịt tươi, sẽ ủng hộ hàng trong nước. Bên cạnh việc nắm rõ cung cầu, cung cấp thông tin cho các hộ chăn nuôi thì nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo cần phá vỡ thế độc quyền của các công ty nước ngoài, bởi hiện thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số công ty FDI.

Bên cạnh đó, dịch vụ thú ý cũng bị chi phối bởi các công ty tư nhân dẫn đến nguy cơ thị trường bị thiên lệch, tạo ra quá nhiều loại thuốc giá đắt và gây thiệt hại cho nông dân. Chưa kể đến hệ thống giết mổ, phân phối thịt, nhập lậu thịt chất lượng kém… là những mối đe dọa đến sự phát triển của ngành. Vì vậy, Nhà nước cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và tạo ra khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty trong nước, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh cho thị trường.

Nam Phương
.
.