Nhiều rủi ro trong mùa hoa Tết Đà Lạt

Thứ Bảy, 06/12/2014, 08:02
Xuống giống mùa hoa Tết, người làm hoa tại Lâm Đồng lại mang tâm trạng thấp thỏm, bất an. Nếu giá cả thị trường xuống thấp có thể dẫn đến không chỉ mất Tết mà còn trắng tay, lún vào cảnh nợ nần.

Đó là khẳng định của nhiều người trồng hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, nơi chiếm tới 90% diện tích hoa lay ơn của tỉnh Lâm Đồng. Ông Nguyên Văn Thanh, thôn Định An, xã Hiệp An cho biết, gia đình ông năm nay trồng gần 1ha hoa lay ơn, chi phí đầu tư đã lên tới trên 200 triệu đồng. Đây là số tiền dành dụm sau một năm trồng rau và đi vay mượn thêm. Theo ông Thanh, nếu bán được với giá 2.000đ/cành, mỗi sào hoa lay ơn sẽ cho nhà vườn thu về 20 triệu đồng tiền lãi sau hơn 2 tháng gieo trồng. Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”. Thực tế cho thấy có không ít năm hoa lay ơn Tết không thể bán được dẫn đến phải nhổ bỏ, nhà vườn mất trắng, phần lớn những gia đình trồng loài hoa này lâm vào cảnh nợ nần. “Để có tiền tiếp tục đầu tư sản xuất, họ phải đem giấy tờ nhà cửa cầm cố vay mượn tiền”-ông Thanh cho biết.

Cách gia đình ông Thanh vài trăm mét là ông Vũ Văn Tiến. Năm nay hộ ông Tiến trồng 7.000m2 hoa lay ơn. Ông Tiến có vẻ dè chừng khi nói về khả năng thắng thua mùa lay ơn Tết sắp tới. “Thật ra trồng hoa Tết phiêu lưu hơn hoa ngày thường. Dành dụm cả năm nhà nào cũng đổ hết cả vào làm hoa Tết trong khi cả nước đâu đâu cũng thấy trồng hoa”. Cách đây mấy năm, gia đình ông Tiến là một trong hàng chục nạn nhân của vụ hoa lay ơn Tết. Khi ấy giá hoa lay ơn xuống rất thấp, giá bán không đủ tiền thuê nhân công, cước vận chuyển nên nhà vườn đành phải phá bỏ chấp nhận trắng tay.

Hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2015 tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Ông Vương Hưng Tuân, cán bộ khuyến nông xã Hiệp An, hiện địa phương đã xuống giống được 245ha hoa lay ơn. So với diện tích gieo trồng mùa Tết năm trước, vụ lay ơn năm nay diện tích có phần tăng hơn. Nguyên nhân là Tết năm 2014, giá hoa lay ơn bỗng có giá cao đột biến, lên tới 4.500đ/bông. Với giá bán này, nhà vườn còn thu về không dưới 400 triệu đồng/ha. Những người trồng hoa tại Hiệp An hi vọng rằng năm nay giá loài hoa này vẫn tăng cao nên mạnh dạn đầu tư trồng lay ơn. Chi phí đầu tư lay ơn vào khoảng 200 triệu/ha.

Ông Võ Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND phường 12, nơi trồng hoa cúc lớn nhất Đà Lạt cho biết, mùa hoa Tết năm nay địa phương có 50ha hoa các loại, trong đó chiếm 95% là hoa cúc, tăng khoảng 5% so với năm trước. Theo ông Sang, phần lớn người dân địa phương không mặn mà với vụ hoa Tết bởi chi phí đầu tư rất lớn, trong khi tính rủi ro lại khá cao. Tuy nhiên, nhà vườn phải làm hoa Tết cung cấp hoa cho các vựa tại TP HCM để giữ mối.

Ông Sang phân tích, trồng hoa Tết nếu trúng giá cũng chỉ tăng doanh thu thêm cao nhất là 15% trên diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, nếu thua lỗ thì rất nặng bởi giá thuê nhân công phục vụ hoa Tết, cước phí vận chuyển, giá cây giống… cũng đều tăng ít nhất gấp đôi so với ngày thường. Trong khi đó, những năm gần đây, hoa Đà Lạt không còn giữ thế độc quyền hoa Tết nữa. Cuối năm, nhiều tỉnh ở miền Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long người dân cũng đổ xô trồng hoa, đó là còn chưa kể hoa Trung Quốc “bổ bộ” vào thị trường Việt Nam khiến tính rủi ro của hoa Đà Lạt càng cao hơn.

Chính vì tính rủi ro trong hoa Tết rất cao nên tại phường 12, TP Đà Lạt hiện có trên 320ha hoa trong nhà kính nhưng người dân chỉ làm 50ha phục vụ thị trường Tết, diện tích còn lại được thu hoạch trước hoặc sau Tết.

Với những bất lợi trên, ông Võ Văn Sang, Phó Chủ tịch phường 12, TP Đà Lạt cũng là người hàng chục năm qua trồng hoa cúc, cảnh báo người dân không nên tập trung tất cả vào vụ hoa Tết nếu không muốn làm ăn theo kiểu phiêu lưu. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, diện tích gieo trồng hoa vụ đông xuân tới toàn tỉnh lên tới 2.460ha, tăng 125,7ha so với năm trước, trong đó tập trung phần lớn tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương.

Kim Ngân
.
.