Cần sớm có chương trình quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp

Thứ Tư, 10/06/2015, 09:36
Nhằm tạo động lực phát triển phong trào khởi nghiệp, ngày 9/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp 2015.
Tại diễn đàn, TS Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) đã trình bày Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam năm 2014. Đây là báo cáo được dựa trên chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) được khởi đầu năm 1999, với sự tham gia của 10 nước phát triển. Năm 2014, GEM đã thu thập ý kiến từ 206 nghìn người, đại diện cho 73 quốc gia.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo chỉ số khởi nghiệp 2014 là tâm lý lo sợ rủi ro của người khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn khá cao và điều này thể hiện sự lo sợ về rủi ro của nền kinh tế. Thực trạng hoạt động khởi sự kinh doanh của Việt Nam thấp hơn các nước rất nhiều và thấp hơn năm 2013. Về lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2014 tỷ trọng trong công nghiệp chế biến cao thứ nhất.

Các hoạt động kinh doanh mới đã tập trung vào công nghệ mới - đây là một chìa khóa để thành công. Tuy nhiên, về phân theo độ tuổi, báo cáo cho thấy, khả năng của người trẻ tuổi kém hơn người trung niên nên họ dễ thất bại hơn. “Chính vì vậy, chúng ta cần trang bị những kiến thức về đào tạo để có kinh nghiệm tốt hơn khi khởi nghiệp cho các bạn trẻ”, TS Lương Minh Huân nhấn mạnh.

Báo cáo chỉ số khởi nghiệp 2014 cũng cho thấy, tỷ lệ từ bỏ kinh doanh ở người Việt Nam thấp hơn các nước có nghĩa là khả năng bám trụ của doanh nghiệp Việt tốt hơn. Thống kê cho thấy, khoảng 100 người tham gia kinh doanh thì chỉ có 23 người bỏ việc.

Lý do bỏ là vì sức khỏe cá nhân, do gia đình, do vấn đề tài chính; một số là do vấn đề lợi nhuận; số khác do tìm thấy cơ hội kinh doanh và việc làm khác. Điều kiện kinh doanh của Việt Nam năm 2014 không có nhiều thay đổi so với năm 2013. Trong số 13 chỉ số thì có 3 chỉ số trên mức trung bình, 3 chỉ số thấp nhất là: chương trình hỗ trợ Chính phủ, giáo dục phổ thông, độ mở của thị trường nội địa.

Dựa trên những chỉ số đó, TS Lương Minh Huân và nhóm nghiên cứu đề ra một số khuyến nghị và đề xuất: Cần cải thiện các điều kiện kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; thực hiện chương trình phổ cập kiến thức, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp cho các cá nhân muốn khởi sự, nhất là thanh niên, kể cả đối với hộ kinh doanh cá thể.

Bình luận về báo cáo chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam năm 2014, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: Năm 2014, chúng ta đã có đánh giá chỉ số khởi nghiệp - đây là cách tiếp cận hiện đại. Và đây là những chỉ số cụ thể làm cơ sở để thiết kế và thực hiện chính sách khởi nghiệp quốc gia phù hợp.

“Tôi cho rằng, để thực hiện khởi sự DN cần phải có chương trình cụ thể, hành động như thế nào để thúc đẩy cả xã hội cùng hành động. Về vấn đề này, Ban Kinh tế Trung ương và VCCI cần phải xây dựng và lập kế hoạch cụ thể để hành động. Trong đó, có loại quỹ cần phải có là quỹ khởi nghiệp quốc gia, quỹ rủi ro và quỹ phát triển doanh nghiệp.Ngoài ra, việc xác lập tính bản quyền cho các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp là vô cùng quan trọng", ông Thang Văn Phúc đề xuất.

Huyền Thanh
.
.