Nghiên cứu nhiều giống lúa, cây chịu mặn cao

Chủ Nhật, 27/03/2016, 07:47
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng gay gắt, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa và cây ăn trái thích nghi.


Trong nhiều năm qua, Viện Lúa ĐBSCL và Trường ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu thành công nhiều giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu nóng cao. GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Viện đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa chịu được độ mặn từ 3-5 ‰, cụ thể là OM 5451, OM 2517, OM 6976, OM 2395… Các giống lúa này đã được Bộ NN-PTNT công nhận và được nhân rộng ở nhiều địa phương”. 

Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường ĐH Cần Thơ) cũng đã nghiên cứu giống lúa có thể chịu được độ mặn đến 10 ‰.  Trong đó, có giống lúa Một Bụi Đỏ có khả năng chịu mặn từ 6‰ – 8‰, lúa Sỏi chịu mặn trên 10‰. Cả 2 giống trên còn chống chịu được rầy, ít nhiễm bệnh. Hiện 2 giống này được sản xuất nhiều nhất ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) với diện tích lên đến 5.000ha, cho năng suất gần 6 tấn/ha.

Theo ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, ông đã cùng các cộng sự nghiên cứu giống lúa ST chịu mặn từ rất lâu và hiện nay được trồng khoảng 100.000ha (chiếm 1/3 diện tích lúa toàn tỉnh). Hiện nay độ mặn trên các sông đang tăng cao, nhóm nghiên cứu của ông Cua đang tiếp tục lai tạo ra giống lúa có khả năng chịu mặn cao hơn, thời gian sinh trưởng ngắn.

Tỉnh Cà Mau đã phối hợp với một số đơn vị có liên quan triển khai sản xuất giống lúa 6129 vàng (giống lúa lai nhập từ Ấn Độ) trồng trong vụ đông xuân, cho năng suất khoảng 10 tấn/ha trên đất lúa 2 vụ. Trường ĐH Cần Thơ vừa phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Cái Nước (Cà Mau) nghiên cứu thành công một giống lúa mới chịu được độ mặn 12,7‰ ở giai đoạn từ sau khi trổ bông, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần. 

Người dân tham quan mô hình trồng lúa chịu mặn của Trường ĐH Cần Thơ. 

Ông Võ Hữu Thoại (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết: “Trên kết quả lai tạo và trồng thử nghiệm ngoài đồng cho thấy 5 dòng/giống cây có múi gồm: cây Sảnh, bưởi Bung (Bến Tre), cây Bòng (Huế), bưởi Hồng Đường (Cần Thơ) bưởi Đường Hồng (Bình Dương) tiếp hợp tốt với bưởi da xanh. Trong đó, bưởi da xanh ghép trên gốc ghép cây Sảnh và cây Bòng có sức sinh trưởng mạnh, đồng thời thể hiện chống chịu mặn trong điều kiện mặn 8‰”. 

Viện Cây ăn quả miền Nam cũng lai tạo được giống từ xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu ghép trên gốc ghép xoài 13-1, xoài Châu Hạng Võ và xoài Ghép Xanh tại tỉnh Bến Tre chống chịu được độ mặn 22‰.

GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật nông nghiệp miền Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đạt thắng lợi lớn trong thập niên qua nhờ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng hết sức tích cực nhưng đã đụng trần. Bây giờ là lúc chuyển qua giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Cải tiến giống lúa vẫn được xem là khâu trọng yếu trước biển đổi khí hậu và nước biển dâng.”

Văn Vĩnh - Như Anh
.
.