Tăng cường hợp tác quốc tế trong ngăn chặn và xử lý tin giả trên không gian mạng

Thứ Năm, 02/03/2023, 14:50

Ngày 2/3, tại Bắc Ninh, Hội đồng Lý luận Bộ Công an và Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Ngăn chặn, xử lý tin giả trên không gian mạng, lý luận và thực tiễn”. Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương, Ủy viên Hội đồng lý luận Bộ Công an, Trưởng Tiểu ban Lý luận hậu cần, kỹ thuật CAND, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND chủ trì hội thảo.

 Tin giả ngày càng khó kiểm soát

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý trong và ngoài lực lượng CAND.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo nhấn mạnh, tin tức giả không phải là một hiện tượng mới, nhưng những kỹ thuật, thuật toán truyền thông trên không gian mạng đã tạo ra nhiều hình thức và kênh tương tác giúp lan truyền, tác động mạnh vào tư tưởng, nhận thức của người xem. Mạng xã hội, các ứng dụng OTT đang góp phần làm tin giả khó kiểm soát. Điều này giúp tin giả lan rộng nhanh chóng, đôi khi khó hiểu vì khi một cá nhân xem, đọc một tin giả có cảm giác phù hợp niềm tin sẵn có trước đó của họ, họ sẽ có xu hướng bỏ qua bước xác minh tính chân thực của thông tin mà kể lại, chia sẻ với bạn bè, người thân, người quen về những “phát hiện” này.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng -0
Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.

Các nhà khoa học về an ninh mạng gọi đây là cơ chế lan truyền thông tin đặc thù, tương tự với việc đánh đổi thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về công nghệ của một bộ phận quần chúng. Hiểu, phân tích được cơ chế lan truyền thông tin này sẽ giúp nắm được bản chất, đi sâu được vào các giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, xử lý tin giả.

Trong thực tế những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đã có nhiều nỗ lực nhằm chống lại tin giả như ban hành Luật Chống tin tức giả, hay chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ phải nghiên cứu các bộ lọc tự động có khả năng kiểm tra và xác minh thông tin trực tuyến. Liên minh châu Âu, mà cụ thể là Đức đã xem xét dự luật xử phạt hành chính, có điều khoản phạt lên đến 50 triệu euro đối với các công ty công nghệ, mạng xã hội chậm chạp trong việc xử lý các tin tức giả, kích động và tin bôi nhọ, phỉ báng. Điều này buộc Facebook phải tổ chức bộ máy nhân sự kiểm duyệt khổng lồ lên tới 2.000 người tại Liên minh châu Âu. Tại Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore, Indonesia, Cambodia, Malaysia… đã ban hành các đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật về chống tin giả.

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Ngăn chặn và xử lý tin giả trên không gian mạng, lý luận và thực tiễn” là thực sự cần thiết.

 Trang bị kiến thức để người dùng tự thiết lập “bộ lọc” thông tin

Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến của đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung trao đổi về tin giả và các tác động, ảnh hưởng, hậu quả của của tin giả trên không gian mạng; cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý của việc ngăn chặn, xử lý tin giả trên không gian mạng; thực trạng phát tán tin giả trên không gian mạng và xu hướng phát tán tin giả trên không gian mạng.

Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp phòng chống tin giả trên không gian mạng như các giải pháp kỹ thuật mới, công nghệ mới trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng; hoàn thiện chính sách, pháp luật trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng; xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng; xây dựng cơ chế liên ngành, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng; đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng -0
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo.

Đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của tin giả trên không gian mạng, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết, về mặt tư duy, phải chuyển từ tư duy chú trọng triệt phá sang tư duy quản trị rủi ro, nghĩa là tạo các khung khổ, cơ chế, thể chế để điều chỉnh chủ động, giảm thiểu ảnh hưởng của tin giả trên không gian mạng. Bên cạnh việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để xử lý tin giả, giải pháp hàng đầu mà nhiều quốc gia sử dụng để đối phó với vấn nạn này là cần chú trọng hơn đến việc xây dựng các công cụ khác, xây dựng niềm tin cho cộng đồng mạng cũng như cung cấp kiến thức để người sử dụng tự thiếp lập cho mình “bộ lọc” thông tin và sức đề kháng trước sự tác động của tin giả.

Hai là phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan báo chí trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội; cung cấp thông tin chính xác về những vấn đề dư luận xã hôị quan tâm. Ba là nâng cao hiệu quả phối hợp lực lượng trong đấu tranh với “vấn nạn” tin giả. Trong đó, các cơ quan chuyên trách phải tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật, hoàn thiện hành lang pháp lý; các cơ quan khác có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chung cho cộng đồng.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng -0
GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội tham luận tại hội thảo.

Đồng quan điểm trên, GS. TS Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường chia sẻ thông tin về cách thức nhận diện tin giả; xây dựng công cụ nhận diện, sàng lọc, kiểm chứng các nguồn tin trên không gian mạng, khuyến khích sự đóng góp, tham gia của cộng đồng trong việc phát hiện tin giả; hoàn thiện hành lang pháp lý và xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống tin giả.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có giải pháp phù hợp với thực tiễn Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND đã ghi nhận và đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng -0
Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND phát biểu tại hội thảo.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, từ thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, các ý kiến tại hội thảo đã đi đến thống nhất rằng, việc xử lý tin giả cần đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc nghiên cứu thành lập các tổ chức, đơn vị chuyên trách có chức năng thực hiện và nghiên cứu các giải pháp phát hiện, phòng ngừa và xử lý tin giả trên không gian mạng là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hoạt động giáo dục và tuyên truyền phòng, chống tin giả. Đặc biệt, trong công tác phòng ngừa, việc nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, nâng cao sức đề kháng tự thân là giải pháp căn cơ, cốt lõi. Khi quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, tin giả tự sẽ có ít không gian tác động.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả trên không gian mạng -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Ngoài ra, cần chú trọng hợp tác quốc tế trong vấn đề ngăn chặn và xử lý tin giả. Lý do là tin giả không chỉ xuất hiện ở trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, mà còn có thể ở bất cứ nơi đâu trên thế giới nhưng có tác động ngay lập tức tới tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; tác động của tin giả có thể là vô cùng lớn nếu được sử dụng có mục đích.

Do vậy, coi trọng hợp tác quốc tế không chỉ giúp tăng cường các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia, các tổ chức, các nhà nghiên cứu để từng bước xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung tạo thuận lợi cho việc phối hợp, hợp tác quốc tế trong phát hiện, phòng ngừa, xử lý tin giả trên không gian mạng mà còn giúp chúng ta hiểu được phương thức, thủ đoạn, đặc trưng riêng trong việc tung tin giả ở các quốc gia khác nhau. Từ đó, có biện pháp phòng, chống, xử lý phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Huyền Thanh
.
.