Nêu cao trách nhiệm, chủ động thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2023

Thứ Hai, 19/12/2022, 17:02

Đó là quyết tâm chung của lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương bày tỏ tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78. Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo, gương mẫu, đoàn kết... thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2023.  

Trung tướng Trịnh Ngọc Bảo Duy, Cục trưởng Cục Kế hoạch và tài chính: Đảm bảo kế hoạch, tài chính, tăng cường nguồn lực hiện đại hoá cơ sở vật chất của lực lượng CAND đến năm 2030

Trên cơ sở bám sát chủ trương của Nhà nước và Bộ Công an, công tác kế hoạch và tài chính những năm gần đây có nhiều đổi mới, chuyển mạnh phương châm từ “phục vụ” sang “chủ động đảm bảo”, kịp thời phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND.

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 118 của Đảng ủy Công an Trung ương, Cục Kế hoạch và tài chính đã hoàn thiện, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa cơ sở vật chất của lực lượng CAND đến năm 2030”. Đây là đề án được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá là đề án cốt lõi, có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Mục tiêu của Đề án là tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất, kỹ thuật trên tất cả các lĩnh vực, hệ lực lượng, các cấp Công an. Đề án xác định 138 danh mục nhiệm vụ đầu tư, được hiểu như quy hoạch tổng thể về đầu tư hiện đại hóa lực lượng CAND đến năm 2030 để làm cơ sở, định hướng, lộ trình ưu tiên triển khai và cân đối nguồn lực trong từng giai đoạn.

Thời gian tới, Cục Kế hoạch và tài chính tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ Công an đảm bảo kinh phí chi nuôi quân, nuôi phạm, thực hiện chế độ chính sách và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của toàn lực lượng. Báo cáo Nhà nước quan tâm chỉ đạo, phê duyệt và bố trí nguồn lực thực hiện Đề án “Hiện đại hóa cơ sở vật chất của lực lượng CAND đến năm 2030” đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách tài chính, đầu tư, tiêu chuẩn, định mức; tăng cường huy động tối đa nguồn lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, đầu tư hàng năm và từng giai đoạn…

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục ANM và PCTP sử dụng công nghệ cao: Giải quyết những thách thức, yếu tố đột xuất, bất ngờ trên không gian mạng  

Trong năm 2022, không gian mạng tiếp tục là môi trường chủ yếu của các hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy, lãnh đạo Cục, CBCS Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM & PCTP) sử dụng công nghệ cao đã đoàn kết, thống nhất; hoàn thành xuất sắc mục tiêu, yêu cầu và chương trình nhiệm vụ công tác đặt ra, giải quyết những thách thức, yếu tố đột xuất, bất ngờ trên không gian mạng.

Nổi bật, đã chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án, đảm bảo tuyệt đối ANTT trên không gian mạng; phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương xử lý nhanh, dứt điểm các “điểm nóng” về ANTT; triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao nguy hiểm, có quy mô lớn, liên tỉnh, với phương thức thủ đoạn mới, tinh vi. Trong năm, đơn vị đã chủ trì đấu tranh, triệt phá 65 chuyên án; phối hợp với cơ quan điều tra các cấp khởi tổ khởi tổ 52 vụ án, 265 bị can.

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Chất lượng, hiệu quả hệ thống tác chiến thông tin, truyền thông xã hội trên môi trường mạng được nâng cao. Qua đó, đã tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ANM; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ ANQG, TTATXH trong tình hình mới.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, năm 2023, Cục ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao sẽ tập trung thực hiện 5 mặt công tác trọng tâm. Cùng với việc tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về chuyển đổi số, đi đôi với công tác bảo đảm ANM, đơn vị sẽ tiếp tục làm tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình trên không gian mạng; tập trung xây dựng, nâng cao tiềm lực của lực lượng ANM & PCTP sử dụng công nghệ cao; tăng cường quan hệ hợp quốc tế với một số đối tác mới trên lĩnh vực ANM.

Trung tướng, GS, TS Trần Minh Hưởng, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, nguyên Giám đốc Học viện CSND: Triển khai hiệu quả Nghị quyết 12 trong công tác giáo dục, đào tạo học viên

Năm học 2022 -2023, chúng tôi đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị và chương trình đào tạo của Bộ Công an về hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần cung cấp cho lực lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, Học viện CSND đã chú ý 3 nội dung chính. Thứ nhất là xây dựng đội ngũ giáo viên. Cụ thể, đã hiện đại hoá nội dung, chương trình đào tạo của giáo viên, nâng cao trình độ, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học để các giáo viên có thể làm việc trong môi trường quốc tế. Đồng thời, nâng cao kỹ năng thực hành, đảm bảo giáo viên dạy các môn nghiệp vụ đều thạo nghề. Cho đến thời điểm này, Học viện CSND đã có hơn 200 giáo viên nghiệp vụ được thực tế ít nhất  2- 3 năm ở đơn vị chiến đấu, số còn lại đang thực tế. Học viên được đào tạo 50% lý thuyết, 50% thực hành, đảm bảo học viên ra trường có thể bắt tay làm việc được ngay vì đã qua thực hành. 

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Thứ 2, năm học vừa qua có sự phối hợp chặt chẽ nhất giữa Học viện CSND với các Cục nghiệp vụ và Công an các đơn vị, địa phương trong công tác giáo dục, đào tạo. Chúng tôi đã huy động được đông đảo đội ngũ giáo viên kiêm chức lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ như hình sự, ma tuý, kinh tế tham gia giảng dạy nên việc đào tạo đã gắn được lý luận với thực tiễn.

Thứ 3 là vấn đề “số hoá”. Học viện CSND được đánh giá là trường đi đầu về xây dựng nhà trường thông minh. Theo đó, tất cả công tác đào tạo, quản lý học viên, giáo trình, giáo án điện tử, đến các chương trình cập nhật đều được số hoá với 38 phần mềm tích hợp trong công tác quản lý, từ quản lý học viên đến quản lý chương trình đào tạo, quản lý các hệ thi. Đây cũng là bước ngoặt rất lớn, được nhiều trường quân đội và CAND đến tham quan, học hỏi. Năm vừa rồi, Học viện CSND đạt nhiều giải lớn, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi quốc gia và các cuộc thi như Olympic tin học, ngoại ngữ và các cuộc thi do Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Công an tổ chức.

Đặc biệt, Học viện CSND đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ làm tốt công tác đào tạo lực lượng giữ gìn hoà bình. Vì vậy, trong đợt đầu tiên, cán bộ của Học viện CSND đã vượt qua gần 200 đối thủ của các nước trở thành người duy nhất trúng tuyển vào lực lượng chuyên gia về đấu tranh chống tội phạm có tổ chức của Liên hiệp quốc, làm sỹ quan chỉ huy cảnh sát quốc tế tại New York. Ngoài ra, 1 đồng chí nữa được đi Nam Sudan. Trong số 8 người dự bị thì có 4 người của Học viện.

Thiếu tướng Trần Hải Quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ: “Lá chắn thép” trong sự nghiệp “bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ”

Lực lượng Cảnh vệ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các sự kiện đặc biệt quan trọng và các mục tiêu trọng yếu. Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh vệ luôn khẳng định là lực lượng tuyệt đối trung thành, là “lá chắn thép” trong sự nghiệp “bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ”.

Ý thức được vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh vệ và trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Nhà nước, Bộ Công an tin tưởng giao phó, để thực hiện tốt công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn các đối tượng cảnh vệ, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho toàn thể cán bộ, đảng viên.

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Xác định công tác cán bộ là gốc, yếu tố quyết định t trong công tác cảnh vệ, đơn vị đã tập trung thực hiện tốt kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị; xác định lộ trình từng bước hoàn thiện thể chế; hoàn thiện tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đổi mới công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ huy. Làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ xây dựng, ban hành những định hướng, chủ trương, chính sách sát hợp trong công tác cảnh vệ. Tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác nghiệp vụ; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn cho các đối tượng cảnh vệ; tổ chức tập luyện các phương án xử lý các tình huống nghiệp vụ để bảo đảm an ninh, an toàn trên 3 không gian: trên không, mặt đất và dưới lòng đất. Nghiên cứu triển khai các Đề án, dự án trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo đảm tiềm lực về cơ sở vật chất, trang bị hiện đại cho lực lượng Cảnh vệ. Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan đơn vị trong lực lượng Công an, quân đội và các Bộ, ban, ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong công tác cảnh vệ.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND: Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Toà soạn hội tụ chuyên biệt, hiện đại

Năm 2022, Cục Truyền thông CAND đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên tuyền, xuất bản, điện ảnh, góp phần định hướng dư luận. Đặc biệt, công tác định hướng, triển khai hoạt động tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu, sát thực tế, đã làm nổi bật được vai trò của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và quyết tâm xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc...

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung lớn theo chỉ đạo của Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng Cục Truyền thông CAND hiện đại, đa phương tiện, nòng cốt là chuyển đổi số và xây dựng Toà soạn hội tụ với đặc thù chuyên biệt, riêng có, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của thực tiễn. Cùng với đó, tập trung triển khai Đề án Xây dựng và phát triển Điện ảnh CAND thành một trong các trụ cột phương tiện truyền thông chủ lực của Cục; Đề án Xây dựng Phát thanh CAND phát sóng 60 phút hằng ngày như hiện nay trở thành Kênh phát thanh với thời lượng 24h/ngày, phù hợp với mọi đối tượng và vùng, miền trên toàn quốc. Tăng cường công tác phối hợp giữa Cục Truyền thông CAND với các đơn vị trong nước và quốc tế; đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng trụ sở Cục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cũng như yêu cầu phát triển trong tương lai.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH): Quyết tâm chính trị thực hiện Đề án 06

Năm 2022, với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác bảo đảm ANTT, đặc biệt trên lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội nhưng với quyết tâm chính trị, Đảng ủy, lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã xác định phương châm hành động của toàn lực lượng: “Ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức vì Nhân dân phục vụ”, qua đó đạt được một số kết quả nổi bật. Đặc biệt, đã tham mưu lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành Quyết định số 06 phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Gần một năm triển khai thực hiện, đã đạt được kết quả rất quan trọng, lực lượng CAND đã phát huy tốt vai trò thường trực, tiên phong, gương mẫu đi đầu, từng bước phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu của Đề án 06, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra, với vai trò là Cơ quan thường trực, Đảng ủy, lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tiếp tục tham mưu, đề xuất thực hiện một số giải pháp như: Bảo đảm triển khai thống nhất từ trung ương đến địa phương, trong đó duy trì thường xuyên việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật theo lộ trình của Đề án 06; tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nghiên cứu, xây dựng phương án, lộ trình cắt giảm bộ phận cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp; bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu, đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu căn cước công dân, định danh điện tử… Ngoài ra, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các mặt công tác khác của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH.

Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên: Chủ động, trách nhiệm, hiệu quả trong phòng, chống tội phạm ma túy vùng biên

Xác định Điện Biên là một trong những trọng điểm, tuyến lửa phức tạp của cả nước; hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp ở vùng biên với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hầu hết có vũ khí “nóng” sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ, Công an Điện Biên đã chủ động đẩy mạnh công tác an ninh đối ngoại, hợp tác quốc tế với Công an tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đặc biệt với Công an 6 tỉnh Bắc Lào. Từ đó nắm tình hình từ xa, phối hợp phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm; giúp bạn giữ vững an ninh trật tự (ANTT), loại trừ những yếu tố phức tạp tiềm ẩn ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng giữ vững ANTT trên địa bàn Điện Biên và địa bàn Tây Bắc.

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Hai bên đã thường xuyên trao đổi tình hình để có các giải pháp phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm ANTT tuyến biên giới; tăng cường mối quan hệ đặc biệt tin cậy lẫn nhau giữa Công an Điện Biên với lực lượng Công an 6 tỉnh Bắc Lào. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi, song trong những năm qua, Công an Điện Biên xác định giúp bạn là tự giúp mình, huy động mọi điều kiện đầu tư, nâng cấp Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo đảm cho việc tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm.

Đồng thời mở rộng giao lưu; duy trì việc tổ chức định kỳ khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho cán bộ, chiến sĩ Công an 6 tỉnh Bắc Lào; xây dựng, tặng trụ sở làm việc cho Công an của 32 cụm bản giáp biên Việt Nam... Kết quả trên được Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong công tác hợp tác quốc tế với nước bạn Lào, được Chính phủ và Bộ An ninh Lào và Đảng bộ, chính quyền các tỉnh Bắc Lào ghi nhận.

Qua đó, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma tuý hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma tuý cực lớn. Đã phát hiện, bắt giữ 953 vụ, 1.088 đối tượng phạm tội về ma túy (số vụ bắt giữ đạt 100,9% chỉ tiêu Bộ Công an giao trong năm 2022); thu 172,9 kg heroin, 182,2 kg ma tuý tổng hợp, 9,23 kg thuốc phiện, 1 khẩu súng...

Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông: Bám cơ sở - vì Nhân dân phục vụ.

Năm 2022, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông cụ thể hóa phương châm "Bám cơ sở - vì Nhân dân phục vụ", chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, sâu sát với từng nhiệm vụ, trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh Công an các đơn vị, địa phương khắc phục tồn tại, hạn chế trên các mặt công tác; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và nếp sống văn hoá vì Nhân dân phục vụ.

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Để củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở, Công an tỉnh đã tăng cường công tác xây dựng, bồi dưỡng lực lượng Công an xã và phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo đảm ANTT ở cơ sở; triển khai mô hình Dân vận khéo cấp tỉnh "Tôi làm Công an xã", phân công trên 500 lượt CBCS các phòng, các huyện tăng cường nhiều đợt, mỗi đợt 3 tháng tại Công an các xã. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền địa phương đến từng thôn, bon, bản tổ chức 255 đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, củng cố 35 mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở; triển khai 98 chương trình xã hội tình nghĩa, tặng quà trị giá gần 5 tỷ đồng, tạo hiệu ứng tích cực, sâu rộng.

Từ các kết quả trên đã tạo tiền đề để Công an tỉnh Đắk Nông thực hiện hiệu quả các mặt công tác bảo đảm ANTT: Kéo giảm 16,67% tội phạm về trật tự xã hội; tỷ lệ điều tra, khám phá án 97,19%, riêng trọng án đạt 100%; triệt phá 9 đường dây tổ chức cá độ bóng đá qua mạng internet quy mô lớn; khởi tố 6 vụ, 16 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ, thu hồi 100% số tài sản tham nhũng; triệt phá 5 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn, xuyên quốc gia...

Đại tá Huỳnh Việt Hòa, Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang: Tạo khí thế thi đua sôi nổi từ tỉnh đến địa phương cơ sở

Trong năm 2022, Công an tỉnh Hậu Giang đã cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu thi đua và tổ chức phát động trong lực lượng Công an toàn tỉnh với khẩu hiệu “Chủ động, Nêu gương, Kỷ cương, Trách nhiệm, Hiệu quả”, gắn kết chặt chẽ với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Tổ chức phát động 7 đợt thi đua ngắn, thi đua đặc biệt nhân các sự kiện chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm của Đảng và của Ngành. Với vai trò Cụm trưởng Cụm thi đua số 9 – Bộ Công an, Công an tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua, Quy chế hoạt động và Kế hoạch kiểm tra chéo, thang điểm… Công an các đơn vị, địa phương và các Cụm thi đua thuộc Công an tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Kế hoạch với nội dung, chỉ tiêu phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương mình; Cụm trưởng các Cụm thi đua tổ chức ký giao ước thực hiện phong trào thi đua giữa các đơn vị trong cụm. Từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi từ tỉnh đến địa phương cơ sở.

Ý kiến của các đại biểu gửi tới Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78 -0

Trong khí thế thi đua đó, Công an tỉnh Hậu Giang đã chủ động tham mưu giải quyết ngay từ đầu các vụ việc phức tạp không để hình thành “điểm nóng”, khiếu kiện đông người, vượt cấp; đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị trên địa bàn; tai nạn giao thông kéo giảm trên cả 3 tiêu chí, tình hình tội phạm được kéo giảm, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt theo yêu cầu của Bộ. Tiếp tục bố trí tăng cường cho lực lượng cơ sở, trực tiếp chiến đấu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh CAND, từ đó cán bộ, đảng viên thể hiện tính tiền phong, gương mẫu, chất lượng công tác được nâng lên, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. 

Nhóm PV
.
.