Ký ức của vị tướng già về người đồng đội trước ngày dũng cảm hy sinh

Thứ Năm, 28/07/2022, 08:20

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng Phan Văn Lai và hàng ngàn CBCS Công an miền Bắc được Bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam, trong đó ông được phân công chi viện cho Ban An ninh Khu Trị Thiên - Huế, giữ chức Chánh Văn phòng Ban An ninh Khu Trị Thiên - Huế. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường đã để lại trong ông biết bao kỷ niệm không thể nào quên.

Bài viết được ghi theo lời của Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Văn Lai, Trưởng Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Bộ Công an, nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh Khu Trị Thiên - Huế kể về những kỷ niệm với liệt sĩ Lê Như Khánh (bí danh Thanh Long) - Trưởng ban An ninh huyện Hương Thuỷ, trong những ngày ông và đồng chí Lê Như Khánh chi viện công tác an ninh ở chiến trường Trị Thiên – Huế.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng Phan Văn Lai và hàng ngàn CBCS Công an miền Bắc được Bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam, trong đó ông được phân công chi viện cho Ban An ninh Khu Trị Thiên - Huế, giữ chức Chánh Văn phòng Ban An ninh Khu Trị Thiên - Huế. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường đã để lại trong ông biết bao kỷ niệm không thể nào quên.

Ký ức của vị tướng già về người đồng đội trước ngày dũng cảm hy sinh -0
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai lần giở những tấm ảnh cũ ghi lại kỷ niệm thời trai trẻ cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế.

Một trong những kỷ niệm vẫn khắc sâu trong ký ức ông, đó là lời dặn dò của người đồng đội - liệt sĩ Lê Như Khánh. Những lời dặn dò ấy như một dự cảm của người đồng đội biết trước “ngày ra đi không hẹn ngày về”, nhưng vẫn không hề chùn bước, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại: “Thực hiện chủ trương của Khu ủy Trị Thiên - Huế mở đợt “Tấn công toàn diện mùa Thu năm 1967”, tôi có dịp về huyện Hương Thủy, được gặp lại đồng chí Lê Như Khánh (bí danh Thanh Long), Trưởng ban An ninh huyện Hương Thuỷ mà đã hai năm chúng tôi xa nhau, về tuổi đời tôi lớn hơn Khánh 7 tuổi, lại là người cùng quê nên Khánh coi tôi như anh ruột của mình. Đêm đó tại hậu cứ huyện Hương Thủy, chúng tôi không sao ngủ được. Cả hai người ngồi sát nhau bên bếp lửa, chúng tôi ôn lại kỷ niệm buổi chia tay vợ con trước ngày lên đường chi viện vào chiến trường miền Nam.

Ngày ấy, chúng tôi cùng công tác ở Công an tỉnh Hà Nam, cùng được Bộ Công an triệu tập lớp đi B tháng 12/1962, cùng được chi viện vào Ban An ninh Trị Thiên - Huế. Chúng tôi có rất nhiều thứ “cùng” rất giống nhau, đó là cùng có con trai sinh năm 1962. Vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là chúng tôi sẽ lên đường chi viện chiến trường miền Nam thì vợ tôi và vợ Khánh cùng bồng bế con trai nhỏ còn bú mẹ tất tả lên Trường Công an Trung ương thăm chồng. Đây là thời điểm nhà trường rất hạn chế việc các học viên lớp chi viện tiếp xúc với gia đình nhằm giữ bí mật cho chuyến đi.

Tôi và Khánh cố ghìm nén tình cảm, tỏ ra vui vẻ như mọi lần và giữ kín về chuyến đi công tác xa sắp tới. Chúng tôi chỉ được phép trò chuyện chốc lát ở phòng thường trực của trường, ôm hôn đứa con thơ rồi động viên hai người vợ: “Các anh đang còn thời gian học tập, chủ nhật tới các anh sẽ về Phủ Lý thăm em và các con. Con chúng mình còn nhỏ, trời rét, đường xa, tàu xe khó khăn vất vả lắm, cứ một hai tuần các anh sẽ về thăm”. Nói vậy, chứ tôi và Khánh đều hiểu rõ đó chỉ là lời an ủi, động viên người vợ trẻ của mình. Sự thật, cho đến ngày lên đường đâu còn cơ hội về thăm nữa.

Trời khuya, câu chuyện giữa hai người chúng tôi đang muốn dứt thì chợt Khánh dừng lại nhìn tôi với nét đăm chiêu rồi nói: “Anh Thi (tức Phan Văn Lai)! Công tác ở huyện gian khổ ác liệt lắm, em làm cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu lăn lộn trong quần chúng ở cơ sở mới động viên anh em được. Hy sinh là chuyện khó tránh khỏi nên em có mệnh hệ nào, may mắn anh còn sống thì anh cố tìm lại phần còn lại của em và đưa em về quê hương nhé!”. Tôi sững sờ, cố trấn tĩnh lại để động viên Khánh: “Sao Khánh lại nói chuyện gở thế, anh em mình cao số lắm, kháng chiến thắng lợi anh em mình lại cùng nhau về Phủ Lý trả món nợ cũ cho hai nàng như lời đã hứa hẹn năm xưa tại Trường Công an Trung ương chứ!”.

Động viên Khánh vậy thôi, chứ ai đã từng lăn lộn hoạt động bám trụ trong dân ở cơ sở đều thấu hiểu phải chấp nhận cuộc sống lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà, mưa gió đội trời che thân, giá rét lấy sương sưởi ấm, đói lòng lấy nước thay cơm và sẵn sàng  hy sinh thân mình cho đất nước. Những lời Khánh nói làm lòng tôi bỗng se lại trong giây lát. Đó là tâm can sâu thẳm của Khánh, một suy nghĩ thoáng chốc xuất hiện ở một con người bận rộn bởi hầu như toàn bộ thời gian, ý nghĩ đều bị chiếm lĩnh bởi những trận chiến đấu sinh tử để đem lại sự sinh tồn cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Tôi thầm nghĩ thật đau xót nếu điều đó xảy ra với tôi hoặc Khánh. Vợ con chúng mình sẽ sống ra sao? Sẽ đau khổ đến mức nào? Nhưng đó là sự nghiệp cách mạng, nếu không có lớp người chịu hy sinh làm sao có có kháng chiến thắng lợi, có độc lập, tự do, thống nhất, có gia đình hạnh phúc cho mọi người. Suy nghĩ đó lại chiếm lĩnh tâm hồn tôi và Khánh. Cả tôi và Khánh đều đã sẵn sàng nếu điều đó xảy ra”.

Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại, đồng chí Lê Như Khánh là một cán bộ lãnh đạo xông xáo, dũng cảm và mẫu mực. Từ ngày được điều động về huyện Hương Thủy làm Trưởng Ban An ninh huyện, đồng chí đã phát huy tốt vai trò của mình, được lãnh đạo An ninh tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, huyện Hương Thủy là một trọng điểm bình định của địch, chúng càn quét, chà đi, xát lại nhằm tiêu diệt cơ sở cách mạng và cán bộ nằm vùng.

Ở giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt ấy, đại bộ phận cán bộ chiến sỹ đều phải được đưa lên căn cứ miền núi hoặc cho ra Bắc để bảo toàn lực lượng. Số cán bộ ở lại bám trụ trong dân cứ lần lượt hy sinh, đồng chí Lê Như Khánh vẫn nêu cao tinh thần, bản lĩnh của người cán bộ Công an chi viện, kiên cường bám trụ ở cơ sở.

Mặc dù được nhân dân thôn Lang Xá Cồn, xã Thủy Thanh nuôi dưỡng, bảo vệ nhưng vẫn không tránh khỏi hiểm nguy. Rồi một lần bị địch xăm trúng hầm bí mật, biết rõ trong hầm có người, bọn chúng kêu gọi đầu hàng, không còn cách nào, với khí phách anh hùng và tấm lòng kiên trung với Đảng, với nước, với dân quyết không chịu đầu hàng địch, đồng chí Lê Như Khánh đã bung nắp hầm, nhảy lên chiến đấu, bắn trả quyết liệt vào kẻ thù và anh dũng hy sinh.

Ghi nhớ công ơn người cán bộ Công an chi viện quê miền Bắc đã chẳng tiếc máu xương vào chiến đấu giải phóng cho quê hương mình, đồng bào và cơ sở cách mạng Thừa Thiên – Huế vô cùng đau buồn, tiếc thương người cán bộ an ninh Lê Như Khánh và đã bí mật chôn cất, hương khói nơi anh yên nghỉ được an lành trong suốt những năm tháng chiến tranh.

Thiếu tướng Phan Văn Lai kể: “Ngay sau ngày tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng (26/3/1975), tôi về ngay nơi Lê Như Khánh hy sinh và được nhân dân đưa đến mộ chí của anh. Thắp nén hương thơm, tôi nghẹn ngào chia sẻ với người đã khuất: “Hôm nay, anh lại đến với em như ngày nào gặp nhau ở Hương Thủy, mà sao âm dương cách biệt, mà sao em chỉ còn lại phần hồn nơi an giấc ngàn thu. Khánh ơi, em vẫn còn sống mãi trong lòng đồng bào, đồng chí đồng đội. Em hãy phù hộ cho vợ con em được hạnh phúc. Anh không bao giờ quên lời em đã dặn dò”.

Đồng thời ông và mấy người đồng đội đã chụp ảnh ngôi mộ của liệt sĩ Lê Như Khánh, gửi ngay về cho vợ và con của anh ngoài miền Bắc báo tin. Vài năm sau, được sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công an tỉnh Nam Hà, hài cốt của liệt sĩ Lê Như Khánh đã được đưa về quê hương, tổ chức trọng thể lễ an táng tại nghĩa trang quê nhà ở TP Nam Định.

Tâm Phạm
.
.