Chuyển đổi số - Ghi tại một số cơ sở y tế Công an miền Trung:

Hiện thực hoá khát vọng y tế sáng tạo (kỳ cuối)

Thứ Bảy, 16/03/2024, 07:07

Chuyển đổi số (CĐS) trong y tế mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia, giúp cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính hiệu quả trong việc khám chữa bệnh (KCB) và đồng bộ hóa thông tin y tế. Việc đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực CĐS kết hợp chủ trương "Cải tiến - Kết nối - Đồng hành", cùng với sự nỗ lực không ngừng trên tinh thần vì dân phục vụ; việc triển khai thí điểm Đề án 06 Chính phủ và thực hiện Dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý y tế, quản lý bệnh viện, bệnh xá ngành Công an mà Bộ trưởng Bộ Công an giao phó bước đầu đã đem lại "trái ngọt" cho Bệnh viện 199 và nhiều đơn vị liên quan.

Dồn sức và tiếp tục nỗ lực vượt khó…

Theo Cục Y tế (Bộ Công an), cả nước hiện có 4 bệnh viện hạng I (thuộc Bộ Công an), 14 bệnh viện thuộc Công an cấp tỉnh (tương đương với bệnh viện hạng III), 49 Công an địa phương còn lại đều có bệnh xá. Nhiệm vụ khá nặng nề thế nhưng hiện nay, hầu hết các bệnh xá, trong đó có các bệnh xá thuộc Công an các tỉnh miền Trung vẫn đang ngày đêm nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS), thực hiện hiệu quả Đề án 06, phục vụ tốt nhất công tác chăm lo sức khoẻ cho CBCS và nhân dân. 

Đại tá Võ Thị Trinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, tập thể CBCS, nhân viên y tế của Bệnh xá Công an tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho CBCS Công an tỉnh, bên cạnh đó còn đẩy mạnh KCB BHYT cho thân nhân CBCS và nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, Bệnh xá đã có những biện pháp triển khai ứng dụng CNTT trong công tác KCB, quản lý sức khỏe, quản lý y tế nhằm nâng cao chất lượng KCB, quản lý sức khỏe CBCS, đảm bảo quân số khỏe sẵn sàng công tác, chiến đấu.

Hiện thực hoá khát vọng y tế sáng tạo (kỳ cuối) -0
Lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm đến công tác chuyển đổi số trong y tế CAND, trong đó có Bệnh viện 199. Thứ trưởng Lê Văn Tuyến trong lần kiểm tra việc đầu tư trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn tại Bệnh viện 199 vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, hiện hạ tầng trang thiết bị tại Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam mới đảm bảo mức cơ bản. Để thực hiện CĐS và áp dụng hiệu quả hệ thống phần mềm tại Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam, theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, cần nâng cấp hạ tầng trang thiết bị (như: hệ thống tường lửa, máy chủ, hệ thống đường truyền internet và các thiết bị hỗ trợ khác chưa đủ điều kiện triển khai phần mềm bệnh án điện tử). Ngoài ra, hệ thống phần mềm chưa được phát triển đầy đủ các phân hệ quản lý phù hợp với quy mô và tính chất của Bệnh xá, đặc biệt là chưa kết nối thông tin KCB của CBCS nên khi chuyển tuyến trên trong cùng hệ thống không tiết kiệm được chi phí do phải làm lại các xét nghiệm cận lâm sàng; hệ thống đảm bảo an ninh thông tin chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Nam hiện cũng chưa có cán bộ phụ trách CNTT. "Vừa qua, Công an tỉnh Quảng Nam đã có công văn về việc khảo sát phục vụ xây dựng Dự án ứng dụng CNTT trong quản lý y tế, quản lý bệnh viện, bệnh xá ngành Công an gửi Cục Công nghệ thông tin - Bộ Công an", Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết.

Trong khi đó, Thượng tá Lê Viết Phương, Trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, với số lượng CBCS đến kiểm tra sức khỏe và KCB tại Trạm xá tỉnh khá đông nhưng kể từ khi đơn giản hoá các thủ tục KCB BHYT, Bệnh xá có thể thực hiện KCB một cách nhanh chóng, tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục… Ngoài các nhiệm vụ triển khai công tác CĐS trong lĩnh vực y tế CAND mà Bệnh xá Công an tỉnh đã triển khai và mang lại hiệu quả thì hiện Bệnh xá Công an tỉnh đang phối hợp với ngành viễn thông để số hoá dần dần các loại giấy tờ nhằm tiến tới bệnh án điện tử, hồ sơ sức khoẻ điện tử.

Để tiến đến triển khai bệnh án điện tử, vừa qua, Bệnh xá Công an tỉnh đã hoàn thành triển khai chữ ký số - một bước quan trọng trong khâu số hóa bệnh án điện tử. Tất cả dữ liệu liên quan của CBCS đến KCB đều được đồng bộ lên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Khi hoàn thiện, điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các y, bác sĩ khi khai thác thông tin để chẩn đoán, điều trị.

"Bên cạnh chủ động triển khai tại đơn vị để phục vụ cho công tác KCB thì Bệnh xá Công an tỉnh cũng đang chờ văn bản hướng dẫn của Cục Y tế - Bộ Công an về việc chuyển đổi số ngành y tế Bộ Công an đảm bảo hệ thống thông tin y tế đồng bộ, liên thông toàn lực lượng, thực hiện bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, KCB từ xa… Trong quá trình CĐS, chúng tôi phấn đấu kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu cho y tế cơ sở trong CAND, góp phần vào thành công của Đề án 06 cũng như công cuộc CĐS trong y tế nói chung", Thượng tá Lê Viết Phương cho biết.

Hiện thực hoá khát vọng y tế sáng tạo (kỳ cuối)  -0
Từ đơn vị hoạt động y tế thủ công bằng hồ sơ giấy, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đã cải tiến số hóa hồ sơ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ người bệnh.

Vì sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc

Trở lại câu chuyện hiện thực hoá khát vọng y tế sáng tạo tại Bệnh viện 199, theo Đại tá, TS.BS Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199, tiếp nối những kết quả thành công bước đầu trong chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, Bệnh viện 199 đã ban hành "Đề án Y tế số thông minh giai đoạn 2023 - 2024, tầm nhìn đến năm 2030".

Đề án gồm 3 hạng mục chính, gồm: Triển khai sử dụng và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử; Xây dựng Core và Trục liên thông dữ liệu giữa các phần mềm dựa trên tài sản dữ liệu của đơn vị và Xây dựng phần mềm trình diễn gồm các mẫu báo cáo dành cho nhà quản trị, quản lý tại đơn vị. Điều tạo nên niềm tin vững chắc cho tập thể đơn vị hạ quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án vừa kể vẫn chính là những kết quả đã đạt được khi tất cả cùng hướng tới mục tiêu một bệnh viện thông minh - phá bỏ các giới hạn truyền thống từng được duy trì một thời gian dài trước đó.

Lãnh đạo Bệnh viện 199 bộc bạch với chúng tôi rằng, khi nói đến CĐS - Bệnh viện thông minh, nhiều người thường nghĩ đến các thành tựu về máy móc, phương tiện hiện đại tương thích với cái mà ta hay gọi là 4.0. Nhưng thực chất, tất cả mọi thứ muốn vận hành tốt phụ thuộc vào tư duy và hành động của con người. CĐS ngành y tế là mục tiêu và là định hướng phát triển đã được Chính phủ thông qua trong "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước xu thế công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, Bệnh viện 199 tự nhận thấy đã đến lúc hội nhập, thay đổi. Lấy con người làm trung tâm, Bệnh viện 199 đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch cụ thể, đổi mới tư duy làm việc, cải tiến cách thức triển khai công việc nội và ngoại viện.

"Từ đơn vị hoạt động y tế thủ công bằng hồ sơ giấy, Bệnh viện 199 đã cải tiến số hóa hồ sơ, can thiệp một phần hồ sơ bệnh án bằng công nghệ thông tin từ cách nay 5 năm. Cùng với tâm thế không ngại đổi mới, không chạy theo mà phải dẫn đầu, và với sự kết hợp hoàn hảo giữa nguồn nhân lực sẵn có và công nghệ hiện đại chính là bí quyết giúp chúng tôi bước đầu CĐS thành công", Đại tá, TS.BS Quách Hữu Trung chia sẻ.

Theo lãnh đạo Bệnh viện 199, nền tảng số tập trung dữ liệu đã giúp đơn vị tạo ra đột phá trong năng suất làm việc, khai thác hiệu quả dữ liệu, hình thành lợi thế cạnh tranh động. Không chỉ là câu chuyện của riêng một khoa, một phòng, CĐS trở thành câu chuyện chung của toàn bộ Bệnh viện 199. Tòa nhà 11 tầng của Bệnh viện được trang bị hệ thống IBS (InBuilding System) giúp tăng cường sóng di động đến mọi điểm. Hệ thống loa nội bộ và màn hình bao phủ toàn bộ bệnh viện tạo nên nền móng cơ sở vật chất giúp từng bước thay đổi mô hình vận hành. Dữ liệu của tất cả các khoa trong Bệnh viện hiện đều được tái cấu trúc, tối ưu hoá hồ sơ lên phần mềm. Đơn vị đã tích cực xác lập chính xác mục tiêu, nhóm chức năng cần chú trọng đầu tư, từ đó tìm ra các giải pháp tăng mức độ hài lòng của bệnh nhân qua việc ứng dụng CNTT, thiết bị kỹ thuật số, mạng - truyền dẫn…

Trong số hơn 30 phần mềm trên máy tính mà Bệnh viện 199 đang ứng dụng, có phần mềm quản lý điều hành Edoc199 được sáng tạo và phát triển bởi chính người đứng đầu Bệnh viện - Đại tá Quách Hữu Trung và một cộng sự thuộc quyền. Phần mềm này đã được đăng ký và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả. Đến nay, Edoc199 được 24 đơn vị trong và ngoài ngành Công an đăng ký chuyển giao, trong đó có 13 đơn vị đã chuyển giao như: Bệnh viện 19/8, Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an), Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng); Bệnh viện Công an tỉnh Cà Mau; Bệnh xá Công an các tỉnh: Hải Dương, Long An, Kon Tum, Quảng Nam,... Vận hành theo ứng dụng này, các bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện có thể tiết kiệm tới 90% thời gian so với làm việc theo phương thức truyền thống bởi mọi thủ tục, hồ sơ đều có thể đồng thời xét duyệt ngay.

Với định hướng xây dựng con người là trung tâm, hiện đại về con người trước đi đôi với hiện đại về phương tiện, hậu cần, kỹ thuật, Bệnh viện 199 cũng đã chủ động xây dựng triển khai các đề án, kế hoạch liên kết đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, y học… cho CBCS.

"Trong nỗ lực tạo dựng, vun đắp và phát triển thương hiệu, song song với công tác chuyên môn y tế, đơn vị xác định tận dụng thời cơ để phát triển về nhiều mặt khác như CNTT, hợp tác chuyển giao; đồng thời đang bước đi từng bước vững chắc trong chiến lược xây dựng Bệnh viện thông minh hàng đầu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Qua đó, Bệnh viện 199 cùng các bệnh xá tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả, đó là chăm sóc sức khoẻ CBCS trong lực lượng CAND và trở thành cơ sở y tế, nơi chăm sóc sức khoẻ tin cậy của người dân", cùng thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc nói chung, đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy, tôn vinh của xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Đại tá, TS.BS Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 bộc bạch thêm.

Nhóm PV
.
.