Giải mã những di vật tìm thấy trong lòng đất

Thứ Bảy, 21/08/2021, 18:55

Sau gần nửa thế kỷ vẫn còn những người mẹ khắc khoải tìm con, vợ tìm chồng; con, cháu tìm cha mẹ, ông bà chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng hành cùng hàng ngàn cuộc tìm kiếm ấy, bên cạnh các lực lượng chuyên trách, là cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an các tỉnh, thành để giải mã, khôi phục những thông tin trên các di vật liệt sĩ, nhằm tìm ra danh tính, thân nhân cho liệt sĩ…

Trên mảnh đất linh thiêng Quảng Trị có ngàn hàng câu chuyện cảm động về bộ đội chiến đấu, hy sinh; về hài cốt, di vật của liệt sĩ được tìm thấy trong lòng đất sau hàng chục năm trôi qua. Đại tá Ngô Văn Quả, Trưởng phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị tâm sự với chúng tôi rằng, để làm rõ danh tính liệt sĩ và giúp người thân liệt sĩ có thông tin về liệt sĩ, các đơn vị chuyên tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, như Sư đoàn 968, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh…, yêu cầu Phòng KTHS cần nhanh chóng giám định, kiểm tra, giải mã, khôi phục những thông tin trên các di vật liệt sĩ sau khi được phát hiện, quy tập.

chuyen ke 1.jpg -0

Các cán bộ, chiến sĩ Kỹ thuật hình sự khôi phục di vật liệt sĩ bằng kỹ thuật chuyên môn và máy móc hiện đại. 

Anh nhớ lại kỷ niệm khó quên: “Cách đây 14 tháng, chúng tôi nhận được đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về việc khôi phục, giám định thông tin trên di vật tìm thấy trong quá trình cất bốc hài cốt liệt sĩ tại thôn Tà Mền, xã Ba Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị. Ngay sau đó, các giám định viên nhiều kinh nghiệm được giao thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này. Mặc dù di vật là chiếc chai nhựa chứa mảnh giấy nhỏ chôn dưới lòng đất đã trên 45 năm; giấy đã bị ẩm ướt, mục nát; mực viết trên giấy đã phai mờ, song với tinh thần làm việc hết mình, bằng kinh nghiệm cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện nghiệp vụ, hóa chất chuyên dụng, các CBCS đã khôi phục được nội dung trên mảnh giấy. Kết quả tìm ra danh tính liệt sĩ Bùi Văn Đệ, quê quán thôn Gừa, xã Liên Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà; hy sinh hồi 11h ngày 1/5/1972. Thông tin này đã làm mọi người trong đơn vị vỡ òa niềm vui, xúc động”. Anh bồi hồi nói tiếp: “Việc khôi phục, giám định, giải mã thông tin trên di vật, tìm ra danh tính, thân nhân liệt sĩ Đỗ Văn Triệu khiến chúng tôi không thể nào quên”.

Tương tự, vào cuối tháng 2/2020, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 trong quá trình tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ ở khu vực sát Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa, đã tìm thấy, gửi về đề nghị Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị khôi phục, giám định, giải mã thông tin trên một di vật của liệt sĩ. Đó cũng là một mảnh giấy nhỏ được đựng trong chiếc lọ thuốc pinicilin. Song so với mảnh giấy kể trên, trông nó bị mục mủn hơn nhiều, rất khó để khôi phục.

Sau nhiều giờ nghiên cứu tìm biện pháp tối ưu nhất, các CBCS dùng cách sấy khô mảnh giấy mục nát rồi dùng hóa chất, máy móc chuyên dụng, hiện đại để khôi phục, quét tìm kiếm, ghi lại thông tin trên di vật bằng các bước sóng và nguồn sáng vật lý thích hợp. Sau một ngày làm việc tích cực, cuối cùng công sức, sự nỗ lực hết mình của các CBCS được đền đáp xứng đáng. Kết quả ghi lại được trên di vật này là danh tính liệt sĩ Đỗ Văn Triệu, sinh năm 1950, quê quán Thọ Bình, Tân Quang, Hải Hưng, nhập ngũ ngày 10/4/1970, hy sinh năm 1972 tại Hướng Hóa, Quảng Trị.

Liệt sĩ Đỗ Văn Triệu là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh em. Dù thuộc diện được miễn đi bộ đội sau khi gia đình đã có nhiều người thân vào chiến trường, song anh vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Khi khai quật tìm kiếm, hài cốt của liệt sĩ Đỗ Văn Triệu được tìm thấy ở độ sâu 1,7m; mai táng trong chiếc tăng, còn nguyên xương, cùng với đó là đế giày, cúc áo và chiếc lọ thủy tinh pinicilin có chứa mảnh giấy nhỏ ghi thông tin liệt sĩ như đã nói ở trên.

Ngày biết tin, ông Đỗ Xương Tân là anh ruột của liệt sĩ đã tức tốc đi vào Quảng Trị đón nhận hài cốt em mình. Tại đây, ông đã không cầm được nước mắt. “Vậy là sau 48 năm đợi chờ, tìm kiếm ở nhiều nơi, cuối cùng anh và gia đình đã an tâm vì đã được gặp em rồi!”.

chuyen ke 3.jpg -0
Di vật của liệt sĩ trước khi được khôi phục, giải mã. 

Mới đây, chúng tôi từng chứng kiến các CBCS Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị, như Trung tá Nguyễn Bảo Trà (Đội trưởng); Đại úy Trần Khánh Bằng (Phó Đội trưởng); Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Huyền và Trung úy Nguyễn Văn Phong tỉ mẩn phục dựng lại bức ảnh cô gái được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ ở chiến khu xưa Ba Lòng (nay thuộc xã Ba Lòng, huyện Đakrông, Quảng Trị).

Nói về công việc của CBCS đơn vị, Trung tá Trà tâm sự: “ Trong gần 10 năm lại đây, anh em CBCS đơn vị đã bằng trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm nhiều năm, cùng với đó là sự hỗ trợ của vật tư, vật liệu chuyên dụng và máy móc hiện đại, đã khôi phục được hàng trăm di vật, tìm lại tên cho nhiều liệt sĩ. Hầu hết các di vật do bị tác động của thời gian, môi trường làm biến dạng, mục nát rất khó phục hồi, song chúng tôi đã không bỏ cuộc để có được kết quả cuối cùng. Trong số đó phải kể đến các trường hợp đặc biệt khó như trường hợp di vật tìm thấy ở đợt tìm kiếm được 11 bộ hài cốt liệt sĩ ở khu đất nhà ông Phan Ngọc Viên, khu phố Nghĩa Hy, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ vào tháng 7/2018. Sau khi khôi phục di vật, các CBCS đơn vị đã giải mã thành công, làm rõ thông tin trên các di vật này bao gồm một giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, 3 bức ảnh và một bức thư. Liệt sĩ được xác định danh tính là Dương Lê Đường, quê xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An; hy sinh ngày 18/7/1972…”.

Trung tá Trà xúc động kể thêm rằng: “Ngày đón liệt sĩ Đường về quê, thân nhân gia đình anh đều không cầm được nước mắt, họ chia sẻ rằng 40 năm qua gia đình đã nhiều lần ngược xuôi tìm kiếm ở nhiều nơi nhưng không tìm  được hài cốt của liệt sĩ. Họ cảm thấy gia đình và liệt sĩ là con em của họ còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác, đặc biệt khi thông tin của liệt sĩ được khôi phục đầy đủ và chính xác”…

Cùng với các đơn vị, lực lượng chuyên trách, Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào công tác giám định, kiểm tra, giải mã, khôi phục những thông tin trên các di vật liệt sĩ sau khi được phát hiện, quy tập; qua đó, giúp tìm ra danh tính liệt sĩ, đưa các liệt sĩ về yên nghỉ ấm cúng bên gia đình và đồng đội. Đại tá Trần Xuân Vĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị nhận xét, Phòng KTHS Công an tỉnh luôn được Ban Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận, đánh giá cao về những thành tích đạt được trong suốt nhiều năm qua.

Đặc biệt, đối với riêng công tác giám định, kiểm tra, giải mã, khôi phục các di vật có các thông tin, hình ảnh liên quan đến liệt sĩ, đơn vị này đã nhiều năm liền được Bộ Công an, UBND tỉnh, Quân khu 4 và Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Gần đây, vào tháng 7/2021, đơn vị này lại vinh dự được UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin giai đoạn 2013 – 2020 trên địa bàn tỉnh và nước bạn Lào.

Trong những năm qua, Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị xác định công việc giám định, kiểm tra, khôi phục, giải mã những thông tin trên các di vật liệt sĩ sau khi được phát hiện, quy tập là nhiệm vụ thiêng liêng để tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đáp ứng tình cảm, nguyện vọng tha thiết của thân nhân liệt sĩ và đồng bào cả nước. Chính vì thế, công việc này luôn được các giám định viên nhiều kinh nghiệm tiến hành một cách tỉ mỉ, đem lại kết quả chính xác để qua đó góp phần tìm ra danh tính liệt sĩ, đưa các liệt sĩ trở về đoàn tụ với gia đình và đồng đội.

Thanh Bình
.
.