Cùng bà con xóa bỏ hủ tục ở thung lũng Trường Sơn

Thứ Ba, 24/08/2021, 10:12

Cuộc sống của bà con các tộc người Rục, Sách, Mày, Ma Coong ở thung lũng Trường Sơn đang ngày một khởi sắc, bản làng bình yên khi có sự chung tay của các cấp chính quyền và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã về cắm bản ở với bà con.

Chiều hè, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình theo đường mòn Hồ Chí Minh uốn cong như dải lụa về thung lũng Trường Sơn qua đất Quảng Bình. Thấp thoáng dưới những tán rừng già là bản làng của bà con các dân tộc ít người. Nhiều con đường vào bản được trải bê tông phẳng lỳ, những trường học, trạm xá được xây dựng khang trang, nhà sàn của bà con được làm kiên cố… Cuộc sống của bà con các tộc người Rục, Sách, Mày, Ma Coong ở thung lũng Trường Sơn đang ngày một khởi sắc, bản làng bình yên khi có sự chung tay của các cấp chính quyền và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã về cắm bản ở với bà con.

Dập tắt các hủ tục bủa vây

Khi nhắc đến các hủ tục trong đời sống của bà con các dân tộc ít người ở dãy Trường Sơn chạy dài theo miền Trung-Tây Nguyên, ai cũng rùng mình khi biết đến hủ tục “Mẹ chết chôn con theo” trong một số tộc người ở Quảng Bình. Tộc người Rục ở Quảng Bình đến đầu năm 2013 còn được đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới.

TR 35 - Cùng bà con xóa bỏ hủ tục ở thung lũng Trường Sơn -0
Công an tỉnh Quảng Bình khởi công xây dựng trường học cho học sinh ở các bản nơi thung lũng Trường Sơn. 

Người Rục hiện nay định cư ở 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O - Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa và được xem là em út trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Được biết, khi được phát hiện và đưa rời khỏi hang đá, người Rục chỉ có 34 người gồm 11 nam, 23 nữ, bốn em nhỏ và một già làng. Cuộc sống của đồng bào Rục dựa hoàn toàn vào tự nhiên, săn bắt, hái lượm, sinh hoạt như người tiền sử. Người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài… Do chiến tranh kéo dài, nên không chỉ với người Rục, mà người Sách, Mày, Mã Liềng, Ma Coong ở thung lũng Trường Sơn miền Tây Quảng Bình, cuộc sống rất khó khăn và hủ tục luôn bủa vây.

Bên bếp lửa, chúng tôi được các già làng kể về lời nguyền của tộc người mình. Không biết từ bao giờ, người Ma Coong, người Khùa, Sách, Mày, Rục ở dưới tán rừng Trường Sơn rỉ tai nhau một lời nguyền: "Giàng bảo, nếu người mẹ chết mà con không chôn theo thì con ma mẹ luôn về nhà quấy nhiễu những người còn sống. Phải chôn theo thôi, ai không làm theo thì cả bản bị con ma bắt". Từ lời nguyền rùng rợn đó, những cảnh tượng kinh hoàng đã âm thầm xảy ra dọc thung lũng ở chốn thâm sơn này... Bên cạnh hủ tục "Mẹ chết, chôn con theo", thì tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều nhức nhối trong đời sống của bà con các tộc người ở thung lũng Trường Sơn, Quảng Bình. Những cuộc hôn nhân cận huyết như con cô-cậu, con chú-bác, cậu-cháu, chú-cháu ruột kết hôn vẫn thường xảy ra làm bào mòn, đảo lộn cuộc sống bình yên nhiều bản làng.

Cuộc sống mới đến với các bản làng

Cuộc chiến với hủ tục và đói nghèo để giúp bà con dân bản dọc thung lũng Trường Sơn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng Công an, Biên phòng Quảng Bình đã phải kéo dài hàng chục năm. Những thành quả của ngày hôm nay như những những bông hoa đẹp nở trên vách đá. Các hủ tục như “Mẹ chết, chôn con theo” đã được xóa bỏ hoàn toàn. Tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… đang dần được đẩy lùi.

TR 35 - Cùng bà con xóa bỏ hủ tục ở thung lũng Trường Sơn -0
 CBCS Công an Quảng Bình trao tặng sách vở cho các em ở các bản làng tới trường.

Đại úy Hoàng Anh Quyền, Trưởng Công an xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa dẫn chúng tôi về nơi bà con ở có chung đường biên với nước bạn Lào. Trọng Hóa có 18 bản với 873 hộ, trong đó có 728 hộ người Khùa với 3.523 nhân khẩu, còn lại người Mày với 1.840 nhân khẩu. Nhiều bản như bản Tà Vờng, bản Giỗ, bản Lòm, bản Chà Káp… trước đây, hủ tục luôn vây quanh cuộc sống của bà con. Từ khi có CBCS Công an về xã, ngoài việc góp phần giữ gìn bảo đảm an ninh biên giới, nhiều CBCS còn tìm cách xóa bỏ các hủ tục cho bản làng. Tình cảm giữa CBCS Công an và bà con dân bản ngày một gắn bó, khi các anh chỉ cho bà con cách chăm nuôi con trâu, trồng rau để dùng, tránh việc xuống suối bắt tôm cá khi có lũ lụt…

TR 35 - Cùng bà con xóa bỏ hủ tục ở thung lũng Trường Sơn -0
CBCS Công an Quảng Bình trao tặng quần áo cho các em ở các bản làng tới trường

Trung tá Đoàn Vĩnh Bắc, Trưởng Công an xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết thêm: Cách đây mấy năm, cuộc sống bà con các tộc người ở Thượng Hóa thường dựa vào rừng, khe suối để săn bắt thú rừng, tôm cá… thì nay người dân đã biết cầm cái cày, cái cuốc để làm nương rẫy trồng lúa, trồng khoai, biết chăn nuôi con lợn, con bò để thay đổi cuộc sống. Chúng tôi gặp cặp vợ chồng trẻ người Rục là anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên ở bản Ón, xã Thượng Hóa, người vừa làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Được biết, hằng ngày vợ chồng Lực thức dậy khi con gà rừng chưa gáy để chuẩn bị lên rẫy. Lực trồng 3ha keo, nuôi 3 con lợn và 5 con trâu bò. Năm vừa rồi bán được hơn 50 triệu đồng cây keo nên Lực làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để địa phương giúp đỡ hộ gia đình khác vươn lên thoát nghèo như Lực…

Không chỉ bảo vệ cuộc sống bình yên và giúp bà con dân bản xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống mới ngày một tốt hơn, gần đây CBCS Công an tỉnh Quảng Bình còn quyên góp xây dựng trường học khang trang, mua sắm sách vở, quần áo cho trẻ em dân bản đến trường. 

Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, Quảng Bình khẳng định: Từ những tộc người luôn bị đói nghèo, lạc hậu, hủ tục bủa vây, đến nay hàng vạn đồng bào các dân tộc nơi đây có nhà ở kiên cố, đời sống văn hóa, kinh tế ngày một phát triển đó là sự nỗ lực hết mình của các cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con các dân tộc trong đó có vai trò rất quan trọng của lực lượng Công an. Huyện Minh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con như: giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; tuyên truyền xuất khẩu lao động; hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo các thôn, bản vùng giáp biên giới.

Dương Sông Lam
.
.